Gia đình, nhà trường là lá chắn phòng vệ tốt nhất
(PNTĐ) - Ma tuý thế hệ mới đã và đang xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. Tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay phối hợp của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Hệ luỵ khôn lường
Mỗi một loại ma túy có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng. Việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp, đặc biệt, nó cũng sẽ gây ra tình trạng “nghiện” ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy. Khi sử dụng một thời gian, người nghiện sẽ dẫn đến tình trạng “rối loạn thần kinh” thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể (hay còn gọi là “sốc ma túy”).
Tác động của ma tuý thế hệ mới đối với sức khoẻ con người như làm suy giảm chức năng thải độc của cơ thể; tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây nên tình trạng kích thích hoặc ức chế từng phần ở bán cầu đại não gây rối loạn phản xạ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân, tay, chậm chạp, u sầu, ngại vận động; dễ bị kích động dẫn tới tội ác, nếu dùng liều cao có thể bị ngộ độc cấp, biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, hôn mê.
Nghiện ma tuý còn dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, suy nhược toàn thân, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt; bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.
Do ảnh hưởng các chất ma túy mà người sử dụng không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Khi đã lệ thuộc ma túy, nhu cầu về tiền bạc đối với người nghiện rất lớn.

Sự lạm dụng các chất ma túy sẽ làm mất đi các giá trị tổng hòa của cuộc sống cộng đồng, gây mất ổn định xã hội. Việc duy trì các dịch vụ có liên quan đến ma túy vừa tốn kém vừa tiêu phí nguồn nhân lực quý giá cần thiết cho các nhu cầu và các mối quan tâm khác của xã hội.
Đặc biệt, đối với môi trường học đường, nếu như học sinh, sinh viên sử dụng ma túy (dưới bất cứ hình thức nào kể cả thông qua các loại thực phẩm có chứa ma túy) sẽ dẫn đến không còn hứng thú với việc rèn luyện và tiếp thu các kiến thức cần thiết mà chỉ có xu hướng muốn hưởng thụ các tệ nạn xã hội.
Không những thế, các đối tượng này có thể sẽ lôi kéo thêm bạn học của mình tham gia vào tệ nạn ma tuý hoặc hoạt động phạm tội về ma tuý. Đáng lo ngại hơn, khi học sinh sử dụng ma tuý dẫn đến tình trạng ảo giác, loạn thần sẽ có nguy cơ tự thương, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho những người bạn học cùng gây mất an toàn học đường và dư luận xấu trong xã hội…
Thượng tá Bùi Đức Thiêm (Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an) cho biết: Nhiều bạn trẻ cho rằng các loại ma túy mới khi sử dụng sẽ không gây nghiện. Tuy nhiên, đây là quan điểm rất sai lầm. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra như con giết cha, chém anh chị em trong nhà sau khi sử dụng các loại ma túy này. Do đó, các bạn trẻ không được sử dụng dù chỉ một lần!
Xây dựng rào chắn vững chắc
Gia đình và nhà trường được xem là “lá chắn” bảo vệ và giúp các em học sinh, sinh viên tránh được các nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào việc sử dụng, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy. Tuy nhiên, cũng chính gia đình và nhà trường lại là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các em đến với ma túy.
Như: Một bộ phận cha mẹ do mải làm ăn, lo kiếm tiền nên không có thời gian quan tâm hoặc nuông chiều con cái quá mức; trong gia đình có người lớn tuổi mắc nghiện hay có hành vi buôn bán ma tuý... có thể khiến cho các em sa ngã. Một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ bỏ nhau; gia đình bất hoà, mồ côi cha mẹ hoặc gia đình khó khăn…) cũng có thể tác động tiêu cực đến cảm xúc của các em, điều đó khiến các em tìm đến ma túy để được thoải mái và dễ chịu hơn, quên hết mọi muộn phiền.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý học sinh ở một số địa phương chưa thực sự có hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho ma túy có cơ hội len lỏi vào học đường.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống của phụ huynh học sinh và giáo viên khi nghi ngờ và phát hiện con em mình, học sinh của mình cho thấy, có tới 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Có 29,5% phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát biết một chút kiến thức về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy.
Chỉ có khoảng 13% phụ huynh và giáo viên biết rõ, 25% biết khá rõ về ma túy. Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng chứ để nhận diện đó là loại ma túy nào và tác động ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như đều không nắm được.
Bên cạnh đó kỹ năng để nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em, học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy ở phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát cũng rất thấp.

Chuyên gia tâm lý học đường Trần Thị Mạnh Linh cho rằng, cha mẹ cần xác định rõ vai trò, vị thế của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con em. Muốn con em mình không sa vào ma tuý, trước tiên, cha mẹ hãy làm gương tốt cho con trong lối sống, cách ứng xử. Một gia đình hoà thuận sẽ tạo cho các con ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt.
Cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời tư của con em mình, hiểu thế giới nội tâm vô cùng phong phú, đa dạng, nhạy cảm, hiếu động, thích tìm tòi, ưa cái mới… của các con ở tuổi vị thành niên, từ đó, có cách giáo dục hợp lý, định hướng cho các em các mối quan hệ để các em có thể lường trước được mọi vấn đề.
“Trường hợp trẻ vị thành niên nghiện ma tuý, gia đình hãy động viên, an ủi, tạo điều kiện để giúp các em cai nghiện thành công. Sau khi cai nghiện trở về, các em vẫn có thể tái nghiện do bản thân chưa đủ quyết tâm, bị bạn xấu lôi kéo. Do đó, cha mẹ hãy bên cạnh, làm chỗ dựa cho con vượt qua cám dỗ của ma tuý” – Ths Mạnh Linh khuyên.
Bác sĩ, đại tá Tạ Đức Ninh, nguyên Trưởng phòng thường trực Chương trình quốc gia phòng chống ma túy (Bộ Công an), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy PSD, cho rằng việc nhận diện các chất ma tuý này không đơn giản: Để phòng ngừa việc học sinh sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy, cha mẹ, học sinh và nhà trường trước hết phải thường xuyên cập nhật các tin tức về hình ảnh cũng như thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động truyền thông của cơ quan chức năng.
Trên cơ sở này, chính phụ huynh sẽ nâng cao kiến thức và kỹ năng cảnh giác trước sự lôi kéo của các đối tượng. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt và các mối quan hệ của học sinh, khi phát hiện các biểu hiện bất thường, cần sử dụng các biện pháp y tế tại gia đình hoặc phối hợp với cơ quan y tế địa phương xét nghiệm ma tuý cho học sinh.
Cùng với lực lượng công an, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng phải tích cực thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào học đường. Các trường ngoài tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, còn cần phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với học sinh nhằm rà soát, phát hiện học sinh sử dụng trái phép chất ma túy.
Đồng thời, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong cán bộ, giáo viên và học sinh, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện. Ngoài ra, nhà trường cần khuyến khích các em phát hiện, tố giác các đối tượng mắc nghiện, tàng trữ các chất ma túy tại nhà trường và địa phương, phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác quản lý, giáo dục con em…
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp các phòng nghiệp vụ thuộc Công an thành phố cùng các đơn vị chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp về đặc điểm của một số loại ma túy mới, các loại ma túy núp bóng thực phẩm (có hình ảnh thực tế minh họa), tác hại cũng như kỹ năng phòng tránh cho học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn.
Xây dựng các kịch bản sân khấu hóa về tệ nạn ma túy dưới hình thức tiểu phẩm ngắn, qua đó đưa các nội dung về thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng, hình thức của các loại ma túy mới, ma túy núp bóng thực phẩm một cách sinh động và dễ tiếp thu nhất; phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thủ đoạn lôi kéo, nguy cơ vi phạm và cảnh báo hệ lụy đến bản thân người sử dụng, các hình thức xử lý của pháp luật đối với hành vi vi phạm về ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội…