Giao con dưới 36 tháng tuổi cho bố nuôi sau ly hôn

Chia sẻ

Vợ chồng em trai tôi vừa ly hôn có một con mới 25 tháng, mẹ cháu bé được quyền nuôi con. Tuy nhiên, em dâu tôi sẽ ra nước ngoài sinh sống và làm việc nên dự định trước mắt để con cho ông bà ngoại nuôi trong khoảng thời gian một năm.

Câu hỏi:

Vợ chồng em trai tôi vừa ly hôn có một con mới 25 tháng, mẹ cháu bé được quyền nuôi con. Tuy nhiên, em dâu tôi sẽ ra nước ngoài sinh sống và làm việc nên dự định trước mắt để con cho ông bà ngoại nuôi trong khoảng thời gian một năm. Sau đó, sẽ đón cháu sang sống cùng ở nước ngoài. Hiện tại, ông bà ngoại của cháu tuổi đã cao, việc chăm sóc cháu sẽ phải giao phó cho người giúp việc. Vậy Báo PNTĐ cho tôi hỏi, trong trường hợp này em trai tôi có thể đề nghị Tòa án giải quyết cho nuôi con được không? Hoặc sau khi mẹ cháu đi nước ngoài mà chắc chắn để cháu ở nhà với ông bà ngoại thì bố cháu có được quyền đề nghị được thay người nuôi con hay không? Xin cảm ơn!

Đinh Nguyễn Hùng (Nam Từ Liêm – Hà Nội)

Giao con dưới 36 tháng tuổi cho bố nuôi sau ly hôn - ảnh 1

Trả lời

Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Theo Điều 58 của Luật này, “việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các Điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này”. Đó là:

- Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.

- Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

- Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

- Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Cụ thể, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 của Luật này như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Theo đó, về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.

Tuy nhiên, việc giao cho bố hay mẹ cháu nuôi con còn phụ thuộc vào điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc thỏa thuận của cha mẹ phù hợp với lợi ích của con.

Một trong những căn cứ để giao con cho bố cháu nuôi là mẹ cháu không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Thông tin của bạn cho thấy mẹ cháu đi nước ngoài sinh sống và làm việc, để con cho ông bà ngoại nuôi, đặc biệt là việc chăm sóc cháu chủ yếu do người giúp việc thực hiện có thể là căn cứ quan trọng để khẳng định mẹ cháu không đủ điều kiện trực tiếp nuôi cháu.

Bên cạnh đó, vì lợi ích tốt nhất cho con, vợ chồng em trai bạn có thể thỏa thuận giao cháu cho bố. Sau khi mẹ cháu ổn định cuộc sống tại nước ngoài, có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì thay đổi người trực tiếp nuôi con theo Điều 84 của Luật này như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ”.

Gia đình hai bên cũng nên tư vấn cho vợ chồng em trai bạn để quyết định như thế nào có lợi nhất cho con của họ. Bởi vì, ngoài yếu tố tình cảm, trách nhiệm đối với con, Điều 82, Điều 83 của Luật này cũng quy định rõ ràng nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

PNTĐ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.