Giúp não bộ hưng phấn khi làm việc tại nhà

Chia sẻ

Làm việc và học tập tại nhà là một hình thức được nhiều người ủng hộ khi dịch Covid-19 vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.

Với nhiều người, việc học tập và làm việc tại nhà đôi khi thật buồn chán, nhất là khi phải thực hiện nó trong một thời gian dài. Các chuyên gia Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyên bạn hãy thử một vài cách dưới đây để giúp bộ não hưng phấn hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

1. Hãy vận động: Phương pháp cổ điển này giúp bạn giữ tỉnh táo, có thể làm giảm mức độ stress của bản thân và cải thiện khả năng ghi nhớ trong học tập và làm việc. Nghiên cứu ở lứa tuổi học sinh cho thấy, 10 phút đi lại ngoài thời gian học tập giúp cải thiện hiệu suất của trí nhớ, khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề trong học tập. Bạn cũng nên có những quãng thời gian nghỉ ngắn giữa 30-50 phút đi bộ, hay nhảy khiêu vũ.

2. Cung cấp đủ ánh sáng: Trong môi trường thiếu ánh sáng, cơ thể tự thích hợp để có thể thư giãn và giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ, và ngược lại giúp bạn tỉnh táo khi trong môi trường nhiều ánh sáng. Do vậy, bạn nên tạo môi trường chung quanh đủ ánh sáng, và tránh để mọi thứ chung quanh tối đen như chỉ sử dụng một chiếc đèn bàn, hay một chiếc đèn trần.

3. Ngồi thẳng: Nếu ngả lưng trên một chiếc ghế dài, cơ thể bạn có thể lấy đó làm tín hiệu để tăng cường khả năng hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm (1 trong 2 bộ phận chính của hệ thần kinh tự chủ), có tác dụng giúp nghỉ ngơi và thư giãn. Do vậy, bạn nên ngồi thẳng lưng vì điều này giúp hạn chế hệ thần kinh đối giao cảm, đồng thời tăng cường cho hệ thần kinh giao cảm hoạt động hiệu quả để kiểm soát các hoạt động của bản thân.

4. Tránh phòng ngủ: Nếu sống trong một không gian chung với nhiều người, bạn nên tìm một nơi riêng tư để giúp bản thân tập trung làm việc và học tập, đồng thời cũng không gây ảnh hưởng đến những người chung quanh. Tuy nhiên, bạn nên tránh phòng ngủ, vì như thế bạn sẽ bị cám dỗ đến giấc ngủ dễ dàng hơn. Bạn có thể tự tìm cho mình một khu vực ở phòng khách, hay ban công mà không gây ảnh hưởng đến mọi người.

5. Uống nhiều nước: Theo nghiên cứu về ảnh hưởng của thiếu nước lên chức năng của não bộ, cho thấy việc thiếu nước ở mức độ trung bình khiến cơ thể suy yếu về khả năng ghi nhớ ngắn hạn, khả năng trao đổi chất, tư duy toán học, sự tỉnh táo và cả nhận thức. Để tránh gặp phải những tình trạng trên, bạn nên uống nước đầy đủ trong cả ngày.

6. Đừng quên ăn uống đầy đủ và lành mạnh: Nếu bạn chỉ cần thỏa mãn nhu cầu ngon miệng của bản thân bằng các đồ ăn vặt hay nước ngọt, chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách đột biến và khiến bạn cảm thấy uể oải, dễ “sụp đổ” tinh thần. Bạn không nên bỏ bữa, hay ăn quá nhiều, vì nó có thể khiến bạn ngủ gật khi làm việc hay học tập. Bạn nên chọn những thực phẩm chứa nhiều protein chất lượng cao (trứng, cá, sữa), carbohydrate phức hợp (gạo mỳ nguyên cám, rau quả tươi) và chất béo lành mạnh từ các loại hạt có dầu.

7. Thử một vài cách tạo hứng thú khi học tập và làm việc: Việc đọc sách hay ngồi nhìn màn hình máy tính quá lâu có thể khiến bạn buồn ngủ và suy giảm hiệu suất. Hãy thử một vài cách khác để giúp bạn có hứng thú hơn, hoặc chí ít là khiến bạn đỡ buồn ngủ hơn, như: đọc to những thông tin bạn cần đọc. Chuyển hóa thông tin dạng chữ thành dạng hình ảnh, biểu đồ… giúp bạn dễ ghi nhớ hơn.

8. Học tập và làm việc với bạn bè: Bạn nên tránh chỉ gật đầu cho qua trong những cuộc họp nhóm, hay trao đổi thông tin với mọi người dù là làm việc qua online. Theo nghiên cứu, việc giao tiếp xã hội qua mạng intenet cũng có thể giúp bạn đưa ra những quan điểm mới và những điều mới về những vấn đề trong công việc.

9. Có một giấc ngủ tốt: Ngủ rất quan trọng trong việc tăng cường cảm xúc, sự tập trung, động lực và trí nhớ của bạn. Không có gì ngạc nhiên khi việc thiếu ngủ dẫn đến giảm hiệu suất và kết quả hoạt động. Theo một nghiên cứu cho thấy, những học sinh được ngủ buổi trưa giúp ghi nhớ thông tin tốt hơn những sinh viên không thực hiện điều này. Việc dành thời gian cho giấc ngủ và tuân thủ một lịch trình đều đặn sẽ giúp việc học tập và làm việc hiệu quả.

HỒNG NHẬT

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.