Hà Nội
(PNTĐ) -
Em cứ hỏi chị hoài về Hà Nội
Thân yêu ơi chị mới đến lần đầu
Ừ thì đẹp là do mình cảm nhận
Nhưng đôi chân phải bước nhịp nhanh đầu
Thuở mười lăm Hà Nội lại rất gần
Có anh bạn làm thơ Hà Nội tặng
Hoa sữa nói chỉ một điều thầm lặng
Chị thường mơ một Hà Nội kiêu sa
Hà Nội bây giờ thân thuộc hơn em ạ
Ta nương đâu, mảnh đất đó là nhà
Hà Nội buồn vui tất thảy đều có cả
Chị cảm thức mỗi ngày nhịp sống ngân xa
Chị gặp trên đường người đàn bà goá chồng bán hoa
Những bông cúc hiền lành mà em thích
Chị gặp trên đường bước chân mải miết
Cậu bé đánh giầy không có giầy đi
Cũng mồ hôi đổ xuống những mùa thi
Chất chồng âu lo trong mắt bạn bè chị
Cũng đôi lần tập làm thi sĩ
Bởi mắc nợ mình một Hà Nội trong thơ
Em xa xôi, chị đã yêu đến giờ
Một Hà Nội những phố dài xưa cũ
Chị cầm tay em trong đêm không ngủ
Nói được không, Hà Nội của chúng mình.
Bình Nguyên Trang
LỜI BÌNH
Nhà thơ Bình Nguyên Trang là thi sĩ thứ bao nhiêu viết về Hà Nội? Không ai có thể đếm được cũng như lý giải nổi vì sao chị lại viết về Hà Nội, vì sao Hà Nội lại chọn tâm hồn chị để ngân nga thành những câu thơ:
Em cứ hỏi chị hoài về Hà Nội
Thân yêu ơi chị mới đến lần đầu
Ừ thì đẹp là do mình cảm nhận
Nhưng đôi chân phải bước nhịp nhanh đầu
Chỉ cần nghe bốn câu thơ này ta đủ hình dung tâm thế của một người chị lần đầu ra Hà Nội học và chia sẻ cùng em. Nghĩ về Hà Nội bao giờ cũng háo hức và xúc động kể cả với những người từng gắn bó như chị em Liên-Sơn của nhà văn Thạch Lam. Nhưng đúng là, với người thiếu nữ, vượt qua e rè lo sợ ban đầu là một Hà Nội lãng mạn:
Thuở mười lăm Hà Nội lại rất gần
Có anh bạn làm thơ Hà Nội tặng
Hoa sữa nói chỉ một điều thầm lặng
Chị thường mơ một Hà Nội kiêu sa.
Một chút ấn tượng từ bài thơ được tặng, một chút bâng khuâng, sao lòng từ hoa sữa và giấc mơ hạnh phúc (một Hà Nội kiêu sa), có điều, thấm thía nhất là câu thơ thăng hoa, câu thơ chứa chất một xúc cảm đầy tỉnh táo của chị: “Ta nương đâu, mảnh đất đó là nhà”. Hà Nội là, việc tưởng bình thường mà với người đến từ tỉnh lẻ sao thiêng liêng đến thế. Cũng vì lẽ đó, những “người đàn bà goá chồng bán hoa” và “cậu bé đánh giầy không có giầy đi” là những nghịch lý đầy trăn trở của chị. Sau sự lấp lánh, Hà Nội vẫn có những góc tối, những cảnh đời bất hạnh, đáng thương. Sau tất cả những giãi bày, người chị-nhân vật trữ tình trong thơ chị đã thốt lên những lời gan ruột và cũng là khổ kết của bài thơ:
Em xa xôi, chị đã yêu đến giờ
Một Hà Nội những phố dài xưa cũ
Chị cầm tay em trong đêm không ngủ
Nói được không, Hà Nội của chúng mình.
Từ Hà Nội của chị đến Hà Nội của em và của chị em mình. Có lẽ, mảnh đất này đã thành câu chuyện cổ tích mới chứ không còn là giấc mơ kinh kì, giấc mộng Hà thành xa vời nữa. Thơ Bình Nguyên Trang là thế, nhẹ nhàng, bình dị nhưng bất ngờ thăng hoa và sâu lắng với cách viết đơn giản, thuộc về những cảm xúc mới mẻ, chưa bị khuôn sáo vào các công thức cũng như không tự ép mình vào trường phái nào. Và như tác giả đã tự nhận: “Cũng đôi lần tập làm thi sĩ/ Bởi mắc nợ mình một Hà Nội trong thơ”. Chị còn nợ Hà Nội một bài thơ, nhiều bài thơ và mai sau sẽ còn viết nữa…