Giúp con tự tin khi bước vào năm học mới

HỒNG NHUNG (ghi)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Làm sao để phụ huynh và các em học sinh có tâm lý thật thoải mái, giải quyết được những lo âu thường gặp là chuyện không dễ dàng. Tuần san Đời sống Gia đình chia sẻ quan điểm và lời khuyên của chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Spychologi về việc giúp con tự tin, hứng thú ngay từ những ngày đầu tựu trường.

Trẻ càng bé, càng gặp nhiều trở ngại về tâm lý 

Về bản chất, trẻ thích chơi hơn thích học, vì thế, mùa tựu trường đến khiến trẻ đã từng đi học có cảm giác “mình sắp bị giới hạn”, “sắp vào khung”, “phải làm bài tập”, “không được làm điều mình thích”… Đặc biệt, với trẻ nhỏ còn đang gắn việc học với hoạt động vui chơi thì việc vào nề nếp như phải dậy sớm, làm bài tập, ngồi nghe giảng, quần áo đồng phục, nội quy trường lớp… khiến các em cảm thấy gò bó, ngột ngạt. Hơn nữa, thời điểm này, người có sức ảnh hưởng đến các em nhiều nhất không phải bản thân các em hay bạn bè mà là thầy cô giáo và bố mẹ.

Vì thế, việc phải tuân theo nề nếp dưới sự giám sát của cô giáo và bố mẹ không chỉ làm cho các em cảm thấy khó chịu mà còn khiến các em “sợ” và cảm thấy nhàm chán bởi sự “rập khuôn”. Đó là cảm xúc “chìm” mà đôi khi trẻ không nhận thấy rõ, chỉ khi trong tình huống có vấn đề mới bộc lộ ra. 

Giúp con tự tin khi bước vào năm học mới - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đặc biệt, sau một thời gian dịch bệnh kéo dài, không chỉ người lớn, trẻ em cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý như sợ giao tiếp xã hội, mất hứng thú với công việc, rối loạn cảm xúc, mất định hướng tương lai, rối loạn lo âu, stress, sang chấn tâm lý, trầm cảm… nhưng ở mức độ cao hơn, do chưa có khả năng nhận biết, diễn tả để điều trị kịp thời. Nhiều trẻ em có rối loạn cảm xúc, hành vi, kỹ năng giao tiếp xã hội suy giảm, lười vận động… vì ở nhà quá lâu, hạn chế các hoạt động xã hội, sử dụng nhiều tivi máy tính. Do đó, cha mẹ cần tìm giải pháp để hỗ trợ, tạo tâm thế tốt cho con khi chuẩn bị đến trường.

Đối với trẻ vào lớp 1, đây là giai đoạn khủng hoảng tâm lý thứ hai trong cuộc đời con (lần thứ nhất là đi nhà trẻ). Do đó, rất nhiều trẻ khó vượt qua, thậm chí có những trẻ rất tự tin khi học mẫu giáo nhưng bước vào lớp 1 lại bắt đầu co cụm, sợ hãi, nhiều trường hợp không vượt qua được khủng hoảng dẫn đến cô lập bản thân. Nguyên nhân là do trẻ ở độ tuổi này đang thoát dần khỏi giai đoạn ấu thơ, tâm lý có nhiều thay đổi. Trẻ bắt đầu cảm nhận sâu sắc các áp lực học tập và cuộc sống xung quanh. Hai là ở môi trường mẫu giáo, trẻ không phải làm gì, hoặc chỉ làm cho vui chứ không bị ép buộc về tiến độ, thời gian, các cô giáo mầm non cũng nhẹ nhàng, chiều chuộng và giúp các bé nhiều hơn. Song, khi vào lớp 1, môi trường hoàn toàn đổi khác, các cô giáo có thể nghiêm khắc, nguyên tắc hơn, trẻ bị ép buộc làm bài tập, bị mắng, bị phê bình… Vì thế, trẻ có nhiều nỗi sợ hơn, tâm lý thường bị khủng hoảng nghiêm trọng… 

Giúp con tự tin khi bước vào năm học mới - ảnh 2
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Spychologi

Đừng chỉ trích, ép buộc, cha mẹ hãy đồng hành cùng con

Để chuẩn bị tâm lý cho con bước vào năm học mới, cha mẹ cần tự chuẩn bị tâm lý cho mình nhằm hỗ trợ con tốt hơn. Cụ thể, cha mẹ có thể tham gia một khóa học về nuôi dạy con (nếu có điều kiện). Còn nếu không có thời gian và tiền bạc, cha mẹ có thể đọc sách về nuôi con, hiểu con... Cha mẹ nên xây dựng tủ sách gia đình, hoặc dành một buổi/tháng để tham vấn tâm lý về các vấn đề mà con đang gặp phải… Cha mẹ cần hiểu, nếu bản thân thấy stress thì con cái cũng sẽ stress, mình thiếu kiến thức thì con sẽ chịu họa, nuôi con dễ nhưng dạy con thì khó. Nuôi con “chay” bằng kinh nghiệm và phản ứng tự động thì rủi ro sẽ cao, “cha mẹ mà non thì con ắt lớn dại!”.

Ngoài ra, phụ huynh hãy cho con tiếp cận, thực hành, giúp con thích nghi lại môi trường học tập bằng cách tham gia một khóa học hoặc chương trình nào đó; lập thời gian biểu, thời khóa biểu nhấn mạnh các công việc cần phải làm, bài tập cần hoàn thành để con quen việc đi vào nề nếp. Lưu ý là các việc được đề ra không nên quá nhiều, chỉ cần mỗi ngày con có một việc cần phải hoàn thành như là bài tập để con quen nhịp là được.
Trên kệ sách gia đình, cha mẹ và con chọn một tựa sách về chủ đề học tập, cùng đọc, cùng thảo luận và cùng thực hành. Mỗi ngày, gia đình hãy dành khoảng 30 phút trao đổi với nhau là phù hợp. Nếu không có thời gian thì 2-3 buổi/ tuần thực hành cùng nhau, mỗi buổi khoảng 30-45 phút. Không nên ngắn quá, dài quá thì lại khiến con chán.

Đối với những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý sau dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cha mẹ hãy trò chuyện, làm bạn cùng con, tìm hiểu những khúc mắc, lo lắng của con để kịp thời giúp đỡ. Trong trường hợp có xung đột cha mẹ nên tìm chuyên gia tâm lý hỗ trợ con và bố mẹ ngay từ giai đoạn đầu để thuận lợi hơn cho cả hai trong quá trình học tập. Thời hiện đại, tìm một chuyên gia tâm lý làm bạn với gia đình là điều văn minh. Không phải chuyên gia tâm lý là bác sĩ điều trị bệnh, mà là một người bạn để hỗ trợ gia đình và con. Mối quan hệ của cha mẹ và con gắn kết nhau bằng quan hệ cảm xúc nên dễ có xung đột, có “một người bạn có chuyên môn” khách quan hỗ trợ thì sẽ tốt hơn.

Giúp con tự tin khi bước vào năm học mới - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đối với trẻ cấp 1 hoặc mầm non, khi cho trẻ đi học, cha mẹ hãy đặt niềm tin vào giáo viên, bởi họ là những người có nghiệp vụ. Có câu “Muốn sang thì bắc Cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, thế nhưng, hiện nay có nhiều phụ huynh chưa “yêu lấy thầy”. Nói đúng hơn là ảnh hưởng đám đông nên nhiều phụ huynh còn hay soi xét, có thành kiến với giáo viên. Điều này không xấu nhưng nếu “làm quá” thì có tác dụng phụ, chúng ta đang khiến cho con trẻ trở nên khó khăn hơn trong việc đến trường. 

Thay vào đó, cha mẹ hãy quan sát giáo viên, tham gia ý kiến nhưng trên tinh thần hợp tác và thành thực, khách quan với nhau. Ngay từ buổi đầu tựu trường, cha mẹ đã xây dựng một mối quan hệ như vậy thì con sẽ có cảm giác bình an, thoải mái khi đến trường. Ngoài việc tin tưởng, cha mẹ cũng cần hợp tác, tham khảo ý kiến của giáo viên về con mình để có thể hỗ trợ thêm ở nhà. Thiết nghĩ, giáo dục gia đình để cho trẻ có một nhân cách khỏe mạnh quan trọng hơn là nhà trường. ở trường học nặng hơn về dạy học. Do đó, việc học để hiểu con, làm bạn với con, chia sẻ với con là điều tất nhiên cha mẹ cần khắc cốt ghi tâm!

Đối với giáo viên, cần chuyên tâm để phát huy hết năng lực nghề nghiệp, vì phụ huynh đã rất tin tưởng và giao cho giáo viên “tài sản” lớn nhất cuộc đời họ. Giáo viên mầm non, tiểu học là vừa dạy vừa dỗ, kiến thức tiểu học chưa nhiều nên giáo viên tiểu học có vai trò giáo dục để hình thành và phát triển nhân cách trẻ cùng với cha mẹ nhiều hơn. Trẻ em sẽ hợp tác, gần lớp gần trường khi có cảm giác an toàn và gắn kết ở nơi đó. Theo thang nhu cầu của Maslow thì đó được gọi là “cảm giác thuộc về”. Cảm giác này khiến trẻ thích đến lớp và không quấy khóc hay chống đối.

Giáo viên cần cởi mở kết nối, chia sẻ với đồng nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời cởi mở kết nối với chuyên viên tâm lý học đường. Giáo viên thực sự yêu thương học trò sẽ cởi mở và linh hoạt trong việc tìm “đồng đội” chứ không chỉ biết nói khó khăn. Giáo viên cũng là người hơn ai hết cần học về tâm lý học sinh và đọc sách về tâm lý tuổi học trò, bởi chỉ có nâng cao trí tuệ thì mới xóa được khoảng cách thế hệ. Chỉ có hiểu được trẻ thì mới có thể dạy và dỗ trẻ tốt.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.