GIẤC MƠ CỦA MẸ

Chia sẻ

TỐNG NGỌC HÂN

Cốc thuốc sắc nghi ngút khói trên tay. Mùi của hạt sen, kỉ tử, chuối hột, xen lẫn những mùi lạ. Thuốc màu long nhãn. Những ngón tay gầy guộc nổi gân xanh ôm lấy thân cốc. Ánh mắt rười rượi trải lên góc trời miên man vảy tê tê. Thuốc tự chảy từ miệng xuống cổ. Từ cổ tràn vào dạ dày. Cả một vùng lục phủ ngũ tạng run rẩy ngập trong thuốc. Những tế bào nhỏ nhoi run rẩy trong thuốc. Xon xót, buốt nhói và rấm rứt. Lo sợ và hy vọng. Thuốc ngấm vào người như những tia nắng cuối ngày ngấm vào đất. Đất về đêm ấm. Cơ thể người đàn bà về đêm ấm. Lời của thầy lang không phải lúc nào bệnh nhân cũng nhớ. Nhưng lời của thuốc, khó quên lắm.

- Anh lại đi câu đấy à? Chồng cô khẽ gật. Lần này, chắc một chuyến câu xa. Cả một chiếc xe máy phân khối lớn chất đầy thiết bị câu. Anh chỉ câu trắm ốc. Để ốc không rời bỏ trận địa bẫy, anh dùng gạo nếp thơm gột nước sôi. Dẻo, dính, ngào ngạt. Đổ ốc sống vào hỗn hợp nửa gạo nửa xôi ý. Bọn ốc sung sướng, thỏa mãn với thứ mồi thơm tho ngào ngạt ấy. Chúng cứ việc thưởng thức, không bò đi đâu cả. Chúng là mồi của cá trắm. Nhiệm vụ của chúng là dụ cá trắm đến. Rồi cá trắm sẽ thành mồi nhậu của chồng cô và những đồng nghiệp trong công ty trong ngày nghỉ, ngay bên bờ hồ. Những chiếc hồ câu đẹp, tiện nghi và sống động. Anh bảo anh đi câu để học ở chiếc cần và con cá sự kiên trì cần thiết. Anh còn nói. Đấy là quy luật. Rồi con người cũng trở thành mồi, thức ăn của muôn vàn sinh vật nhỏ bé nữa.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Ba tháng nay Lam ở hẳn nhà để điều trị bệnh. Cô là con một. Chồng cô cũng con một. Cái khát khao sinh cả một đàn con cho chồng, cho họ nội, cho họ ngoại cứ bừng bừng trong cô kể từ khi cô về làm vợ anh. Vậy mà, ông trời chặt chẽ làm sao. Đã năm năm rồi. Những bệnh viện lớn trong nước cô đều đến. Là anh đưa cô đến. Lần thứ tư cô mang thai vừa cách đây năm tháng. Nhưng cũng như những lần trước, mầm sống lại rời xa cô khi được vài tuần. Và cô nhận thấy thái độ anh bắt đầu thay đổi. Anh cũng không cố giấu giếm thái độ ấy. Thậm chí còn phô ra như thể cô càng biết nhanh, biết rõ càng tốt. Cô lảng tránh hai chữ ly hôn. Không muốn nghe ai nói. Không muốn nhìn thấy. Không muốn nghĩ tới. Bởi lòng cô còn tràn trề hy vọng. Đêm nào cô cũng nói với anh về niềm hy vọng. Anh ngủ rồi cô vẫn nói. Nói với chăn chiếu, với những cuốn cẩm nang về mang thai, nuôi dạy con để chiếc bàn nhỏ trong phòng ngủ, nói với lọ hoa baby trắng tinh khôi đáng yêu, nói với cây đàn ghi ta cũ. Chúng sẵn lòng thay anh nghe cô kể về niềm hy vọng. Về mùi vị của loài thảo dược mới. Về cách trò chuyện hóm hỉnh của một thầy lang mới. Và cả những ngôi chùa cầu tự nổi tiếng cô đã đến. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Cô đã làm hết mọi điều có thể. Hai giờ sáng anh mới về. Anh bỏ vào tủ lạnh những miếng thịt cá trắm đen đã nướng giấy bạc và cả những bát sen tươi thơm nức mùi đồng. Anh tắm rửa rồi lên giường, nằm cạnh cô. Mùi rượu phảng phất.

- Em thức khuya làm gì?

- Anh chưa về thì em bất an chưa ngủ được.

- Vậy à! Từ nay anh sẽ ngủ riêng, cho em quen đi.

- Anh ôm cái gối và vỏ chăn mỏng ra phòng khách. Ở đó có cái sofa đệm mút dài rộng. Lam trằn trọc. Mới đêm qua hai người còn thủ thỉ đủ chuyện. Chỉ một ngày qua đi mà sao mọi điều đã thay đổi. Đắng ngọt, ngọt đắng. Gần xa, xa gần. Lam thức dậy khi chồng cô đã đi làm. Công việc của anh khá vất vả. Vì anh là trưởng phòng makerting một công ty chuyên nội thất nhập ngoại. Lam là một giáo viên tiếng Nhật dạy hợp đồng cho một trung tâm tại thành phố.

- Em lại đi làm rồi à? Em còn dừng thuốc nữa…

- Vâng. Em đi làm và không uống nữa! Cũng không xem sách tư vấn nữa, anh không thấy máy tính bụi phủ đầy à? Em còn đi câu cá, toàn cá chép đấy. Anh cứ tưởng em mua cá kho sẵn ở chợ phải không? Mà nói cho anh biết nhé. Em cũng tự làm mồi câu luôn.

- Giỏi thế! Thảo nào, dạo này anh thấy em hình như lên cân!

- Còn hình như gì? Em lên ba cân, chật hết váy. Chúng ta có con rồi!

- Anh này! Hôm này là con tròn hai tháng. Chúng mình bỏ câu đi. Đừng sát sinh nữa. Ừ. Anh sẽ đánh cầu lông dưới sân chung cư. Em làm khán giả nhé. Không. Em móc mũ với tất chân cho con. Lúc em sinh là đầu năm, vẫn lạnh.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

- Anh này! Hôm nay con tròn bốn tháng. Mỗi đứa đạp một bên anh ạ. Anh nghĩ sao về kết quả và lời nói của bác sĩ? Còn nói gì nữa. Anh rất mừng. Em sinh đôi. Tay trái anh bế một, tay phải bế một. Khi nào mỏi thì bà ngoại bế một, bà nội bế một. Còn em thì vất vả quá! Mai anh phải đưa em đi siêu thị chọn len. Em phải móc thêm mỗi thứ một vài bộ nữa. Nhỡ sinh ba thì sao?.

- Anh! Con đâu rồi? Đây gì? Sao em hoảng hốt thế! Ôi, em toàn mơ có người bế chúng đi. Em đừng nghĩ ngợi linh tinh. Có anh ngồi đây rồi!

- Anh! Con chúng ta đâu rồi?

- Đây gì em. Mỗi đứa một nôi, anh đưa mỏi cả tay em không thấy à?

- Này, đưa nôi cho con là không được kêu mỏi!

- Chứ phải kêu thế nào cơ?

Đều đặn mỗi ngày, anh phải viết lên tấm bảng để sát cái bàn làm việc của Lam một dòng chữ. “Đây không phải là giấc mơ”. Mỗi ngày bằng một màu phấn mới. Bác sĩ bảo hiện tượng trầm cảm khi mang thai và sau sinh ở phụ nữ là khá phổ biến. Những lần giao tiếp thân mật hiếm hoi giữa anh và Lam anh đều ghi lại. Ghi để làm gì, chính anh cũng không biết. Trong khi cả bà nội bà ngoại đều bận tíu tít với hai đứa cháu sinh đôi thì Lam thì cứ thơ thẩn ngoài ban công, nơi mà anh đã cho thợ gia cố hàng lưới sắt cẩn thận. Ngoài ban công có chậu hồng tỉ muội đang rực lên những chùm hoa nhỏ xinh xắn và đỏ rực như máu. Lam thậm chí còn vạch áo ra, vắt những giọt sữa vốn đã ít ỏi lên những cánh hoa ấy. Chỉ đến khi mẹ anh van nài. “Con phải để dành sữa cho hai con của con chứ”. Thì Lam mới vội chạy vào nhà, cô quỳ xuống giữa hai cái nôi và lắp bắp: “Mẹ xin lỗi các con”. Chỉ vài lời ít ỏi thế thôi. Con khóc, Lam không dỗ, chỉ lấy khăn lau nước mắt cho con. Ánh mắt Lam nhìn hai đứa con mà cô hằng khao khát bấy lâu chẳng khác gì ánh mắt nhìn những con thú bông trong phòng. Chỉ khác, thú bông thì Lam ném ra cửa phòng nhưng hai đứa trẻ thì Lam cứ nhìn hờ hững thế thôi. Hai đứa trẻ đầy tháng trong sự yêu thương quan tâm đầy đủ của hai bên ông bà họ hàng. Chúng chỉ thiếu sự vỗ về của mẹ. Thậm chí, mọi người còn thay nhau không rời mắt khỏi hai đứa trẻ, vì sợ những hành vi tiêu cực từ Lam. Cũng có lần anh nghĩ. Có khi nào, tại anh đi suốt ngày không nói chuyện với vợ rồi vợ anh một mình đằng đẵng sinh buồn chán? Bác sĩ bảo Lam phải trải qua một cú sốc, một áp lực rất lớn về tinh thần hoặc một sự buồn nản tích tụ lâu ngày thì cô mới trở nên như vậy. Đôi khi, vì quá lo lắng, lo sợ điều gì đó cũng sinh ra trầm cảm. Và người đang nuôi con bú như Lam, không thể dùng thuốc. Lời nói của bác sĩ khiến anh bần thần. Suốt bao năm Lam một mình với đủ mọi cách để được làm mẹ. Rồi làm đủ mọi cách để chồng không từ bỏ ước mơ cùng mình, không chán mình. Khi có thai, để tránh khỏi cái “dớp” của bốn lần mang thai trước, Lam đã phải đếm từng ngày, gắng gỏi gìn giữ từng ngày. Có nhẽ, trong sự cố gắng đến tận cùng ấy, Lam đã bước qua cái ngưỡng mong manh mà không ai muốn cả. Và cô bị tuột trôi trong con dốc trầm cảm mà tự cô không thể dừng lại được. Anh là đàn ông, ở môi trường làm việc đầy áp lực, anh đã chống lại trầm cảm bằng cách ném hết áp lực xuống hồ câu mỗi cuối tuần theo lời của một chuyên gia về căn bệnh này. Lam cũng tìm đến những con cá để giải phóng sự nhẫn nại chịu đựng của mình. Nhưng chỉ được ít thời gian thì cô biết mình mang thai nên đã dừng lại không tiếp tục nữa. Lam luôn muốn thoát ra khỏi tình trạng ấy. Cô luôn vùng vẫy để thoát ra, để tự cứu mình, cứu con, để sống tốt hơn. Đó là những đêm Lam thình lình ngồi bật dậy và nói với anh về những nỗi lo lắng của cô. Mà anh đã cẩn thận ghi lại. Giờ anh biết phải làm sao?

Một tối anh đi làm về. Thấy trên bảng không còn dòng chữ quen thuộc “Đây không phải là giấc mơ” mà là tên hai đứa con của anh. Và phía dưới là dòng chữ “Đây là giấc mơ của mẹ” bằng phấn hồng, do Lam viết. Anh ngập ngừng một lát rồi nhặt một viên phấn đỏ viết lên bốn chữ thật đậm. “Chúng ta cùng mơ”. Lam bật cười khanh khách. Hai đứa trẻ thức giấc, thò những cánh tay nhỏ xíu ra khỏi tã cuốn vươn vai đầy sảng khoái.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.