Hàng xóm nhà tôi là “đầu gấu”

Chia sẻ

Hàng xóm mới chuyển tới ở cạnh nhà tôi là một toán thanh niên. Nghe mẹ tôi hốt hoảng kể lại: “Đó là bọn đầu gấu đầu mèo chứ không phải người tử tế gì”.

Trong bữa cơm, mẹ tôi dặn: “Các con đi đâu thì về nhà ngay, đừng có giao du với nhóm thanh niên này. Cẩn thận chúng ngứa mắt, chúng làm hại nhé”. Rồi mẹ quay sang dặn bà: “Bà cũng thế, ban ngày chúng con đi vắng, bà cứ khóa trái cửa lại ở trong nhà nhé”.

Bà nội tôi hỏi: “Sao con lại biết đó là đầu gấu đầu mèo. Con biết họ từ đâu đến à”.

“Không hẳn thế. Nhưng mà mẹ chỉ cần nhìn mặt mấy đám đó thôi, mẹ đã thấy không tốt đẹp gì. Ai đời thanh niên mà nhuộm tóc xanh đỏ, tay thì xăm trổ, chân đi dép lê. Nói chung tránh càng xa càng tốt”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lời mẹ nói làm tôi vừa tò mò, lại vừa thấy sợ hàng xóm mới. Quả nhiên tối đó, nhà bên cạnh có tiếng người lao xao đi lại, lớn tiếng nói chuyện với nhau. Tôi không biết rõ họ đang nói chuyện gì, nhưng mẹ tôi thì quả quyết: “Chắc là đầu gấu tụ tập để bàn chuyện đánh nhau, trấn lột đấy”.

Ngày hôm sau, bố mẹ đi làm hết, chỉ còn tôi và ông bà ở nhà. Theo lời mẹ dặn, tôi đóng cửa ở bên trong nhưng đến buổi trưa, khi sắp thổi cơm thì phát hiện nhà hết gạo. Bà tôi liền ra chợ mua gạo, đúng lúc ra khỏi cửa thì bà nhìn thấy “hàng xóm đầu gấu” đang đứng ngoài hè.

“Chào các cháu, các cháu mới dọn đến đây à”.

“Vâng, chào bà. Vâng, chúng cháu mới đến”, đám thanh niên đáp.

Tôi thấy bà chủ động bắt chuyện với hàng xóm thì lo lắm, lúc bà về vội túm bà hỏi: “Sao bà liều thế, bà không sợ người ta làm hại bà à. Mẹ cháu đã dặn…”.

“Sao họ lại làm hại bà được. Bà có làm gì họ đâu. Cháu yên tâm, bà biết cách ứng xử mà. Người ta bảo bán anh em xa, mua láng giềng gần cháu ạ”.

Những ngày sau đó, thi thoảng tôi vẫn thấy bà nói chuyện, hỏi thăm nhóm đầu gấu. Có lúc, bà còn nhận mua giúp họ mớ rau, con cá… Còn tôi thì vẫn không hết lo cho sự an toàn của gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi đến một hôm, nhà tôi bị cháy cái bóng đèn. Cả tôi và bà đều không biết sửa như thế nào. Bà tôi liền reo lên: “Bà đã có cách” rồi vội chạy sang nhờ các “đầu gấu” sang giúp. Lát sau, một thanh niên sang, chào hỏi chúng tôi rồi thoăn thoắt giúp bà thay bóng đèn.

“Bà cảm ơn cháu nhé. Lúc nào tiện mời các cháu sang nhà bà chơi”.

“Vâng, cháu chào bà cháu về ạ. Lúc nào bà cũng sang chúng cháu chơi. Chúng cháu mới về, có gì không biết nhờ bà chỉ cho ạ”.

Lúc “đầu gấu” về rồi, tôi liền hỏi bà: “Xem ra các anh này không gấu gân lấc cấc như mẹ cháu nói đâu”.

“À, họ dù có đầu gấu hay không thì cũng vẫn là con người. Họ vẫn biết cách ứng xử cháu ạ. Vấn đề là mình sống hòa đồng với họ và đừng tỏ vẻ xa lánh họ. Còn bà đã tìm hiểu rồi. Họ chỉ trông thế thôi chứ đều đi làm công nhân đấy, bác tổ trưởng tổ dân phố nói từ lúc dọn đến đây ở, không thấy họ đánh nhau, gây gổ hay vi phạm pháp luật gì”.

Tôi thấy bà nói thật đúng. Mình trước tiên phải đối xử tốt và tôn trọng mọi người thì mọi người sẽ đối xử tốt và tôn trọng mình.

LAN CHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.