Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....

Chúng tôi quyết định nghỉ chân ở một quán bán nước ven đường. Ngồi một lát, bỗng một chiếc xe đạp lao tới, lao thẳng vào trong sân nhà. Tôi nhận ra ngay là hai đứa trẻ chúng tôi đã bắt gặp lúc nãy. Tôi vẫn nhớ qua ánh đèn ô tô, tôi thấy thằng anh người nhỏ thó, ngồi trên cái xe đạp, sau mỗi vòng đạp xe là nó phải nhoài hông cố với lấy cái bàn đạp...

Tôi liền hỏi chị chủ quán: “Là các con chị đấy à. Mà trời tối, sao chị cho bọn trẻ tự đạp xe trên đường, chị không sợ nguy hiểm sao?”.

Chị bán nước cười: “Các con em đấy. Bọn trẻ ở nhà chán nên đưa nhau qua nhà mấy đứa cùng xóm chơi. Trẻ con nông thôn, đạp xe trên đường như vậy quá là bình thường. Với chúng, không có khái niệm sợ ma hay sợ nắng gió”.

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi chị nói thêm, chồng chị đi làm xa, ở nhà chỉ có ba mẹ con. Chị hàng ngày bận mưu sinh nên hai đứa trẻ đã quen tự sinh tồn từ nhỏ. Lên 3 tuổi, anh lớn đã biết thay mẹ trông em, rồi đưa em đi chơi. Nơi bọn trẻ tập đi chính là con đường quốc lộ với xe ôtô nườm nượp qua lại mỗi ngày này. Bây giờ, chúng đã có thể tự ở nhà nuôi nhau 1 tuần liền mà không cần có bố mẹ.

Nhìn hai đứa trẻ, tôi lại nhớ tới các con tôi ở nhà. Hai con tôi, một đứa đã vào cấp 3, một đứa đang học cuối cấp 2. Nhưng, đúng là hoàn cảnh tạo nên tính cách của con người. Con lớn của tôi cao 1,75m, nặng 75kg vẫn chỉ có thể ngồi sau xe máy để mẹ đưa đón đến trường mỗi ngày. Con nhỏ thì có mẹ cơm bưng nước rót tận nơi, đến giặt cái áo của bản thân cũng chưa tự làm bao giờ. Với con lớn thì tôi lo đường đông, con tự đi xe sẽ gặp nguy hiểm. Còn con nhỏ thì sức khỏe yếu, tôi có ý chăm bẵm con thêm cho tới khi con cứng cáp hơn.

Vì vậy mà tôi thầm thấy xấu hổ vì sự non nớt của con mình. Đang nghĩ đến đó, chợt chị bán hàng nói với tôi: “Thú thực, hai vợ chồng em ít có điều kiện bảo ban chúng. Có lần, chúng còn đèo nhau đi ăn trộm đồ bị nhà người ta bắt được, dẫn về đây trả cho bố mẹ. Rồi chúng còn bỏ học, bỏ nhà đi chơi đến mấy ngày mới tự đưa nhau về”.

Chị lại ước giá như con chị giữ được nét ngây thơ, trẻ con đúng với lứa tuổi, chứ đừng lúc nào cũng như những con ngựa hoang không sợ nắng gió, vứt đâu cũng sống được như vậy. “Các con anh ở thành phố chắc là chăm học, ngoan ngoãn lắm nhỉ. Em thèm được như con anh lắm. Giờ, nếu chúng cứ lớn lên như thế này, đến một ngày kìm cương chúng lại cũng khó. Mà chúng em thì bận làm ăn quá”.

Tôi chào tạm biệt chị để tiếp tục lên đường. Vừa đi, tôi vừa nghĩ đến con chị và con tôi. Đúng là ở thái cực nào cũng không tốt. Bọn trẻ sẽ cần được bảo ban, dạy dỗ, chăm sóc nhưng cũng cần được người lớn buông tay để chúng tự lớn thì mới không bấy bớt.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục