Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội

Góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội LHPN Hà Nội hiện có hơn 900.000 hội viên, sinh hoạt ở 746 cơ sở Hội. Để thực hiện thắng lợi chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực góp sức, chung tay bằng nhiều mô hình hay, việc làm thiết thực có ý nghĩa được cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao.

Nhiều mô hình, việc làm cụ thể

Với những mô hình, việc làm cụ thể, Hội LHPN xã Tân Minh, huyện Thường Tín là một trong những đơn vị tiêu biểu góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Chị Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Minh cho biết: Thông qua các buổi sinh hoạt chi tổ, Hội Phụ nữ tuyên truyền giáo dục gia đình hội viên, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Ban Chấp hành Hội còn phân công cán bộ hội giúp đỡ hộ gia đình đạt đủ 8 tiêu chí và giúp bằng các hình thức cho vay vốn giới thiệu việc làm, hướng dẫn cách sắp xếp nhà cửa ngăn nắp hợp vệ sinh…

Hiện nay có 5/5 chi hội thực hiện mô hình “Thùng rác có nắp đậy thân thiện với môi trường” tại gia đình. 95% gia đình hội viên sử dụng thùng rác thân thiện, 2/5 chi hội triển khai chương trình thay thế thùng rác cũ bằng thùng rác mới, bước đầu đưa vào sử dụng thùng rác công cộng thể tích lớn 240 lít đặt tại các trục đường chính và nơi sinh hoạt cộng đồng.

Đặc biệt, trong năm 2022, Hội đã triển khai mô hình “Xử lý tàn dư cây trồng thành phân bón ruộng” bằng chế phẩm sinh học. Hội Phụ nữ liên hệ với Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thường Tín về tuyên truyền mô hình và cách sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật trên rau laghim tại nhà văn hóa thôn Phúc Trại cho 75 hội viên phụ nữ về dự. Hội mua 20 bình chế phẩm sinh học Emina, làm mô hình điểm tại cánh đồng thôn Phúc Trại.

Sau đó Hội Phụ nữ nhân rộng mô hình triển khai tới 4 chi hội còn lại trong toàn xã. Mô hình này cung cấp một giải pháp xử lý hiệu quả tàn dư cây trồng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu - ảnh 1
Hội viên phụ nữ huyện Gia Lâm tham gia mô hình “Thu gom, xử lý rác thải đồng ruộng”.

Còn tại huyện Gia Lâm thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, theo chị Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, năm 2022, Huyện Hội đã triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình gồm: “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình” được thực hiện tại 3 xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là xã Phù Đổng, Cổ Bi và Dương Xá. Mỗi xã chọn 50 hộ gia đình trong cùng 1 thôn để thực hiện.

Mô hình thứ hai là “Thu gom, xử lý chất thải đồng ruộng” được thực hiện tại 2 đơn vị có diện tích trồng rau an toàn lớn là xã Văn Đức và xã Đặng Xá. Ngay khi triển khai mô hình đã nhận được sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Cùng với việc duy trì hiệu quả mô hình “Sạch đồng ruộng” mà Hội triển khai những năm trước đây tại các xã, Hội Phụ nữ đã tuyên truyền hội viên tích cực thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật hàng ngày bỏ vào các thùng chứa theo quy định. Kiểm tra định kỳ các thùng và bể chứa đầy vỏ thì đề nghị cấp trên thu gom xử lý từng bước góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào thi đua

Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với các phong trào thi đua của Hội, theo bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN Hà Nội tiếp tục triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” cụ thể hóa thực hiện Chương trình số 06- CTR/TU và Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII; đồng thời gắn các tiêu chí với các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội.

Cụ thể, 100% cán bộ Hội từ TP đến cơ sở được bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nội dung của 2 cuộc vận động. Đến cuối nhiệm kỳ, hơn 90% gia đình hội viên phụ nữ đạt gia đình “5 không, 3 sạch”, gia đình văn hóa… Vì vậy, ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, mỗi chi hội đều thực hiện đăng ký cam kết phần việc do phụ nữ đảm nhiệm phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững… 

Góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu - ảnh 2
Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đông Anh tham gia tổng vệ sinh làm đẹp các điểm sinh hoạt tại cộng đồng. 

Để góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Phụ nữ trên toàn thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình “Sống xanh”, “Chi hội 3 xanh”, “Hạn chế sử dụng túi nilon”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Nói không với bếp than tổ ong”, “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh-sạch-đẹp-thân thiện với môi trường”, “Chi hội phụ nữ văn  minh trong việc cưới, việc tang”... Đồng thời vận động cán bộ, hội viên và nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng các tuyến đường liên xã, thôn, khu vui chơi... 

Ngoài ra, để hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo, Hội Phụ nữ các cấp đã tập trung chỉ đạo các chi hội rà soát, nắm chắc số lượng, nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để có kế hoạch giúp đỡ về vốn vay, đào tạo nghề, đồng thời vận động chị em tích cực tham gia mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “CLB xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”...

Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo” bằng các hình thức thiết thực với các biện pháp như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí, trợ cấp, tín chấp cho vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó đã giúp đỡ 3.168 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn thoát nghèo, phát triển kinh tế. 

Cùng với đó, Hội Phụ nữ các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 “Về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, thông qua sinh hoạt Hội, chi, tổ phụ nữ “không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”... nâng cao nhận thức cho phụ nữ về quản lý, giáo dục con em, về âm mưu thủ đoạn của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình... góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.