Gia đình là nơi trú bão

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Muối mặt vì con gái sắp đẻ nhưng nhà trai vẫn không có động thái đến nhận cháu hay bàn chuyện tổ chức cưới xin gì, bà Hoàn từng không dám bước chân ra ngoài đường vì sợ người đời bàn tán. Nhưng, giờ thì đã khác rồi...

Liễu - con gái bà Hoàn quen cậu người yêu được 5 tháng thì phát hiện có bầu. Cả hai đã 25, 26 tuổi và đều có công việc ổn định. Vì vậy, khi biết chuyện con gái có thai, vợ chồng bà Hoàn cũng tỏ thái độ nhẹ nhàng. Nhưng đằng trai thì khác, một lần Liễu vô tình nghe được cuộc trò chuyện của người yêu là Hoàng với mẹ. Bà nhận định Hoàng bị úp sọt và gay gắt bảo: “Không có cưới xin gì hết, chắc gì đó đã là con của con”.

Hoàng thì yêu Liễu lắm, nhưng khổ nỗi từ bé Hoàng đã sợ và nghe lời mẹ vô điều kiện, vậy nên tình yêu có lớn cỡ nào cũng không thắng nổi sự hèn nhát và thiếu quyết đoán của anh. Liễu buồn bã, tuyệt vọng và từng nghĩ đến việc bỏ con, khi đó một lần nữa Hoàng lại kề bên và gieo rắc hy vọng sẽ cưới cô. Điều đó khiến Liễu bình tâm suy nghĩ lại và quyết định dưỡng thai cho tốt đợi Hoàng rước về dinh.

Liễu bầu 4 tháng mới hết nghén, giai đoạn khó khăn đó một tay bà Hoàn chăm sóc, chẳng thấy ông bà “thông gia hụt” đoái hoài gì. “Không nghĩ cho mẹ nó thì cũng phải nghĩ đến đứa cháu nội đích tôn của mình chứ” – bà Hoàn vừa nói vừa tỏ vẻ uất ức, nghẹn lòng.

Mỗi lần Hoàng sang nhà thăm, bà Hoàn từ trách móc nhẹ nhàng, khéo léo gợi ý bảo Hoàng về thưa chuyện lại với bố mẹ, cho đến việc chỉ thẳng mặt anh mà mắng là đồ tồi, vô trách nhiệm…

Hoàng chỉ biết một câu xin lỗi, hai câu xin lỗi mà chẳng có chuyển biến gì. Bà Hoàn không chịu đựng được nữa bèn gọi điện thẳng cho mẹ Hoàng nói chuyện cho ra ngô ra khoai.

Gia đình là nơi trú bão - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mẹ Liễu dõng dạc tuyên bố: “Nếu nhà bên đó không có ý định cưới xin gì thì nhà tôi cũng không cần, tự gia đình tôi nuôi cháu tôi được. Lúc đó anh chị đừng có nằm mơ mà nhận lại cháu đích tôn nhé!”.

Mẹ Hoàng thì lấy đủ mọi lý do làm bia đỡ đạn cho việc vì sao lại trì hoãn đám cưới. Rồi nhà họ còn thông báo cho gia đình Liễu rằng, ông họ của Hoàng mới mất, phải đợi qua 100 ngày mới tính được đến chuyện cưới xin. Liễu vẫn ngây thơ cảm thông và cho qua chuyện này, nhưng bà Hoàn đã nghi ngờ đây chỉ là lý do “chữa cháy” cho sự vô trách nhiệm mà thôi.

Bà liền gọi Hoàng đến nhà nói chuyện, hỏi ông họ mới mất có họ hàng như thế nào? Bị sao mà mất? Nhà ông có gần đây không?... Hỏi chục câu thì những thông tin mà Hoàng biết chỉ vỏn vẹn là tên của ông. Bị bà Hoàn hỏi dồn dập, Hoàng lắp ba lắp bắp thừa nhận rằng đó chỉ là họ hàng rất xa “bắn đại bác cũng không tới”, anh còn chưa gặp ông đó bao giờ.

Trong tình huống này, nếu là người tử tế sẽ quan tâm và hỏi han tình hình dưỡng thai của Liễu và thậm chí phải ngỏ lời tổ chức bữa cơm báo hỷ thân mật, nhỏ gọn để nhà gái yên tâm. Nhưng đằng trai làm gì hiểu đạo lý, nghĩa tình đến thế, họ chỉ muốn kiếm tạm cái cớ nhà có tang để trì hoãn việc hỏi cưới thôi!

Qua 100 ngày ông họ như đã hứa, nhà Hoàng vẫn không có động tĩnh gì mặc dù Liễu đã bầu gần 8 tháng. Mỗi lần ra khỏi nhà, bà Hoàn lại nghe được những tiếng xì xào bàn tán sau lưng rằng con gái bà “chửa hoang hay sao mà chẳng thấy cưới xin gì”; “chửa vượt mặt ra rồi mà không cưới”; “úp sọt không thành công”… Thương con, thương mình, bà Hoàn càng thêm giận nhà Hoàng.

Bà chỉ ở trong nhà suốt mà chẳng dám ra ngoài giao lưu hay gặp gỡ ai, bà sợ những ánh mắt dò xét, những lời ra tiếng vào chẳng hay ho gì về con gái và gia đình bà. Đến tận ngày Liễu đẻ, cả Hoàng và gia đình Hoàng “bốc hơi” ở đâu không ai biết, bà Hoàn đoán Hoàng đã bị mẹ đẻ ngăn cấm đến gặp con vì sợ bị…bắt đền.

Ôm con xuất viện về nhà, Liễu kiểm tra điện thoại, là tin nhắn của Hoàng với nội dung: “Anh xin lỗi, mẹ đi xem bói, thầy bảo năm nay không được tuổi, không có ngày nào đẹp hết nên chưa thể hỏi cưới em được”. Đang bế thiên thần nhỏ đảng yêu trên tay nên cô mới giữ được chút bình tĩnh cuối cùng mà không gào thét hoặc vứt chiếc điện thoại đi. Bà Hoàn ở bên cạnh trấn tĩnh, an ủi con gái sớm vượt qua chuyện này và khuyên con hãy nghĩ đến điều quý giá hiện tại là đứa con mới chào đời.

Con tròn 1 tháng tuổi, Liễu đăng hình con lên mạng xã hội để lưu giữ lại khoảnh khắc. Hoàng đã nhìn thấy bức ảnh đó, anh còn gọi điện cho Liễu khen con trộm vía, mẹ anh bảo giống hệt anh hồi nhỏ. Giờ nhìn rõ đường nét khuôn mặt của con hơn lúc mới sinh, thấy giống anh nên mẹ mới cho anh liên lạc lại với em. Mẹ nói cứ để con cứng cáp rồi xem tiện thể sẽ qua đón em về, cho con nhận bố, cho em một danh phận.

Gia đình là nơi trú bão - ảnh 2
Ảnh minh họa

Liễu nghe xong chỉ nghĩ, tại sao mình dây dưa phải loại người này và gia đình của anh ta cơ chứ? Những lời nói có sức sát thương cao, khó chấp nhận như vậy cũng có thể nói ra được với người vừa sinh ra con, cháu nội cho họ. Chuyện vô lý như trong phim nhưng lại xảy ra với Liễu, câu chuyện chân thật hết sức có thể.

Liễu vừa nằm ôm con trong tay, vừa nghĩ lại khoảng thời gian mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, tình yêu duy nhất mà cô nhận được là từ bố mẹ đẻ của mình. Bao nhiêu mong chờ rồi phải hờn tủi, tổn thương, thất vọng khi tin vào lời hứa của kẻ bội bạc.

 Sẽ chẳng có cái đám cưới nào diễn ra cả. Liễu đã có thể tự lập, tự nuôi con và làm một người mẹ đơn thân tốt của con mình. Liễu tự nhủ sẽ cố gắng nuôi dạy con nên người, bù đắp cho con tình yêu mà con thiếu từ khi còn trong bụng mẹ.

Giờ đây, Liễu không những học được bài học đầu tiên về làm mẹ, mà còn học được cách làm một người con ngoan. Khi yêu đương hay làm bất cứ việc gì cũng phải tìm hiểu thật kỹ và nghĩ đến gia đình, để chí ít đừng gặp phải kẻ “ăn ốc không chịu đổ vỏ” như Hoàng, để bố mẹ không buồn lòng hay xấu hổ khi gặp họ hàng, hàng xóm láng giềng như đã từng.

Tuy bố mẹ chẳng nói ra, cô biết sâu trong lòng họ có chút tủi hổ. Song hơn hết, bố mẹ rất thương con gái bầu vượt mặt, đẻ con ra mà chẳng có đám cưới nào cả nên đã bỏ qua sĩ diện để hỗ trợ cô.

- Không sao con ạ. Mình không cần lậy lục họ nữa. Bố mẹ luôn yêu con và cháu. Cả nhà mình sẽ luôn ở bên nhau, bà Hoàn nói với con.

Nghe xong, Liễu bỗng ôm chầm lấy mẹ. Gia đình cuối cùng vẫn là nơi yêu thương đón cô chở về, là nơi để nương tựa, trú bão.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.