“Hạnh phúc" của lão Trương

Chia sẻ

Lão Lý sống trong Viện dưỡng lão Hoàng hôn Đỏ. Gần đây, người bạn cùng phòng của lão qua đời, rồi một ông già họ Trương đến ở. Lão Trương tính tình vui vẻ, chạy đi đâu cũng phải ngâm nga mấy câu, không giống như một số lão nhân đã sống ở trong viện rất lâu mà vẫn không quen, thậm chí còn lén lau nước mắt.

Lão Trương có hai con trai và một con gái, cứ khoảng mươi hôm, họ lại đưa con cháu đến thăm lão với những món quà đầy màu sắc. Mỗi khi họ đến, căn phòng lại sôi động hẳn lên, tháng nào các con cũng mời lão Trương ra ngoài ăn cơm, sau bữa cơm lão Trương luôn tươi cười lấy hộp, túi đóng gói lấy phần đồ ăn đem về cho lão Lý. Lão Lý xấu hổ không muốn ăn, vì vậy lão Trương bưng đồ ăn, đưa lên tận miệng lão Lý, dỗ dành: “Phải có duyên phận mới được ở chung phòng với nhau, mình là anh em rồi, ông chớ nên khách khí”.

Mọi người trong viện dưỡng lão đều nói rằng, con cháu lão Trương thật hiếu thảo và trìu mến gọi lão bằng cái tên “Ông già hạnh phúc”.

Ngược lại, lão Lý cũng có một đám con cái nhưng rất ít khi thấy họ lui tới thăm nom, hoặc dù có đến rồi cũng vội vàng rời đi. Hiếm khi họ mang theo sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bao hộp đóng gói thì nhăn nhúm, bẹp hoặc mất góc, chắc do người khác cho hay tặng gì đó, tự mình không ăn được thì mới đem đến cho bố. Lão Lý rất thích sĩ diện, cảm thấy tủi hổ trước mặt lão Trương mỗi khi con đến thăm. Sau khi con cái rời đi, lão luôn phải giải thích với lão Trương là các con mình đều bận, thực sự rất bận, không có thời gian rảnh rỗi...

Lão Trương cười gật đầu: “Đám trẻ tuổi tuy bận rộn, nhưng đến thăm ông như thế là hiếu thuận rồi, ông vừa lòng chứ?”.

Nghe lão Trương nói như vậy, lão Lý càng thêm khó chịu, trong lòng thực sự đố kỵ với lão Trương.

Một hôm sắp đến bữa ăn trưa, các con của lão Trương đến thăm, lão Lý vẻ mặt buồn bã quay đầu định tránh mặt nhưng lại bị lão Trương kéo lại: “Lão Lý huynh, đi nào, ta cùng nhau đi nhà hàng!”.

“Tôi không đi đâu!”, lão Lý vội vàng đẩy lão Trương ra vì chịu không nổi cảnh tượng như vậy.

“Hạnh phúc

“Chúng ta là anh em, và tôi cũng muốn cảm ơn ông vì đã đêm đêm đắp lại chăn bông cho tôi!”, lão Trương chân thành nói. Đúng vậy, lão Trương cả ngày vui sướng, tối đến ngủ say như chết, chăn bông rơi khỏi giường lúc nào cũng không biết. Còn lão Lý trong lòng luôn nặng nề không ngủ được, đêm nào cũng trằn trọc, thức giấc mấy lần, thấy chăn bông của Lão Trương rơi xuống đất nên nhân tiện đắp lại cho lão.

Không cưỡng lại được, lão Lý đành để lão Trương kéo đến một nhà hàng. Trong phòng ăn kê chiếc bàn tròn lớn bày la liệt đồ ăn, giữa bàn là một chiếc bánh ga tô lớn. Lão Lý nghĩ, hóa ra hôm nay là sinh nhật lão Trương! Lão Trương kéo lão Lý ngồi xuống bên cạnh mình. Lão Lý rất lúng túng, đưa tay sờ túi muốn đưa lão Trương một phong bao đỏ, nhưng sờ tới sờ lui, chỉ mò ra mấy đồng tiền lẻ, liền đứng dậy, kiên quyết rời đi.

Lão Trương cố lôi kéo lão Lý: “Ông Lý, hôm nay là sinh nhật của ông, chúng tôi sẽ làm thay ông!”.

Lão Lý nhớ ra hôm nay quả thật là sinh nhật theo nông lịch của mình. Ngày sinh của từng cụ sẽ được hiển thị trên bảng điện tử của viện dưỡng lão nên lão Trương đã nhìn thấy. Thấy các con của lão Lý chưa đến, lão Trương muốn tổ chức sinh nhật cho lão Lý và đặt nhà hàng chuẩn bị bánh ga tô.

Ngọn nến được thắp lên, lão Trương thúc giục lão Lý: “Mau thổi nến đi và hãy mong một điều ước trong lòng!”.

Thấy lão Lý vẫn còn đang sững sờ, lão Trương lại đẩy lão ra và nói: “Mau lập điều ước đi!".

Lão Lý thấy cay sè nơi sống mũi. Được con cái đến thăm, đem bánh sinh nhật đến chúc mừng, đó là nguyện vọng lớn nhất ngày hôm nay của lão, nhưng bọn chúng đâu?".

“Chúc mừng sinh nhật!” giữa những lời chúc của già trẻ, lớn bé nhà họ Trương, lão Lý không thốt ra lời, chỉ miễn cưỡng nặn ra được một nụ cười…

Sau khi được lão Trương tổ chức sinh nhật xong, lão Lý thêm nản lòng thối chí, càng ngày càng gầy sút đi trông thấy. Lão Trương đưa đồ ăn ngon do con cháu mang đến nhưng lão Lý nhất quyết không nhận, có lúc rưng rưng nước mắt, có lúc lại lặng lẽ thở dài. Lão Trương biết trong lòng lão Lý có uẩn khúc mà không giải được!

Lão Lý càng ngày càng ăn ít, nằm trên giường không gượng dậy nổi, thực sự là đã bị bệnh. Lão Trương muốn đưa lão Lý đến bệnh viện, nhưng lão Lý sống chết cũng không đồng ý. Lão Trương nhờ giám đốc của viện dưỡng lão đến động viên lão Lý nhưng lão Lý nói: "Bệnh của tôi không chữa trị được nữa rồi, tiền cũng tiêu hết rồi. Ai sẽ đi trông nom tôi khi ở bệnh viện? Các con của tôi đều đang bận rộn”.

“Hạnh phúc

Ông giám đốc thở dài và miễn cưỡng ngừng động viên. Kiểu người già như lão Lý ở viện dưỡng lão này không ít, ai cũng sợ phải đi bệnh viện, sợ tốn tiền rồi sợ không có người trông nom... Ông giám đốc phải gọi bác sĩ trong viện đến truyền nước có pha ít thuốc cho lão. Lão Trương trở thành y tá tình nguyện, ngày đêm chăm sóc cho lão Lý khiến lão cảm động rơi nước mắt. Lão Trương nói: “Trời cho chúng ta sống chung trong một căn phòng, số phận đã cho chúng ta trở thành anh em của nhau”.

Trời đã vào cuối thu, lá vàng rụng đầy sân viện dưỡng lão, lão Lý bệnh nặng, nắm chặt tay lão Trương không rời, cố sức nói liền một mạch: “Lão Trương huynh, hôm nay có lẽ là ngày cuối cùng của tôi, ông hãy đi với tôi đến cùng, nói... nói chuyện”.
Lão Trương vội vàng gật đầu nói: "Nếu có việc gì cứ nói với tôi, tôi sẽ làm cho ông”.

“Trương huynh, tại vì sao con cái lại hiếu thảo với ông như vậy?”, lão Lý nhìn chằm chằm vào lão Trương.

Lão Trương đáp: “Vì bọn hắn có tiền".

Lão Lý lắc đầu: “Ông nói dối tôi!”.

Lão Trương hơi chột dạ, vội nói: “Tôi nói dối ông thế nào được!”.

Lão Lý buông tay lão Trương, nói toạc ra chuyện lão Trương vẫn úp mở: “Mỗi lần con ông về, ông đều lén nhét cho chúng một chiếc phong bao đỏ, tôi đã nhìn thấy hết. Cái lần ông tổ chức sinh nhật cho tôi, tôi cũng thấy ông nhét tiền cho con trai lớn để hắn đi đặt nhà hàng. Chúng đến gặp ông không phải để thăm một ông bố già, mà là vì ông có tiền trong tay và ông sẵn sàng cho chúng!”.

Khuôn mặt của lão Trương phút chốc bỗng trở nên nhợt nhạt, trong khoảnh khắc những niềm vui sướng trước đây biến đâu mất. Lão đành nói sự thật cho Lão Lý biết: Trước khi nghỉ hưu, lão đã âm thầm dành dụm được một khoản tiền kha khá. Đúng cái năm nghỉ hưu, lão mắc phải một căn bệnh nan y, nếu phẫu thuật thì sẽ tiêu hết số tiền đó, phần đời còn lại sẽ phụ thuộc vào sắc mặt của các con. Lão quyết định dứt khoát không tiến hành phẫu thuật, không chia tiền cho các con mà chủ động vào viện dưỡng lão. Mỗi lần con cháu đến thăm, lão lại cho chúng phong bao tiền, lại chi tiền đặt ăn nhà hàng mỗi tháng một lần... Lão Lý nghe đến đó chợt bật cười, cười đau khổ đến rơi nước mắt. Lão Trương hỏi một cách khó hiểu: “Lý huynh, ông đang cười cái gì vậy?”.

“Tôi tự cười mình là ngu ngốc!”. Sau đó, lão Lý kể với lão Trương: Ở quê, lão từng có ba gian nhà mặt phố. Khi giải phóng mặt bằng, lão được phân căn hộ mới hai phòng và đền bù một triệu nhân dân tệ. Lão đã giao hết toàn bộ nhà cửa và tiền nong cho các con, chỉ mong các con làm tròn chữ hiếu. Kết quả là, lão sống trong nhà của hai người con trai mình nhưng họ đều đối xử với lão một cách lạnh lùng. Cô con gái út còn khóc to hơn, “tố” rằng mình được chia ít tiền nhất, sao bố lại ở nhà mình... Cuối cùng, lão chỉ có con đường vào viện dưỡng lão. Lương hưu cố gắng lắm mới tạm đủ sống, lấy đâu ra phong bao đỏ cho chúng, rồi còn tiền đặt nhà hàng mời chúng ăn?

“Trương huynh, tôi biết ơn ông...”, lão Lý nuốt nước miếng, nhưng ánh mắt nhìn lão Trương, không cam lòng.

Lão Trương khóc lóc thảm thiết nói: “Chẳng mấy nữa rồi sẽ đến lúc tôi tiêu hết số tiền dành dụm được, không còn phong bao đỏ đưa cho chúng, cũng chẳng còn tiền đặt cơm nhà hàng nữa; không biết chúng có còn đến thăm nom, chuyện trò với tôi nữa không?”.

Đáp lại câu hỏi của lão là những làn gió thu se sắt ngoài sân...

TRƯƠNG KIẾN QUỐC (TQ)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.