Gom nắng

Thái Thị Hải
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tín hiệu nghệ thuật đầu tiên là “Gom nắng” trở thành một điệp ngữ xuyên suốt bài thơ.

Cha gom nắng

nhốt vào lồng

Nắng trốn xuống đồng

Vàng ươm sóng lúa

 

Mẹ gom nắng

nặng trĩu vai

Vạt nắng chạy dài

lặn vào quả ngọt

 

Phượng gom nắng

dỗ học trò

Nắng sợ cách xa

ẩn trong lưu bút

 

Em gom nắng

ủ vào tim

Nắng sợ trốn tìm

đốt anh hừng hực.

                                Phạm Thị Hồng Thu

Gom nắng - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Không kể nhan đề, “Gom nắng” được điệp tới 4 lần trong câu thơ ngắn đầu tiên của khổ với nhịp thơ gọn đặc biệt: 1- 2. Ở mỗi câu thơ ấy, “gom nắng” là một cụm động từ làm vị ngữ chính. Cảm xúc tự tin, làm chủ, vững chãi của chủ thể ở ngôi thứ ba “cha”, “mẹ”, “phượng”, “em” tăng lên bởi cái nhìn khách quan có đánh giá, có cảm xúc trìu mến của nhân vật trữ tình - tác giả Hồng Thu.

Trong khổ thơ thứ nhất: “Cha gom nắng/ Nhốt vào lồng/ Nắng trốn xuống đồng/ Vàng ươm sóng lúa”. Cái nhìn và cách hiểu ngộ nghĩnh, hồn nhiên, đầy tưởng tượng của trẻ thơ khi đứng trước cánh đồng lúa chín được thể hiện.

Vào những ngày mùa, lúa chín vàng, mặt trời thường trải nắng rực rỡ, thành một biển lúa vàng gợn sóng bát ngát mênh mông. Xúc động, ngạc nhiên, vô cùng yêu thích cảnh tượng vừa trù phú vừa kỳ vĩ ấy, trẻ thơ đã tưởng tượng ra một câu chuyện thần thoại để giải thích hiện tượng vì sao vào mùa lúa chín những cánh đồng quê hương lại “vàng ươm sóng lúa”.

Trong câu chuyện đó, cha em là một vị thần đầy quyền năng có thể gom những tia nắng, luồng nắng, vạt nắng trên trời cao “nhốt vào” trong một cái “lồng” khổng lồ là bầu trời rộng lớn. Vì có thể cha lo các tiểu thiên thần nắng như em không lường hết tai họa do mình gieo xuống trần gian.

Vì thế, em đã “trốn xuống đồng” góp những tia nắng bé bỏng, đáng yêu của mình, biến những cánh đồng xanh thành những mặt biển huyền thoại: Vàng ươm sóng lúa.

Ở khổ thơ thứ hai “Gom nắng” lại mang một ngữ nghĩa và biểu cảm khác: “Mẹ gom nắng/ Nặng trĩu vai/ Vạt nắng chạy dài/ Lặn vào quả ngọt”.

Hoạt động của người mẹ mang ý nghĩa ẩn dụ. “Gom” ở đây là học hỏi, nhặt nhạnh, dồn tụ, đúc kết, chắt chiu, gìn giữ vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức, bài học, kỹ năng… Người mẹ phải có nghị lực chịu đựng, khắc phục, đấu tranh với bản thân, với mọi khó khăn, vất vả, gian nan, bất trắc đến mức “nặng trĩu vai” trong suốt cuộc đời.

Tất cả những thử thách gay go, những niềm vui có được chính là “nắng” theo thời gian song hành cùng mẹ: “Vạt nắng chạy dài”. Nắng thực sự biến thành một thứ quả ngọt dâng tặng cho mẹ và cho đời. Lúc đó nắng đã: “Lặn vào quả ngọt”.

Nắng còn chứa đựng màu sắc tâm trạng của tuổi học trò ở khổ thứ ba. Phượng vĩ nở hoa là lời “dỗ học trò” ngọt ngào đầy hấp dẫn, biết bao thú vui đang hứa hẹn, chờ đợi.

Tuy vậy, nắng cũng thấm nỗi buồn man mát phải chia ly như các cô cậu học trò. Sân trường vắng lặng, còn đâu những tiếng cười đùa. Đó cũng là tâm sự của nắng - phượng được gửi gắm, được thầm kín bộc lộ trong các dòng lưu bút của tuổi học trò. Bởi: “Nắng sợ cách xa/ Ẩn trong lưu bút”. Tình cảm của tác giả mơ mộng, đa cảm gửi đến cho học trò chúng ta một hình tượng thơ giàu sức gợi. Đó là nắng - phượng đáng yêu.

Cảm xúc đối với nắng của Hồng Thu, đến khổ cuối cùng thật đặc biệt. Ở khổ này nắng trở thành hình một hình tượng bất ngờ. Từ ánh nắng vàng ấm áp rực rỡ của thiên nhiên mà ai cũng thấy, nắng hóa thành thứ tình cảm thầm kín sâu sắc, tế nhị, của một cô gái đang yêu. Đó chính là sắc màu tình yêu đơn phương từ phía cô gái - chủ thể xưng “em”: “Em gom nắng/ Ủ vào tim”.

Nhà thơ đã dùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để biến nắng thành một thứ men say đặc biệt - men tình. Rồi cất ủ thật kín trong chiếc hũ trái “tim”, với hi vọng một ngày kia nó sẽ tạo nên một thứ rượu tình thơm ngon nồng nàn, say đắm.

Men tình - nắng cũng phải tuân theo quy trình lên men tạo ngọt, tạo cay, tạo đắng rất bất chợt, xuất thần của tình yêu. Nó không chỉ lẳng lặng ngấm sâu mà hơn nữa, còn tự cháy sáng lên thành một thứ lửa tình nóng bỏng: “Đốt anh hừng hực”. “Hừng hực” là một từ tượng hình giàu sức gợi. Nắng - lửa tình của cô gái có sức sáng, sức ấm nóng khiến đốm lửa tình còn ẩn hiện, âm ỉ trong trái tim chàng trai nhận được sự lan tỏa, cùng bốc cao thành ngọn lửa tình ngùn ngụt, có sức tỏa sáng công khai đêm trường tình yêu bí ẩn giữa hai người.

“Gom nắng” giúp ta hiểu trái tim thơ của Hồng Thu thông minh, hóm hỉnh, sâu sắc, đặc biệt là yêu đời và yêu người.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.