GIỌT CHIỀU

Nguyễn Kim Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Giọt chiều....

Rơi xuống long lanh

Ngỡ người nhẹ bước mong manh vừa về

Mưa bụi giăng nhẹ tái tê

Lắng nghe tiếng gió bốn bề thở than

Giọt chiều, rơi xuống rồi tan

Ai mang nhung nhớ vô vàn qua đây

Hoang liêu mây xám giăng đầy

Mình ta một cõi... cạn ngày vào đêm

Giọt chiều, nắng lụa nghiêng thềm

Hoàng hôn đã vội vào đêm mất rồi

Người đi ta nhớ mắt môi

Giữa hoang hư lạnh... một hồi chuông ngân

Giọt chiều, hay mộng phù vân

Đời người chỉ lạc một lần... du miên

Giọt chiều, gợi chút niềm riêng

Hoàng hôn chưa khép... vẫn nguyên giọt chiều

                                                          Giáng Hương

GIỌT CHIỀU  - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Lời bình:

Bằng câu mở đầu tưởng chừng như tả thực

Giọt chiều

Rơi xuống long lanh

Tác giả đã đưa người đọc bước vào thế giới của sự tưởng tượng, hình dung và cũng rất... mông lung.

Giọt chiều! Nào ai đã nhìn thấy hình hài của nó ra sao nhưng chỉ với một câu sáu chữ “ Giọt chiều... rơi xuống long lanh” đã gợi mở cho người đọc bốn hình dung về hình hài của giọt chiều. Nó có kích thước, hình dạng nhất định (Giọt). Nó cho ta biết thời gian xuất hiện theo ngày hoặc tương ứng với ¾ vòng đời của một con người (chiều). Nó cho ta biết nó được “rơi xuống” như một giọt sương hay một giọt mưa và cuối cùng nó cho ta biết nó có sắc màu rất đẹp, rất  mỹ miều (long lanh).

Ngỡ người nhẹ bước mong manh vừa về.

Một giọt chiều rơi xuống mà ngỡ như có người nhẹ bước, người ấy hẳn là thân quen lắm, hẳn là tri kỷ lắm và chắc hẳn là có nhiều kỷ niệm lắm nên chỉ là một giọt chiều vô tình rơi xuống thôi đã gợi lại cho tác giả cả miền ký ức với các cung bậc cảm xúc đan xen.

Giọt chiều, rơi xuống rồi tan

Ai mang nhung nhớ vô vàn qua đây

Một giọt chiều rơi xuống rồi tan đi tưởng như chẳng để lại dấu vết gì, chẳng liên lụy đến ai, ấy thế mà giọt chiều tưởng như vô tư, vô tình ấy lại mang đến cho tác giả một cõi hoang liêu với vô vàn nhung nhớ, với những làn mưa bụi khiến lòng tái tê, với những tiếng thở than của gió, với những đám mây xám giăng đầy để rồi lòng người hoang hoải với những kỷ niệm dấu yêu trong cả một ngày kéo dài tới đêm.

Mình ta một cõi... cạn ngày vào đêm.

Ôi chao, cái cách dùng từ của tác giả mới hay làm sao? “Cạn ngày vào đêm” một hình dung từ vừa dung dị lại vừa “ẩn ý” bởi từ “cạn” ta vẫn hiểu là hết, hết sạch một cái gì đó rất đời thường mà ta sờ được, cầm nắm được. Còn ở đây là “cạn ngày”, tức là đã hết sạch cả một ngày, và đã lấn cả vào đêm, là một khái niệm về thời gian ta không cầm nắm được nhưng ta nhận thức được.

Thực sự tôi rất ấn tượng về cách sử dụng ngôn từ của tác giả trong bài thơ. Rõ ràng những câu từ miêu tả đó rất gần gũi, đời thường, nhưng lại mang rất nhiều ẩn dụ: “Hoang liêu mây xám”, “nắng lụa nghiêng thềm”, “hoang hư lạnh” không có gì gọi là “quá đắt” nhưng lại mang đến cho người đọc tất cả những cung bậc cảm xúc bâng khuâng, liên tưởng.

Có lẽ trong suốt cả bài, chỉ có mỗi từ “Giọt chiều” là một từ trừu tượng, rất trừu tượng mới khiến người đọc phải tưởng tượng, hình dung để cảm nhận mà cuối cùng vẫn thấy mông lung với chính cảm xúc của mình. Để rồi khi nắng đã nghiêng thềm, hoàng hôn đã dần xuống, nghe tiếng chuông chùa ngân ta chợt bừng tỉnh và tự hỏi mình “Giọt chiều, hay mộng phù vân” và cũng lại tự mình trả lời cho chính lòng mình “Đời người chỉ lạc một lần... du miên”.

Một lần thôi, một lần với người đã từng khiến ta nhớ tới mắt môi thì cho dù theo vòng quay của thời gian với tuần tự ngày tháng năm, hay theo tuần tự thời gian với tuổi đời của con người dẫu ở tuổi xế chiều thì “Hoàng hôn chưa khép... vẫn nguyên giọt chiều”. Một câu kết quá chuẩn của tác giả cho nỗi niềm của mình và cho cả bài thơ...       

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.