Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho du lịch an toàn

Chia sẻ

Ngay sau khi Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm.

Bốn giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Các điều kiện phòng dịch của cộng đồng nhân dân và những lao động trong ngành du lịch đang được ưu tiên đảm bảo. TP Hà Nội đã tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 đạt 96,3% dân số trên 18 tuổi, trong đó: 69,8% tổng dân số được tiêm mũi 1 và 13% tổng dân số được tiêm mũi 2. Hai năm qua, dù 4 đợt dịch Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn thu giảm mạnh nhưng mỗi khi dịch được khống chế, các đơn vị kinh doanh lữ hành đều nhanh chóng khởi động lại hoạt đông du lịch. Đợt dịch thứ 4 này cũng không phải là ngoại lệ. Các đơn vị hoạt động du lịch từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến đều chuẩn bị tâm thế luôn sẵn sàng và có sẵn sản phẩm chất lượng, an toàn, phục vụ du khách khi thành phố cho phép hoạt động trở lại. Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm. “Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế đang xây dựng để thống nhất ban hành; dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” gắn với 4 giai đoạn” - ông Trần Trung Hiếu thông tin thêm.

Dự kiến trong tháng 10, với sự cho phép của UBND thành phố, du lịch Hà Nội có thể sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số dịch vụ đi kèm như spa (chăm sóc sắc đẹp), phòng tập thể dục thể thao, karaoke… vẫn bị hạn chế nên giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.

Sau khi thành phố chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Sở Du lịch sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị tiếp tục mở cửa du lịch theo giai đoạn 4, cho phép các doanh nghiệp du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách du lịch tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh trên cơ sở thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Du khách tham gia vui chơi tại khu nghỉ dưỡng ASEANDu khách tham gia vui chơi tại khu nghỉ dưỡng ASEAN

Để cụ thể hóa nội dung kế hoạch trên, Sở Du lịch sẽ tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp: Xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa; Tổ chức các hoạt động, sự kiện, chuyển đổi số ngành du lịch; Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách và cơ sở du lịch. Trong đó, việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Thủ đô. 100% đơn vị cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn.

Đặc biệt, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị. Trên cơ sở đó, xây dựng các điểm du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch.

Sở Du lịch phối hợp với ngành Y tế, các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo cán bộ, nhân viên các đơn vị nắm vững, chắc quy trình phòng, chống dịch, có các phương án xử lý kịp thời trong trường hợp phát hiện các ca nghi nhiễm. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện, công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch của các đơn vị và tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền triển khai tiêm chủng đầy đủ, kịp thời cho đối tượng ưu tiên là lao động ngành du lịch.

Người dân Thủ đô háo hức tham gia du lịch an toàn

Sau hơn 3 tháng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không ra ngoài nếu không có việc cần thiết, hạn chế tụ tập đông người, cuối tuần qua, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - nhân viên thiết kế của một công ty truyền thông tại phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) mới tổ chức các hoạt động dã ngoại ngoài trời. Điểm đến của gia đình chị Tâm là huyện Sóc Sơn với hoạt động leo núi (trekking) Hàm Lợn. Cuối tuần qua, ở khu vực này cũng có một số gia đình tổ chức cắm trại trên bãi cỏ dưới chân núi và các nhóm bạn trẻ trekking với quy mô nhỏ, từ 4-7 người/nhóm. “Bốn thành viên trong gia đình tôi đều đã được tiêm chủng vắc-xin phòng dịch, để thay đổi không khí sau nhiều ngày ở nhà, chúng tôi quyết định lựa chọn điểm dã ngoại ở ngoại thành rất rộng rãi, không gian thoáng giúp cho mình đảm bảo quy định khoảng cách. Ngoài ra, trong quá trình tham gia hoạt động ngoài trời, chúng tôi đều tuân thủ nghiêm quy định 5K, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, quét mã QRcode… để giữ an toàn cho mình và cộng đồng” - chị Thanh Tâm cho biết.

Một số nhóm các bạn trẻ tổ chức leo núi Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn sau 2 tuần TP kết thúc  giãn cách xã hộiMột số nhóm các bạn trẻ tổ chức leo núi Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn sau 2 tuần TP kết thúc giãn cách xã hội

Hồ Quan Sơn nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức là một trong những địa điểm cắm trại được nhiều người dân Hà Nội yêu thích với không gian rộng, cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, hồ nước mát lành. Cuối tuần qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, một số gia đình trẻ ở các xã lân cận đã cho trẻ ra ngoài chơi. “Quanh hồ Quan Sơn có nhiều bãi cỏ xanh mướt, thích hợp cho các hoạt động chạy nhảy, vui chơi, cắm trại nên gia đình tôi cho con vào đây hoạt động thể chất. Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn phức tạp nên gia đình tôi chỉ cho các cháu vui chơi, vận động nhanh, không tổ chức cắm trại, ăn uống như trước đây. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên gia đình tôi ý thức chấp hành nghiêm quy định phòng dịch, đeo khẩu trang, không tập trung đông người” - chị Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Đại Nghĩa cho biết.

Trên các diễn đàn về du lịch và dã ngoại, nhiều thành viên đã chia sẻ sự quan tâm, những thông tin về các địa điểm công cộng, khu nghỉ dưỡng… ở ngoại thành và các vùng ven đô của thành phố. Hà Nội đang vào thu, thời tiết thuận lợi để tổ chức các hoạt động dã ngoại, cắm trại. Tuy nhiên, do nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng nên chỉ có một số khu nghỉ dưỡng ở các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì… mở cửa hoạt động trở lại nhưng giới hạn dịch vụ, giới hạn số lượng để đảm bảo không tụ tập quá 10 người theo quy định. “Hiện nay, việc di chuyển sang các điểm vui chơi nghỉ dưỡng ở một số tỉnh lân cận khá khó khăn, người dân phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hay giấy đi đường nên lựa chọn các khu nghỉ dưỡng trong Hà Nội để tham gia các hoạt động dã ngoại cuối tuần là hợp lý để các con được thoả sức chạy nhảy sau bao tháng phải ở nhà. Sau khi tham khảo, cuối tuần qua, gia đình tôi đã cho các cháu đi trượt cỏ và vui chơi trong ngày tại một khu nghỉ dưỡng ở huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố hơn 30km. Do hạn chế khách, chỉ đón những người đã tiêm phòng vắc-xin nên ở đó rất vắng, các cháu rất thích. Việc phòng dịch được khu nghỉ dưỡng thực hiện đầy đủ nên mọi người yên tâm” - chị Phạm Diệu Linh ở phố Đội Cấn cho biết.

Hoạt động dã ngoại cuối tuần trong thời gian tới dự kiến sẽ sôi động trở lại sau khi nhiều khu nghỉ dưỡng lớn, homestay… tại các huyện mở cửa hoạt động, mang đến cho người dân thêm lựa chọn. Tuy nhiên, hoạt động du lịch, dã ngoại hiện nay được thực hiện trên tiêu chí an toàn, phù hợp với các quy định phòng chống dịch nên người dân cần có sự thích ứng thông qua việc duy trì thói quen mới để đảm bảo chuyến đi an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, quét mã QRcode để tiện cho việc truy vết sau này, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người…

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.