“Ghen” sao cho văn minh?

Huyền Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ghen là một gia vị cho cuộc sống gia đình, nhưng hoang tưởng rồi ghen tuông lại là chuyện khác. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, nó sẽ dẫn tới những hậu quả không ai có thể lường trước được.

Đừng để ghen tuông đánh mất lý trí!

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực, gây thương tích, thậm chí là giết người do ghen tuông, mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân. Vợ, chồng sẵn sàng ra tay sát hại nhau, dẫn đến những thảm án đau lòng khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Có thể nói, những vụ án do ghen tuông diễn ra ngày càng nghiêm trọng: Chồng chém vợ chết, giết cả nhà vợ vì ghen, ném con chết vì ghen, thiêu chết vợ… Chưa có một con số thống kê cụ thể về các vụ trọng án vì ghen tuông nhưng gần như ngày nào trên mạng xã hội cũng xuất hiện những vụ việc đau lòng vì ghen.

Có thể thấy, số lượng các vụ án gia tăng, tính chất, mức độ hành vi ngày càng phức tạp, nguy hiểm và gây ra rất nhiều hệ lụy trong xã hội. Đây là một tình trạng rất đáng báo động về văn hóa ứng xử trong tình yêu, tình cảm vợ chồng hiện nay. Thay vì lựa chọn các giải pháp giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở đối thoại, các đối tượng lại lựa chọn giải pháp rất tiêu cực là sát hại người còn lại. Đây đều là hành vi có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ.

“Ghen” sao cho văn minh? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dưới góc độ tâm lý, hầu hết trong các vụ án, đối tượng gây án đều ở trạng thái mất kiểm soát về tinh thần, cả giận mất khôn, chỉ vì một phút thiếu bình tĩnh mà đối tượng nhẫn tâm sát hại người mình yêu. Đa phần các đối tượng gây án thường có nền tảng đạo đức, nhân cách không tốt, thường có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi việc. Những vụ án mạng vì ghen tuông trong tình yêu, tình cảm vợ chồng có thể do mâu thuẫn tích tụ lâu dài không được hoá giải, dẫn đến bùng phát, thủ phạm căng thẳng, quẫn trí không kiểm soát được hành vi. Ngoài ra, không ít bạn trẻ khi bước vào mối quan hệ yêu đương lại có lối suy nghĩ, quan niệm méo mó như tâm lý sở hữu, kiểm soát người yêu, bắt người yêu phải phục tùng… dẫn đến hậu quả là mối quan hệ tình cảm luôn căng thẳng, nặng nề, thậm chí xảy ra vụ việc đau lòng.

Dưới góc độ pháp luật, hung thủ sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật với hành vi của mình gây ra. Đối tượng gây án sẽ bị truy tố về tội Giết người quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung hình phạt có thể là có động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ, với hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Tuy nhiên, hệ luỵ sau đó thì không ai lường trước được. Đặc biệt là các vụ án gia đình, khi nạn nhân là chồng/hoặc vợ, người mất, kẻ đi tù, để lại đàn con thơ bơ vơ không nơi nương tựa, thiếu đi tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, thậm chí, quan hệ thông gia vì thế cũng rạn nứt.

Cùng quan điểm, trước đó nói về các vấn đề liên quan đến các vụ án mạng trong gia đình, TS.Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho biết, hiện tượng người trong gia đình giết hại nhau đang diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, báo hiệu những điều bất thường trong xã hội. Nhìn ở nguyên nhân gần, tức là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến các tình huống xung đột gây án mạng, có thể thấy thủ phạm thường hạ sát người thân trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bột phát. Mâu thuẫn trong gia đình hiện nay, có thể đến từ tranh chấp đất đai, tài sản, quyền lợi hay ghen tuông tình ái, bức xúc từ lối ứng xử bạo lực, thiếu văn hoá giữa các thành viên với nhau. Các yếu tố này tích tụ, dồn nén. Khi vượt quá giới hạn của sức chịu đựng, thì việc xuống tay tàn bạo với người thân của mình, giống như một sự giải phóng những năng lượng tiêu cực.

Tuy nhiên, không phải ai gặp phải các tình huống bất lợi như trên cũng có thể giết hại người thân của mình. “Theo tôi, chính sự suy thoái văn hoá, xuống cấp về đạo đức lối sống mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội, kế hoạch phạm tội và quyết tâm thực hiện tội phạm của hung thủ” – TS Hiếu nhận định.

Ghen thế nào để giữ được hạnh phúc?

Cuộc sống vợ chồng không tránh được những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” hoặc nếu không thì cũng dễ nhàm chán với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày. Khi đó một trong hai bên gặp được “luồng gió mới” sẽ dễ dàng nảy sinh tình cảm bên ngoài nếu chỉ biết nghĩ đến bản thân. Khi ấy, người chồng đã quên đi trách nhiệm của một người chồng, người cha, còn người vợ thì cũng bỏ qua trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, người giữ lửa cho mái ấm gia đình...

Các vụ đánh ghen của phụ nữ thường nhằm vào người thứ 3 với các hành vi đánh đập, lột đồ mang tính sỉ nhục. Nhưng các vụ trọng án, giết người do ghen phần lớn nam giới là thủ phạm, nữ giới là nạn nhân. Trong đó, có những trường hợp thủ phạm tự vẫn theo hoặc tự vẫn không thành.

Có thể nói, chính từ sự nóng giận, lối suy nghĩ bi quan, ích kỷ và có phần ấu trĩ của các ông chồng đã khiến cuộc sống hôn nhân của họ phải sớm kết thúc trong nỗi bi ai. Trước những vụ án xuất phát từ việc ghen tuông đang ngày càng gia tăng như hiện nay, ai cũng thấy rất trăn trở. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự đứt gãy các giá trị truyền thống của gia đình.

“Ghen” sao cho văn minh? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhiều người cho rằng, xã hội hiện đại, mọi thứ được nhìn “thoáng” hơn, “cởi mở” hơn, song lại không nghĩ rằng chính cái sự thoáng, cởi mở một cách thiếu kiểm soát và không giới hạn đó đã khiến bao bi kịch xảy ra. Chưa nói chuyện tình cảm bị đổ vỡ mà sâu xa hơn, khiến vì nó mà người ta trong cơn nóng giận đã ra tay tàn sát, đó là cảm giác bị phản bội, bị chà đạp lòng tin - thứ mà ai cũng mong muốn có ở nơi chốn được gọi là nhà, ở người được gọi là bạn đời.

Thực tế, đã có nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra do người chồng níu kéo tình cảm hôn nhân bằng bạo lực, giết người. Hậu quả là người chết, kẻ đi tù, hôn nhân tan vỡ, con cái của cả nạn nhân và bị cáo đều chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Theo các chuyên gia tâm lý, khi xung đột, vợ chồng cần có sự hòa giải và “nhường nhịn” lẫn nhau. Để níu kéo hôn nhân, thay vì sử dụng vũ lực, người chồng/vợ cần thay đổi thái độ, hành vi, cách ứng xử để “lấy lòng” người còn lại, có thể nhờ sự can thiệp, giúp đỡ từ người thân để cùng hóa giải mâu thuẫn, hàn gắn hôn nhân.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trước tiên, người chồng cần xem xét trách nhiệm của mình để khiến vợ phải “đơn phương ly hôn”, từ đó tìm ra phương pháp hòa giải phù hợp, chứ không thể đổ lỗi cho người khác. Hôn nhân dựa trên sự quan tâm, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, vì vậy, chỉ cần người chồng có những hành động tích cực để vợ và gia đình vợ thấy được sự thay đổi của mình thì sẽ cảm động được vợ và giữ gìn được hạnh phúc gia đình.

Luật sư Hùng phân tích: Để giảm bớt tình trạng án mạng vì tình, cần có giải pháp đồng bộ về tâm lý, xã hội cũng như pháp luật, tăng cường sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội, tăng cường giáo dục, xây dựng văn hoá gia đình từ việc gieo mầm tình yêu thương, đến hành vi ứng xử có văn hoá, lịch sự, xây dựng cách thức đối thoại trong gia đình để tìm được tiếng nói chung khi xảy ra mâu thuẫn; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng giá trị và nhân cách sống của mỗi người, có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác, cần loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, biết kiềm chế cảm xúc, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, người trẻ cần có sự chuẩn bị tâm lý, tạo thói quen đến các bác sĩ khi gặp vấn đề về tâm lý hoặc luật sư nếu như gặp các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật...

Các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra lời khuyên: Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, người phụ nữ phải ý thức được rủi ro, sự nguy hiểm của bản thân khi ở cạnh người có hành vi bạo lực vì ghen tuông. Họ cần phải biết bạo lực lần thứ nhất nếu được bỏ qua thì sẽ có lần thứ hai và những lần tiếp theo, do đó, phải giải quyết triệt để vấn đề này ngay từ đầu. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để người phụ nữ hiểu được thế nào là bạo lực gia đình và biết cách ứng phó; cần thay đổi nhận thức của nạn nhân về việc khi bị bạo hành, nạn nhân cần phản kháng, phá vỡ sự im lặng, nhanh chóng lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của người thân, tập thể…

Về phía người chồng, khi xuất hiện cơn ghen, cần cố gắng kiềm chế bằng cách tình tĩnh phân tích vấn đề mà mình đang nghi ngờ, không nên “tự vẽ” ra những cảnh tượng để hành động nông nổi, gây hậu quả đau lòng. Ngoài ra, hai người cũng cần trò chuyện thẳng thắn để tìm ra hướng giải quyết tích cực, đối phương cần chú ý đến cách nói của mình như tránh dùng các từ gây ra sự tức giận, kích động bạo lực, mà hãy lắng nghe để người đang ghen tự giải toả cảm xúc bực tức, cáu giận…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

(PNTĐ) - Là một phụ nữ mang trong mình những đam mê cháy bỏng, cùng kiến thức rộng lớn về các loại cỏ cây hoa lá, Thu Hiền Nguyễn đã phác họa nên “Hoa 10 Giờ” - tiệm hoa tươi phong cách cổ điển đầu tiên tại Việt Nam bằng tất cả niềm đam mê, nỗ lực và một tâm hồn hướng thiện.
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ.