Hạ mình xuống để yêu

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để có một cuộc hôn nhân lâu dài, điều đáng quý nhất là cả người phụ nữ và người đàn ông đều dành cho nhau sự trân trọng và chân thành. Đôi khi, để tìm thấy điều quý giá đó, người ta còn phải hạ mình xuống.

Gần 2 năm nay, Ngân thấy cuộc sống hôn nhân của mình như địa ngục. Vì nó khác xa hoàn toàn với ước mơ, mong mỏi của cô về một mái ấm yên ả, nơi có chồng yêu thương cô hết lòng và những đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu. Thực tế lại như một tảng băng lạnh lẽo, nhấn chìm hết những khao khát ấy. 

Từ một cô tiểu thư con nhà khá giả, Ngân bỏ ngoài tai lời khuyên cho đến nạt nộ, mắng mỏ của bố mẹ, bạn bè, người thân để đến với Hoàng – chàng trai con nhà nghèo ở tỉnh lên thành phố học đại học. Nhưng phải thế nào Ngân mới quyết tâm đến vậy? Là bởi Hoàng rất có chí tiến thủ, luôn là sinh viên giỏi, năng nổ, ra trường với tấm bằng xuất sắc, rồi sau một thời gian nỗ lực tại công ty thì được ra nước ngoài làm việc, kèm theo một cơ hội định cư lâu dài. “Anh muốn mình cưới nhau, em sẽ đi cùng anh, anh sẽ bù đắp cho em những gì lâu nay còn thiếu, và hơn thế nữa!”.

Với Ngân, câu nói ấy làm bừng sáng tất cả. Hoàng lúc này chính là bầu trời của cô. Bố mẹ Ngân đành chiều theo con gái, cho Ngân lấy Hoàng, rồi chỉ vài tháng sau, cả hai lên đường đến chân trời mới. Với mức lương cùng đãi ngộ tốt, Hoàng dư sức “nuôi” vợ và gửi tiền, quà về chăm sóc bố mẹ hai bên. Mỗi sáng, Ngân tiễn chồng đi làm rồi “giết thời gian” bằng việc đi tập gym, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè mới. Chơi chán, nếu còn sớm thì cô trở về làm người vợ ngoan, đón chồng đi làm về, còn nếu không, cả hai sẽ hẹn nhau ở một nhà hàng nào đó rồi cùng ăn tối, đi xem phim… Hạnh phúc của vợ chồng son cứ trôi qua nhẹ nhàng như thế.

Hạ mình xuống để yêu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế nhưng, cũng từ đây, khi mà “hôn nhân bắt đầu trở thành hoàng hôn của tình yêu”, thì bóng tối cũng buông dần. Những xích mích đã dần xuất hiện, từ bé xé ra to. Hoàng bắt đầu thấy dần chán cách sống của vợ. Anh nói Ngân đang dành thời gian quá nhiều vào việc chi tiêu, dẫn đến có những cái lãng phí không đáng có. “Một tuần qua chúng ta đi ăn nhà hàng tới 5 buổi, mà cứ ăn xong là em đòi đi mua cái nọ, cái kia. Mới sang đây vài tháng mà anh thấy tủ quần áo chật ních vì đồ mới rồi…”, Hoàng nhắc nhẹ vợ. Thấy vậy, Ngân cũng đành chiều lòng chồng bằng cách… ở nhà nhiều hơn. Nhưng ở nhà nhiều không có nghĩa là cô chịu làm việc nhà. Vốn là con nhà khá giả, hồi còn con gái, Ngân không phải động tay vào việc gì, kể cả những việc cơ bản như quét nhà, nhặt rau, rửa ấm chén… nên bây giờ bảo cô trở thành vợ đảm, xem bếp núc như niềm đam mê, xem bữa cơm đợi chồng về như là hạnh phúc thì… khó quá! Mà với Ngân, khó quá thì bỏ qua. Có hôm cô chẳng nấu nướng gì, chồng về thì đặt đồ ăn ngoài về ăn, có bữa nấu thì rất… khó ăn. Điều đó đã khiến Hoàng phàn nàn nhiều hơn mỗi khi tan sở trở về nhà. 

- Hay em tranh thủ đi học thêm một lớp nấu ăn đi, cũng là thay đổi không khí?

- Không đâu, em chẳng thích. Băm băm chặt chặt rồi nấu nướng. Vừa mệt vừa hỏng hết móng tay. Nhà có mỗi 2 vợ chồng, mình đặt đồ về ăn em thấy tiện mà – Ngân phản ứng lại.

- Ôi, thế nếu sau này có con, em cũng định cho nó cơm hàng cháo chợ từ lúc vừa đẻ à?

- Em không biết, em chỉ biết là em không hợp nấu ăn. Hoặc là anh thuê người nấu nướng đi. Rõ ràng anh biết là em không phải làm gì từ bé rồi mà sao anh cứ ép em thế nhỉ?

Hoàng phải tự ngăn mình không tiếp tục đôi co với vợ nữa, vì với đà này, chuyện chỉ có rối hơn thôi chứ chẳng giải quyết được. Anh biết, Ngân cũng có cái lý của mình. Nhưng nếu cứ thế này mãi, thì đâu phải là cuộc sống vợ chồng thực thụ? Một căn nhà mà gần như lúc nào cũng luộm thuộm, đồ đạc vứt khắp nơi, từ phòng ngủ ra phòng khách không góc nào được gọn gàng, bếp thì lạnh ngắt, chỉ vào để uống nước, khiến mỗi khi mở cửa bước vào sau một ngày đi làm mệt nhoài, Hoàng chỉ biết thở dài và thấy… mệt thêm. Anh cũng từng nghĩ tới việc thuê người giúp việc, nhưng có nghĩ thế nào cũng thấy không hay, vì chỉ là giải pháp tạm thời. Cái chính là Ngân không chịu vun vén.

Hạ mình xuống để yêu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ra xứ người làm việc, lương cao gấp cả chục lần so với ở quê hương thì đổi lại, áp lực công việc cũng không hề nhỏ. Khi đã bắt nhịp được với công ty mới, Hoàng bắt đầu bận hơn, gần như ngày nào trong tuần anh cũng phải tăng ca. Ở nhà, Ngân cũng đang bước vào những tháng cuối của thai kỳ. Cô liên tục kêu mệt mỏi vì không có chồng ở bên động viên, giúp đỡ. Thương vợ, Hoàng quyết định thuê người giúp việc, đỡ đần cô trong ăn uống và dọn dẹp nhà cửa. “Em chịu khó đọc thêm một số tài liệu trên mạng về sinh con rồi chủ động giúp anh nhé. Công việc bận quá, anh không thể bên em suốt như trước được. Yên tâm, cầm thẻ của anh mà tiêu nhé!”.

Kể từ đó tới lúc sinh con, Hoàng không còn mấy tiền tiết kiệm, vì Ngân chi phí quá nhiều. Anh không có thời gian để tìm hiểu rõ cô chi vào những khoản gì, nhưng nhiều lúc về tới nhà, anh thấy cô vứt đi những bịch bỉm còn mới nguyên, thì ra là vì mua nhiều quá nên dùng chưa hết, con của họ đã tăng size bỉm, phải mua loại khác. Cứ mua nhiều, rồi mua thừa lại vứt, mà chi phí nuôi con ở nước ngoài đâu rẻ, Hoàng rất xót xa. Từ đây những lục đục bắt đầu, to tiếng giữa hai vợ chồng cũng nhiều hơn. Dẫu đã có người giúp việc, nhưng họ chỉ làm việc tới 6h chiều là nghỉ, thành ra đi làm về, có khi đón Hoàng là một bồn rửa ngập ngụa bát đĩa bẩn, xen lẫn bình sữa của con đã đóng cặn cứng lại rồi. Ngân không làm, mà nếu chờ tới sáng mai giúp việc tới thì cái nhà này thành đống rác, nên Hoàng lại xắn tay áo lên dọn rửa. Họ cãi nhau rất nhiều vì chuyện đó, nhưng Ngân không thay đổi. Cô dọa, nếu chồng còn mắng nữa thì cô sẽ bị trầm cảm sau sinh. “Anh có biết có người còn tự tử vì căn bệnh đó không?”, cô ráo hoảnh nói với chồng khi đang ngồi “đập hộp” con iphone đời mới nhất. 

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Hoàng đập nát bức ảnh cưới và ảnh Ngân chụp cùng bố mẹ mình. Ngân la toáng lên, cô lao vào đánh và sỉ nhục Hoàng bằng những lời lẽ có sức sát thương không kém. Rồi cô lôi cả hoàn cảnh gia đình chênh lệch của hai người ra để so đo, lấy cớ rằng vì Hoàng là con nhà nghèo nên tủn mủn, ki bo, không biết hào phóng, chiều vợ, lúc nào cũng bo bo giữ tiền để gửi về cho bố mẹ đẻ. Sự to tiếng ấy đã ảnh hưởng tới hàng xóm và họ quyết định báo cảnh sát để phản ánh. Trong cơn bực tức, Ngân đổ hết tội cho chồng, rằng anh là kẻ gây ra tất cả và có ý định hãm hại cô và con. Vốn chỉ định cho bõ cơn tức, nào ngờ hành vi đó của Ngân dẫn đến nguy cơ có thể mất việc của Hoàng. Rồi Ngân mách bố mẹ mình, gọi điện cho cả bố mẹ chồng để họp gia đình từ xa. Nhưng không ngờ rằng, bố mẹ chồng không bênh Ngân, mà cả bố mẹ đẻ cũng không chấp nhận được thái độ của con gái. 

“Là bố mẹ đã sai khi chưa kịp dạy con bé cách làm vợ, làm mẹ thì đã cho nó đi lấy chồng. Giá như nó hiểu bố mẹ được như bây giờ, cũng là từ khó từ khổ mà cùng nhau đi lên. Mẹ sẽ dạy nó hạ mình xuống một chút để hai con hiểu nhau hơn, nên nếu có thể, con đừng buông tay nó nhé!”, những dòng tin nhắn của mẹ vợ đến vào lúc Hoàng suy sụp và ngồi trước đơn ly hôn, đã cho anh thêm một lần hy vọng, và nghĩ lại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì bị vợ quản

Khổ vì bị vợ quản

(PNTĐ) - Hôm nay là ngày anh Toàn và vợ chính thức ra tòa ly hôn, dù vợ anh trước đó vẫn khăng khăng mình yêu chồng, làm tất cả vì chồng vì con. Còn anh Toàn dẫu không phải đã cạn tình với vợ, song anh không thể chịu đựng thêm cái tính “quản phu” gắt gao của vợ mình.
Nếp nhà Việt tại Úc

Nếp nhà Việt tại Úc

(PNTĐ) -Em sinh ra ở Úc vào 14 năm về trước. Em rất thích cái tên Việt Nam mà ông bà ngoại đặt cho em - Việt Hải. Ông bà đặt tên này cho em với mong muốn em luôn nhớ về đất nước Việt Nam và quê hương Hải Phòng, nơi bố mẹ em sinh ra.