Giảm thời gian bị phạt tù có thời hạn

Luật sư: Hồng Hải
Chia sẻ

(PNTĐ) -Con tôi bị Tòa án tuyên phạt 8 năm tù về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Gia đình tôi đã bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng cho gia đình người bị hại.

Câu hỏi
Con tôi bị Tòa án tuyên phạt 8 năm tù về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Gia đình tôi đã bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng cho gia đình người bị hại. Hiện nay, con tôi đang chấp hành án phạt tù trong trại giam và tôi được biết con tôi luôn chấp hành tốt, có nhiều tiến bộ, nhiều lần được lãnh đạo trại giam khen thưởng. Xin hỏi, trường hợp của con tôi như vậy thì cháu có được giảm mức hình phạt tù không và cháu phải ở tù ít nhất là bao nhiêu năm?

Phạm Thị Mến (Sóc Sơn, Hà Nội)

Giảm thời gian bị phạt tù có thời hạn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời
Điểm e, khoản 1, Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội: “e) Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;”

Điều 63, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên như sau:

“1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm”.

Như vậy, căn cứ quy định trên và theo thông tin ông/bà cung cấp thì con của ông/bà có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt (nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định). Mặt khác, theo quy định tại khoản 2, Điều 63, Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên thì con của ông/bà có thể được giảm mức hình phạt nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên, nghĩa là phải chấp hành được 4 năm tù.

Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 64, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì con ông/bà có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cao hơn mức quy định, cụ thể:

“Điều 64. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt

Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này”.

Tin cùng chuyên mục

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

(PNTĐ) - Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề:“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Đây là thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.
Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số… là những mục tiêu mà Hà Nội nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Giọt máu đào

Giọt máu đào

(PNTĐ) - Sau đám tang chồng, Oanh vẫn không kìm được nước mắt. Chao ôi, tai nạn chỉ diễn ra trong tíc tắc mà cuộc đời của Oanh và hai đứa trẻ đã bước sang một bước ngoặt khác... Oanh đã từng mong đó chỉ là cơn ác mộng mà khi cô tỉnh dậy, mọi thứ lại trở về như trước...
Khi con biết yêu

Khi con biết yêu

(PNTĐ) - Ngày nghe tin con gái có người yêu, chị Hoa rụng rời tay chân. Trời ơi, con gái chị mới vừa bước qua tuổi 17, hãy còn ăn chưa no, lo chưa tới thì yêu đương nỗi gì. Rồi con chị còn cả một tương lai dài phía trước, nếu dính vào yêu đương thì có ngày lại ăn cơm trước kẻng, rồi thì biết đi đâu về đâu.