Giấc mơ của ông

Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bước vào kỷ nghỉ lễ dài ngày, nhịp sống trong gia đình tôi trở nên chậm lại. Tôi không phải đi học, bố mẹ cũng không hối hả với công việc. Thế là, bố đưa tôi vào thăm ông nội.

Ông nội tôi đang sống tại một Trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Cũng phải mất mấy tháng, bố mẹ tôi mới chọn được Trung tâm này. Chi phí gia đình tôi phải nộp cho Trung tâm khoảng trên 15 triệu đồng mỗi tháng, gần bằng 1 suất lương của mẹ tôi. Có lần, tôi nghe mẹ than thở chi phí tốn kém vì ông còn phải ở lâu dài trong đó. Song, cuối cùng, bố mẹ vẫn đồng ý vì muốn ông có một chỗ ở thật tốt.

Ông bà nội tôi sinh được 3 người con. Bố tôi là anh cả, dưới bố còn có 1 cô và 1 chú. Sau khi lập gia đình, hai cô chú tôi vào miền Nam lập nghiệp. Các cô chú không hẳn là nghèo khó, nhưng, dư giả về tiền nong thì chưa. Là anh cả, bố tôi nhận phần phụng dưỡng bố mẹ thay cả phần hai em. Hàng ngày, chúng tôi đi làm, đi học nên ở nhà có hai ông bà lo lắng cho nhau. Tuy nhiên, sau đó, bà nội tôi qua đời. Ông nội buồn, nhớ thương bà nên cũng đổ bệnh, rồi yếu sức dần.

Gần 1 năm trước, ông nội không may bị ngã trong phòng ngủ khi con cháu đều vắng nhà. May mắn thế nào mà ông hồi lại, cố gắng lấy được điện thoại gọi cho bố tôi. Dạo đó, ông phải nằm viện gần 2 tháng, may mà còn cứu được tính mạng.

Ông tôi nằm viện, nhịp sinh hoạt của cả nhà bị đảo lộn. Bố mẹ thay nhau nghỉ làm để chăm ông. Tôi thì chạy qua chạy lại lo hậu cần. Hai cô chú ở trong Nam cũng bay ra trông ông, nhưng chỉ được đôi ngày rồi lại phải về. Các cô chú đành nhờ bố mẹ tôi hỗ trợ về sức người, chi phí nằm viện của ông hết bao nhiêu, cô chú xin đóng góp. Bố mẹ tôi biết hoàn cảnh của các em nên không nhận tiền. Bố mẹ chỉ băn khoăn vậy sau khi ông ra viện, việc trông nom ông sẽ thế nào.

Giấc mơ của ông - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Trong hàng loạt phương án đưa ra, chú tôi gợi ý hay là đưa ông vào viện dưỡng lão. Ban đầu, bố mẹ tôi cũng băn khoăn là con cháu của ông đều có đủ cả, vậy mà lại gửi ông cho người ngoài trông. Tuy nhiên, suy đi tính lại, đây là cách tốt nhất của gia đình tôi lúc này.

Tối đó, bố tôi thưa chuyện với ông, rồi giải thích để ông hiểu và thông cảm cho con cháu. Nghe xong, ông tôi gật đầu, bảo: “Bố già rồi, các con sắp xếp thế nào thì bố làm thế ấy. Giờ bố còn ốm yếu nữa, không giúp ích gì được cho các con”. Để ông yên lòng, bố tôi mang cho ông xem cuốn cataloge giới thiệu về trung tâm. Bố bảo ông vào đây sẽ vui lắm, có đông bạn già để trò chuyện. Buổi sáng, ông được bác sĩ vật lý trị liệu, buổi chiều thì ông đánh cờ, đọc sách. Trong phòng có tivi,  internet để ông vào mạng. Cần gì, ông chỉ cần gọi một tiếng là các con cháu sẽ có mặt.

Thời gian đầu ông mới vào Trung tâm, cả nhà tôi cố gắng 1 tuần vào thăm ông một lần. Tuy nhiên, sau đó, hết bố rồi mẹ đi công tác, nhiều lần chỉ có mình tôi vào với ông. Rồi tôi cũng bận học nên cũng gọi điện thăm ông từ xa. Dần dần, có những đợt, cả tháng cả nhà  tôi mới gặp ông một lần.

Dịp nghỉ lễ này, tôi và bố vào thăm ông. Từ xa, tôi thấy ông trong bộ quần áo đồng phục, chầm chậm bước xuống phòng khách.

- Cháu chào ông, hôm nay bố con cháu lên thăm ông này.

- Ông chào hai bố con. Mọi người ngoài đó thế nào?

Tôi liền kể cho ông nghe về tình hình của hai bố mẹ và tôi. Bố mẹ vẫn đi làm, còn tôi thì đã bước vào năm thứ 2 đại học. Cuộc sống của cả nhà vẫn bận rộn thế, thậm chí bố mẹ và tôi còn chẳng có thời gian nói chuyện lâu với nhau. Đến bữa cơm đôi khi không đủ mặt mọi người.

- Thế còn vợ chồng mấy đứa ở miền Nam nữa? ông tôi quay sang hỏi chuyện bố.

- Vợ chồng các em dạo này tốt hơn nhiều rồi bố ạ. Cô hai mới mua thêm được cái nhà chung cư. Còn thằng út thì mới được lên chức trưởng phòng, vợ nó thì mở thêm một ki ốt bán hàng. Nói chung các con ông đều ổn, ông mừng cho chúng con. Cả đại gia đình ta đều khỏe mạnh, bình yên.

Còn tôi thì báo cáo với ông về thành tích học của các cháu cũng rất tốt. Năm vừa rồi, tôi còn được nhận học bổng của trường. Nghe xong, ông gật đầu hài lòng.

Giấc mơ của ông - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Trong lúc bố tôi đi nộp thêm tiền vào Trung tâm, tôi cùng ông xuống sân ngồi cho thoáng.

- Ông ơi, cháu thấy điều kiện vật chất ở đây tốt, ông nhỉ.

- Ừ, tốt cháu ạ. Cũng không phải ai cũng có điều kiện để ở đây. Ông phải cảm ơn bố mẹ cháu đã lo cho ông một chỗ ở mới, và có lẽ là chỗ ông sẽ ở tới cuối đời. Tuy nhiên, thực sự thì ông thấy chẳng đâu bằng được nhà mình, cháu ạ.

- Ông ơi, ở đây ông còn có mọi người. Ở nhà thì ông chỉ loanh quanh trong 4 bức tường, bố mẹ và cháu chẳng thể nào ở cạnh ông mãi được.

- Biết là vậy, nhưng nhà mình dù bé, dù chật thì ông vẫn thấy thân thuộc và thoải mái. Ông cũng không phải chỉ có một mình, ông còn có bà các cháu nữa mà. Hình như bà vẫn hiện diện ở nhà. Hôm trước ông ngủ mơ là được bố cháu đến đón ông về lại nhà đó...

Rồi ông tôi chia sẻ, người già chẳng còn có mong muốn gì nữa mà chỉ thèm được ở bên con cháu. Nhưng ông hiểu các con, cháu mình đều bận, nên ông không trách gì.

- Ông đã là quá khứ, ông phải ở phía sau thôi, ông không thể là vật cản của con cháu được. Ngồi với cháu chút này, ông chia sẻ thế cho nhẹ lòng, cháu không cần nói lại với bố mẹ nhé.

Vừa hay lúc đó, có mấy cụ ông, cụ bà đi ngang qua. Ông kể với tôi, các con cháu của các cụ ấy đều đang ở nước ngoài. Có cụ vài năm mới gặp con một lần, có cụ thì xác định tinh thần sẽ nhắm mắt ở đây mà không gặp lại con cháu nữa.

Nghe ông nói, mà tôi bỗng không kìm được nước mắt. Việc được về nhà với chúng tôi thật là dễ dàng, nhưng với nhiều ông bà như ông tôi, lại phải đợi tận trong giấc mơ.

Tôi lâu nay luôn tự trấn an mình là ông đã có chỗ yên ấm nương tựa tuổi già. Rồi vin vào đó để có lúc tôi để ông ra bên ngoài cuộc sống của mình. Cuối tuần, tôi lấy lý do bận học thi, rồi có hẹn với bạn để không vào thăm ông. Cũng là bởi vì “ông ở đó sướng hơn ở nhà”. Ai ngờ...

Trên chuyến xe về nhà hôm ấy tôi đã kể lại cho bố về tâm sự của ông. Tôi nói với bố cả nhà mình thử tìm cách để có thể ở bên ông nhiều hơn. Bởi ông không cần gì về vật chất, ông chỉ cần tình thân thôi...

Và tôi cũng muốn ông sẽ không cần phải mơ để được ở bên con cháu nữa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.