HAI CÂY BÀNG NƠI SÂN TRƯỜNG CŨ…

Y NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Về thăm quê, tôi tìm lại ngôi trường tiểu học xưa từng có 5 năm đi học. Trường xây cấp 4 từ thời xa lắc giờ đậm màu hoang phế. Mái ngói võng, sụt trồi từng đoạn; che nắng thì được chứ chắc chắn không thể nào che mưa. Bàn ghế trong các phòng học bám đầy bụi, sứt chân mẻ góc nằm chồng chất, xiêu vẹo ngả nghiêng.

Nghe nói trường mới dời ra gần mặt lộ, xây hai tầng trên khu đất rộng rãi, khang trang. Phải rồi, cuộc sống đi lên thì ngôi trường - nơi vun bồi, chăm chút các thế hệ tương lai - cũng không thể nào cứ bé nhỏ đơn sơ mãi được. Vậy nhưng với chúng tôi, một thế hệ học trò thời khốn khó, ngôi trường đơn sơ bé nhỏ kia lại vô cùng gắn bó yêu thương bởi có quá nhiều kỷ niệm.

HAI CÂY BÀNG NƠI SÂN TRƯỜNG CŨ… - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trường xây cấp 4, độc một dãy 5-6 phòng học đứng phơi trên triền đồi trọc không một bóng cây. Sân trường là cái sân đất nện, lầy lội mùa đông, chang chang nắng mùa hè. Năm đó thầy Tiến chủ nhiệm lớp 4 kiếm đâu mang về hai cây bàng. Thầy xắng xở hỏi cả lớp: Các em có muốn sân trường ta giờ ra chơi có bóng mát không? Có ạ, lũ nhỏ gào lên. Còn hỏi, suốt mấy tháng hè dang nắng rát đầu, đứa nào nghe vụ “ra chơi có bóng mát” mà chẳng khoái? Vậy thầy trò ta cùng trồng, chăm hai cây bàng nhé? Ráng chăm cho bàng mau lớn, sân trường sẽ mát liền thôi! Nghe thầy hứa hẹn bắt ham.

 Giờ lao động cả lớp xúm vào hì hụi đào lỗ, trồng cây, tưới nước, xong chạy tìm que cắm vòng tròn bảo vệ xung quanh. Ngày ngày, tổ trực nhật được thầy phân công lo xách nước tưới bàng. Cái giếng nhà dân cạnh trường có lúc không mở cửa, lũ nhỏ mẫn cán xách gàu chạy ra tận con sông cách trường hơn nửa cây số múc nước về tưới! Tưởng được khen, ai dè thầy Tiến biết, giận đùng đùng thiếu chút bẻ roi quất đít. Thầy nạt cho mấy ông đầu têu một trận, cấm tiệt từ nay không được ra sông. Thầy bảo: Sông nước nguy hiểm vô cùng, năm ngoái đã có mấy em xóm dưới ra sông chơi rồi chết đuối… Lũ nhỏ nghe toát mồ hôi lạnh. Giờ mới hiểu vì sao biết chuyện học trò “ra sông xách nước” thầy lại nổi giận dữ dằn…

Hai cây bàng – chắc nhờ sự chăm sóc đầy yêu thương của thầy trò - nên mướt rượt, lớn nhanh. Qua một năm đã cao quá đầu người, hiên ngang xòe hai tán lá nhỏ tròn hệt hai cái ô che nắng trong sân. Lá bàng to, trải ra mát rượi. Giờ ra chơi, mấy đứa xúm nhau giành chỗ đứng túm tụm dưới “ô che nắng” nói cười hỉ hả. Thầy Tiến bảo: bàng lớn nhanh vầy chỉ dăm năm nữa là sân trường rợp mát… Nhưng sang năm tụi em rời trường rồi thầy ơi! Ờ há, cả lũ xịu mặt. Thầy Tiến cười: Các em đi thì để bóng mát lại… che cho mấy lớp đàn em, mất mát gì đâu? Nghe có lý, nhưng dù sao nghĩ đến lúc phải xa trường xa thầy, xa hai cây bàng yêu dấu tự nhiên đứa nào cũng thấy buồn buồn…
Trường cũ xập xệ, hoang vu nhưng hai cây bàng thì - ngược lại - lừng lững cao to, rợp bóng xuống mảnh sân trường giờ đem so với tán bàng đã trở nên quá bé. Lá bàng rơi vương vãi bên hiên, chen chúc xếp lớp trên nền đất nện.

HAI CÂY BÀNG NƠI SÂN TRƯỜNG CŨ… - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lá nằm mục rã xương chen với lá còn tươi rói. Vài chiếc bết sâu xuống lớp bùn của mùa mưa năm trước. Gió thu thổi lộng. Rào rào, thêm dăm chiếc lá vàng/đỏ lại lìa cành, lăn lăn trên mặt đất. Cảnh tượng thật chẳng khác chi đoạn mở đầu trong tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” của cố văn sĩ Thạch Lam. Bất giác tôi, cô học trò cũ, không biết nghĩ sao lại chạy sang nhà bên mượn cây chổi xương về hậm hụi khom lưng quét tới quét lui. Tôi quét sạch hết cả thềm sân, gom đống lá bàng lại một nơi xong đi xin lửa về đốt. Ngọn lửa chầm chậm cháy lan, tỏa khói lắt lay trong cái không gian chiều dường nghe rón rén thực hư bao bước chân hoài niệm. Chỉ vậy thôi mà lòng đã thấy ấm. Tôi đứng trong sân trường nhìn khắp lượt lần cuối rồi vẫy tay chào tạm biệt hai cây bàng. Bỗng nhiên thấy nhớ thầy Tiến da diết. Thầy ơi, học trò thầy hôm nay về thăm trường cũ. Trường còn, hai cây bàng còn mà thầy giờ nơi đâu…

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.