Giành quyền nuôi con vì... tài sản
(PNTĐ) - Hôn nhân nửa đường đứt gánh. Ngày đưa đơn ra tòa, chị nhất quyết giành quyền nuôi con với điều kiện ngôi nhà này để lại cho hai mẹ con ở. Ở chiều ngược lại, anh cũng nằng nặc đòi nuôi con để giữ tài sản mà vốn dĩ anh cho rằng nó thuộc về mình.
Cứ chiều chiều, bà Thu lại đi bộ đến cổng trường để đón đứa cháu ngoại tan học về nhà. Hiền, cháu ngoại bà năm nay lên lớp 8 mới chuyển về đây học được hơn 1 năm. Trước đây, Hiền sống cùng với bố mẹ ở trên phố, thỉnh thoảng mới về chơi với ông bà. Nhưng từ ngày hôn nhân của con gái đổ vỡ, bà bất đắc dĩ làm mẹ thay con để nuôi nấng Hiền.
- Ngày ly hôn, tôi thấy cả vợ lẫn chồng đều “sống chết” trước tòa giành quyền nuôi con. Cứ ngỡ, đứa nào cũng yêu con, vì con, ấy vậy mà ly hôn được mấy tháng, chúng bỏ luôn con cho tôi - bà Thu buồn bã kể.
Hiền đang vào tuổi dậy thì, dạo này con bé có thái độ sống bất cần, thường xuyên cãi lại bà nhem nhẻm. Học hành chểnh mảng, cô giáo suốt ngày gọi điện phàn nàn với bà, rồi yêu cầu bà gọi bố mẹ Hiền về để phối hợp giáo dục con, nếu không thì con bé sẽ hư hỏng. Bà nghe cô giáo nói cũng sốt ruột, gọi điện cho con gái kể tình hình của Hiền, nhưng đáp lại, nó bảo không về được vì công việc bận, nợ nần chồng chất, phải đi làm để kiếm tiền. Vậy là mỗi lúc Hiền hư, bà lại vừa rắn vừa mềm để uốn nắn cháu, nhưng con bé chẳng nghe khiến ông bà mất ăn mất ngủ.
Bà Thu bảo, cháu bà sống bất mãn là vì bố mẹ nó đã… “lừa” nó. Nhớ cái ngày bố mẹ nó sắp ly hôn, Hiền dù buồn vì bố mẹ không sống cùng nhau nữa nhưng được an ủi phần nào khi cả hai đều yêu thương mình. Bằng chứng là cả bố và mẹ lúc nào cũng tỷ tê thuyết phục Hiền về sống cùng mình khi họ ly hôn. Bố hứa, nếu Hiền về sống với bố thì sẽ được mua xe đạp điện giống đứa bạn thân. Đó là chiếc xe mà Hiền rất thích, thường ao ước có được lâu nay. Mẹ thì bảo nếu Hiền về sống với mẹ thì sẽ được mua một bộ máy tính đời mới. Nhưng đi kèm với đó, cả bố và mẹ đều dặn Hiền là phải cùng mình giữ ngôi nhà đang ở. Hiền đứng giữa, không biết lựa chọn thế nào vì không muốn sống xa bố, mẹ. Và cũng bởi vì Hiền chẳng quyết định được nên bố mẹ nó phải ra tòa đấu tranh giữ quyền nuôi con.
Bà Thu nói, việc nuôi con được con gái và con rể gắn liền với việc chia tài sản. Hai người thỏa thuận, chia tài sản chung khi ly hôn theo tỷ lệ 1- 2. Giá trị ngôi nhà được định giá, ai nuôi con sẽ được giữ lại nhà (tương đương 2 phần) và trả cho đối phương một phần. Người nhận 1 phần giá trị ngôi nhà không phải nuôi con và cũng chẳng cần thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Vì thế, cuộc chiến giữ quyền nuôi con của bố mẹ Hiền trở nên quyết liệt trên tòa. Ai cũng muốn giành quyền nuôi con, bới móc đủ thói hư tật xấu của đối phương để chứng minh họ không thể nuôi con tốt bằng mình. Cuối cùng, xét theo quyền lợi liên quan đến phụ nữ và trẻ em, tòa xử cho mẹ con Hiền vẫn ở lại ngôi nhà, còn bố Hiền nhận một khoản tiền bằng 1/3 giá trị ngôi nhà. Do nguồn gốc, ngôi nhà đó có sự đóng góp của mẹ Hiền nhiều hơn. Bà Thu bảo, tòa xử thế cũng đúng. Vì khi xây ngôi nhà đó, ông bà cho con gái gần như toàn bộ tiền xây nhà. Ngoài tài sản, việc nuôi con, tòa vẫn xử bố Hiền phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con gái đến năm 18 tuổi.
Thế nhưng, bố Hiền lại cho rằng, việc tòa xử thế thì chẳng khác gì việc họ thỏa thuận trước đó. Nghĩa là ai nhận nhà thì phải toàn quyền nuôi con luôn, còn người kia không có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thế là, sau ly hôn, bố Hiền mặc định chẳng còn trách nhiệm gì với đứa con gái sống cùng vợ cũ nữa. Anh chuyển đi tới chỗ khác ở, cắt đứt mọi liên lạc.
Sau ly hôn một năm, mẹ Hiền nghe lời “bạn trai mới”, thế chấp nhà để đầu tư chứng khoán làm giàu. Nhưng cửa làm giàu chưa mở thì công việc đầu tư thất bại, thua lỗ. Ngôi nhà vì thế mà bị ngân hàng siết nợ. Nhà mất, nợ nần chồng chất, mẹ Hiền chẳng thể nuôi nổi con gái nên đưa về cậy nhờ ông bà ngoại. Hiền chuyển về sống với ông bà từ đó. Mẹ lên phố làm ăn, thỉnh thoảng về thăm Hiền trong chốc lát, gửi cho ông bà ngoại ít tiền rồi lại đi biền biệt.
Dạo này, Hiền nghe ông bà nói chuyện với nhau về chuyện mẹ đang làm thủ tục ra nước ngoài xuất khẩu lao động. Nghe đâu có một người đàn ông bảo lãnh mẹ Hiền sang bên Hàn Quốc làm việc, đó cũng là người mà ông bà ngoại bảo có khả năng sẽ là “bố dượng” của Hiền sau này. Điều mà họ lo nhất là con gái đi không biết khi nào về, cũng có nghĩa là gánh nặng nuôi Hiền sẽ đè nặng lên hai thân già.
Mấy hôm nay, cô giáo gọi điện cho ông lên trường gặp Ban giám hiệu nhà trường có việc. Ông đi rồi về ngồi buồn bã với bà Thu cả buổi. Hóa ra là Hiền bị nhà trường kỷ luật vì theo đám bạn hút thuốc lá điện tử. Là con gái mà nó lại dính vào tệ nạn của mấy đứa con trai trong lớp hay mắc phải. Ông thở dài bảo bà Thu, họ “hết tuổi” để quản cháu và nuôi cháu trong thời đại này rồi. Tốt nhất là trả Hiền về cho bố mẹ nó nuôi dưỡng và giáo dục. Nay, mẹ nó đi xuất khẩu lao động thì bố nó phải có trách nhiệm. Họ gọi cho con gái nói đến trách nhiệm làm mẹ. Tuy nhiên, mẹ Hiền bảo bây giờ lực bất tòng tâm vì chuẩn bị ra nước ngoài và không thể mang con gái theo cùng. Vậy nên, chị đồng ý với phương án giao con lại cho chồng cũ nuôi và bảo ông bà hãy liên lạc với bố Hiền để đón con gái về.
Thương cháu, bà Thu bảo ông cố nấn ná nuôi cháu thêm một thời gian nữa rồi tính tiếp. Vì nghe đâu, con rể cũ giờ cũng đã lấy vợ mới, đưa cháu về bên đó sống có ổn không, hay lại rơi vào bi kịch “mẹ ghẻ con chồng”.
Nhưng ông bà tính không bằng trời tính. Ông bất ngờ đổ bệnh, bị tai biến, chân tay lẩy bẩy chẳng làm nổi việc gì. Mọi sinh hoạt của ông bây giờ lại phụ thuộc vào bà là chính. Vậy nên, bà chẳng thể trụ nổi gánh nặng chăm chồng, nuôi cháu. Không còn cách nào khác, bà liên lạc với con rể cũ nói về việc “trả” Hiền về cho bố nuôi dưỡng. Con rể cũ nghe xong bảo mình bây giờ không có nghĩa vụ nuôi con vì tòa đã xử con sống với mẹ. Nghĩa vụ cấp dưỡng anh ta cũng chẳng phải thực hiện vì tài sản nuôi con vợ cũ đã nhận hết từ trước.
Bà chẳng thể nói lý với con rể cũ chỉ đem cái tình ra nói. Hổ dữ chẳng ăn thịt con, cha mẹ làm sao bỏ được con cái… nhưng cũng chẳng làm con rể cũ động lòng. Bởi người quyết định cuối cùng để Hiền về sống cùng bố không phải là anh mà là do vợ mới quyết định. Cô ấy nhất định không để chồng đón con riêng về sống cùng.
Thế là Hiền rơi vào tình cảnh giống như quả bóng hết người này đá về cho người kia, nhưng bóng đến chân ai cũng bị đá đi thay vì giữ lại. Con bé cứ thế trượt dốc dài trong học tập, bà Thu nhìn cháu gái mà buốt lòng. Ngày xưa vì tài sản, bố mẹ nó bằng mọi cách đấu tranh để giữ quyền nuôi nó bằng được. Bây giờ cũng vì tài sản, bố mẹ nó lại đá nó qua bên này đến bên khác. Tương lai con bé sẽ về đâu khi ông bà chẳng thể sống lâu, khỏe mãi để làm chỗ dựa cho cháu trên đường đời.