Hai mảnh đời

Nguyễn Đức Thảo (Balan)
Chia sẻ

(PNTĐ) -

- Đi mày ơi! Sang bên ấy chỉ một ngày là mày kiếm được số tiền bằng ở đây mày làm nửa năm. 

Cô bạn vừa rửa rau vừa thuyết phục chị. 

Chị im lặng. Đã nhiều đêm chị không ngủ, suy đi tính lại đi hay ở. Cô bạn từ Balan về chơi, gặp chị, vẽ ra viễn cảnh rất đẹp. “Chỉ một thời gian ngắn thôi, mày sẽ không khổ nữa, hai đứa con mày sẽ có điều kiện để học hành, tương lai của chúng được bảo đảm sẽ tốt hơn của mày bây giờ đấy” - tối nào gặp nhau cô ấy cũng thao thao bất tuyệt về đất nước Balan xa lạ.

Chị rất sợ đi xa. Cả đời chị đâu có đi xa quá khỏi cái huyện của chị. Là cô giáo trường làng, chị có biết gì về buôn bán đâu, nhất là một chữ bẻ đôi tiếng Balan chị cũng không biết. “Đi sang đó ra chợ mà bán hàng chứ còn gì nữa” - cô bạn giải thích khi chị hỏi sang đó sẽ phải làm gì để sống. 

Chồng chị là cán bộ huyện, bỏ chị lại với hai đứa con để đi với cô khác trẻ hơn. Âu cũng là số phận. Chị tin vào số phận nên chấp nhận hoàn cảnh. Với lương giáo viên cấp một, chị vất vả lắm mới thu xếp tàm tạm cho các con có cuộc sống không đói chứ nói gì đến sung túc. Cô bạn cùng dạy ở trường được chồng đưa đi, sau ba năm về nước trông như một bà hoàng vậy. Tóc uốn, phấn son và nước da trắng trẻo làm cô trẻ ra hơn chục tuổi. Nhìn bạn, chị dần dần thấy mình đã được thuyết phục. 

Khi chị đã quyết định ra đi thì nảy sinh vấn đề về tiền. Suy đi tính lại chị không tìm đâu ra năm nghìn đô la để trả phí. Ai nói tiền không đem lại hạnh phúc thì là tỷ phú đô la hoặc là kẻ ngu! - chị than thở. Lúc ấy cô bạn đưa tay cứu chị. Cô cho mượn số tiền đó rồi sau khi sang đi làm cho bạn trả nợ dần. Một giải pháp rất tiện cho chị. 

Ba giờ sáng. Đồng hồ báo thức kêu cành cạch, chị miễn cưỡng tung chăn ngồi dậy, mắt cay xè. Bên ngoài trời tối như mực, cái đêm tháng mười, tuyết chưa rơi nhưng rét lắm. 

Chị vừa đặt chân đến Vác-sa-va sáng hôm trước. Lần đầu trong đời chị đi máy bay, mệt lử. Những tưởng sẽ được nghỉ một vài ngày cho quen khí hậu nhưng cô bạn đã nói thẳng cho chị biết trong bữa tối: “Sang đây để đi làm chứ không phải đi du lịch”. Chị chấp nhận điều đó. Một mặt chị cũng muốn đi làm sớm để mau trả hết nợ cho bạn tuy rất muốn được nghỉ một vài ngày cho hoàn hồn. Mặt khác chị cũng tò mò háo hức muốn biết hình thù cuộc sống hàng ngày của mình trên cái sân vận động nổi tiếng ấy nó ra sao. 

Xỏ chân vào đôi giày đông và khoác cái áo bông bạn cho mượn, chị lập cập theo cô bạn đi ra bến tàu điện. Mới mùa thu mà đã rét thế. Gió thổi vù vù, chỉ một loáng là chị cảm thấy như mặt mình hóa đá. Chắc do mình chưa quen, chị nghĩ thầm. Tàu số chín đưa chị và cô bạn đến cạnh cái sân vận động hoang sơ, ban đêm trông không rõ hình thù gì cả. Nhưng ở trên sân đã đông người. Cô bạn đưa chị đến ki-ốt của mình ở chỗ một cái dốc đi xuống bờ sông, mở cửa quầy và bảo:

- Đây là chỗ làm. Tí nữa khách Tây đến xem hàng. Hôm nay mày phụ cho tao nhé. Khi tao gọi mang thùng hàng nào thì mày khuân ra. Nếu ai nó hỏi gì lằng nhằng quá, mày cứ “ít đa - lầy” là xong, nghe chưa?

Chị nhìn “cơ quan” của mình. Ki-ốt bằng sắt, bên trong xếp đầy những kiện hàng to tướng. Vậy là chị đồng ý đánh đổi phấn trắng bảng đen để ôm những thùng các-tông hàng. Chị bắt đầu nghi ngờ về sự chuẩn xác của quyết định ra đi của mình. 

Hai mảnh đời - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Chiều về đến nhà, chị rã rời chân tay. Trong bữa cơm, cô bạn bảo: 

- Ngày mai mày phải nhanh nhanh lên nhá. Không thể chậm như rùa được đâu. Làm như mày thì có ăn cám chứ chả được ăn cơm. 

Chị cố kìm mình, hít một hơi thật sâu để nuốt trôi miếng cơm đang ứ trong họng. 

Vài năm sau chị đã trả hết nợ cho bạn và tự lập. Chị mua lại một ki-ốt rồi tự mình nhận hàng của những chủ người Việt đem bán. Là giáo viên dạy Văn chị nhanh chóng nắm bắt được ngôn ngữ Balan ở mức có thể giao tiếp dễ dàng. Chị đón được con bé út sang với mình. Cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn. 

Rồi một ngày hải quan chặn hai đầu cái dốc. Tất cả hàng hóa của chị bị lôi ra sân. Mấy cô hải quan ngồi lên các thùng hàng ăn bánh pizza. Cả áo khoác tư nhân của mẹ con chị cũng bị tịch thu hết. Con bé út của chị không biết có gì xảy ra, nó ngô nghê nhảy múa.

Chín giờ tối trời lạnh ngắt, chị xin lấy áo khoác cho con nhưng mấy cô nhân viên hải quan mặt lạnh như tiền xua tay đuổi đi. Chị chỉ còn biết ôm con vào lòng mà khóc. Những lúc như thế chị giận mình vô cùng. Cái gì đã đưa đẩy chị đến con đường cùng này? Lòng tham hay nỗi thèm khát đổi đời? 

Buôn bán không thành, chị chuyển nghề. Chị thao túng số điện thoại giá rẻ hơn so với của công ty điện thoại quốc gia Balan và bán phút cho người Việt gọi về nước. Lúc đầu chỉ là một số, sau lên ba bốn số. Khi có ít vốn chị bắt đầu cho vay lãi. Chị đi vay tiền của mọi người với lãi suất thấp rồi mang đi cho những người cần tiền “xổi” vay để đánh hàng với lãi suất cao hơn.

Lĩnh vực chứa đầy sự tranh giành xâu xé làm chị mất dần đi bản tính hiền dịu của cô giáo làng. Có thêm vốn, chị làm chủ đề. Để có thể trấn giữ những con đề, chị trở thành người đàn bà chai sạn, cứng rắn trong tính cách cũng như trong hành động. Không biết tự lúc nào, từ một người phụ nữ rụt rè, chị trở thành một “trùm” trong lĩnh vực mà nhiều người nghĩ chỉ dành riêng cho giới mày râu. Theo thời gian, cả giọng nói của chị cũng thay đổi, từ những âm điệu êm ái của cô giáo dạy Văn chuyển thành những câu cứng rắn pha lời chửi tục. Nhiều người sợ và xa lánh chị, “cái con đáo để”. Chị không biết mình đã thay đổi đến thế vì đơn giản là chị không có thời gian để nghĩ đến bản thân mình. 

Một thời gian sau chị bị cảnh sát bắt giữ vì không có giấy tờ cư trú hợp lệ. May sao chị được thả ra vì đang đơn thân nuôi con nhỏ. Khổ quá, chị mải đánh vật để trả tiền nhà, tiền nuôi sống ba mẹ con mà quên chuyện giấy tờ. Bây giờ vấn đề nó hiện hữu trước mắt. Chị lại thêm một mối lo. Nhiều bà, nhiều cô xung quanh chị đi tìm những người đàn ông Balan đơn thân, thỏa thuận một khoản tiền để có giấy cưới và sau đó có quốc tịch. Sau nhiều lần suy tính, chị quyết định làm theo họ. 

Hai mảnh đời - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Mietek là kẻ nghiện rượu. Không biết từ lúc nào hắn trở thành người vô gia cư. Ngày của hắn bắt đầu bằng chai bia ở ghế gỗ gần cửa hàng bán bia và kết thúc cũng bằng chai bia, thỉnh thoảng bằng chai vang rẻ tiền. Mùa hè thì ghế trong công viên là giường, mùa đông hắn cùng một số bạn đồng cảnh chui xuống cống ngầm. Những cái cống dẫn xuống đường ống nước nóng để sưởi cho thành phố là cổng vào “nhà” của những người vô gia cư. Trong lòng đất những ổ người chật chội, hôi hám, đầy mùi rượu và giấy báo, bìa các-tông cũ là nhà của những kẻ bất hạnh. 

Hôm chị đến gặp thì hắn khá tỉnh táo. Sau khi nghe chị nói điều mình muốn, hắn gật đầu ngay. Cái giá mười lăm nghìn zloty với hắn là trên mức tuyệt vời, một số tiền hắn chưa bao giờ có. Ngày cưới, Mietek tắm rửa sạch sẽ, trang trọng trong bộ comple rẻ tiền do chị mua, râu cạo nhẵn nhụi, thêm tý nước hoa, không có dáng vẻ của người vô gia cư tí nào. Cô dâu tươi tắn trong bộ váy áo sáng màu. Mietek nhìn chị như bị thôi miên. Hắn không thể ngờ rằng Trời cho hắn, một gã không nhà, được làm chồng của một người phụ nữ đẹp như chị dù chỉ là chồng mướn. Khách mời của hai bên và cũng là những người làm chứng chỉ là cô bạn mà chị kết thân từ vài năm nay và một người đàn ông cũng vô gia cư như chú rể. Chị mượn của bạn bè hai cái nhẫn vàng cho hợp lệ.

Sau lễ cưới, khi chị lấy lại chiếc nhẫn, Mietek nhìn với con mắt buồn buồn, nuối tiếc, bởi nó là biểu tượng của hạnh phúc vợ chồng. Tiệc cưới là bữa cơm trong quán ăn cho bốn người. Sau bữa ăn chị trao cho Mietek năm nghìn zloty với lời hứa khi nhận được quốc tịch, chị sẽ trao trả phần còn lại. 

Những ngày tháng tiếp theo là khoảng thời gian rất vất vả với chị. Chị vừa phải làm việc nuôi hai mẹ con và gửi tiền về nuôi đứa con lớn trong nước, vừa phải lo lắng vấn đề kiểm tra của cảnh sát Balan về quan hệ vợ chồng của chị. May sao Mietek đã hoàn thành vai làm chồng của mình trước các cảnh sát viên một cách xuất sắc và sau một năm chị được nhận quốc tịch Balan. 

Ngày chị lên nhận quyết định trao quốc tịch, Mietek diện bộ đồ cưới, đón chị bằng bó hoa nửa trắng nửa đỏ. Chị xúc động. Khi chị đưa cho hắn mười nghìn zloty theo thỏa thuận, hắn nhìn chị bằng con mắt rất buồn và lắc đầu:

- Tôi nhận được phần của mình rồi. Khi nào cô viết đơn ly hôn thì tôi sẽ ký. 

Nói rồi hắn quay lưng, thất thểu bước đi. Chị đứng như trời trồng với xếp tiền trong tay.

Có quốc tịch rồi, chị mua căn hộ ba phòng. Bây giờ cuộc sống của chị trở lại bình yên. Chị làm thủ tục đón đứa con lớn sang. Có thể nói sau bao nhiêu thăng trầm, nhờ sự nỗ lực của chính mình, chị đã thu vén cho mẹ con có cuộc sống yên ổn. Chị có thể thư giãn tâm hồn, nhưng có một cái gì đó không để cho chị yên. Chị hiểu mình vẫn còn một món nợ chưa trả được. 

Chị rảo bước đến nơi hắn ngồi. Trên chiếc ghế gỗ người đàn ông trong bộ quần áo tồi tàn ngồi tư lự, bên cạnh là chai bia còn đầy. Thấy chị đến, hắn nhổm dậy, lúng túng giấu chai bia sau lưng. Nét mặt hắn lộ rõ vẻ lo lắng xen lẫn thất vọng. Hắn lúng búng:

- Cô có bút chứ? Đưa giấy tôi ký.

Chị lắc đầu:

- Anh không thể sống mãi như vậy được. Tôi mua nhà rồi. Anh về ở với mẹ con tôi. 

Hắn ngẩn người, dường như quên mất là mình biết nói. Nước mắt chảy ra rơi xuống vạt áo rách nhưng hắn không để ý. Theo chị về nhà, bước chân của hắn như nhẹ đi rất nhiều. 

Giữa Thu. Ánh nắng nhảy nhót trong tán lá vàng. Trên trời đàn ngỗng ghép lại như hình mũi tên bay về miền xa ấm. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.