Hạnh phúc của má

Nguyễn Thị Bích Nhàn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc đời má tôi y như một nhân vật thiệt thòi trong truyện cổ tích vậy. Khổ từ hồi còn nằm trong bụng cho đến khi lấy chồng, sinh con, tới tuổi “cổ lai hy” cũng còn khổ sở vì con cái.

Không phải tôi ngoa ngôn để tạo ấn tượng cho câu chuyện đâu, xin thề, những điều tôi kể ra đây hoàn toàn là sự thật đấy.

Ông ngoại tôi là thầy giáo, ông bị Tây bắt và lấp vào một hố chôn tập thể ở Hảo Sơn (Phú Yên) khi má là cái thai hai tháng. Tội nghiệp, má ra đời tròn năm thì ông cố ép ngoại tái giá. Nước mắt vắn dài, ngoại tức tưởi rũ bỏ tấm khăn trắng theo chồng, bỏ má lại với cố…

Tuổi thơ má trầy trụa, bầm dập.

Má kể, chồng ngoại là một địa chủ giàu có nhưng hung dữ keo kiệt. Ngoại đã không dám về thăm con cũng chưa một lần lén gửi đồng quà, tấm bánh cho con gái.

Ở với cố, ông cố cực kỳ độc đoán. Hồi còn nhỏ thì má đi ẵm em cho người ta để ăn cơm, lớn một chút thì bươn bả làm mướn, từ buôn thúng bán nia đến bốc vác, đồng áng. Thiệt là tội, một chữ bẻ đôi má cũng không biết. Má nài nỉ đi học thì ông cố hét: Học biết chữ để viết thư cho bồ phỏng? Ngày Tết, xin may một bộ đồ mới thì cố lầm bầm, nhà không có tiền mua mắm mua gạo mà đồ đạc gì, sửa soạn đặng theo trai phỏng? Chỉ hai bộ đồ, thay bộ này giặt bộ kia. Đi làm mướn, lỡ trượt té lấm lem, phải mặc nguyên đồ chà rửa rồi ra đứng hong nắng cho khô. Tối đi làm về, mệt lả, quần còn vén tới bẹn đã lăn ra ngủ, đất cát vãi đầy chiếc chiếu rách.

Hạnh phúc của má - ảnh 1
Ảnh minh họa

Má gặp ba, ba tôi cũng mồ côi. Đôi trẻ côi cút gặp nhau, tìm được thẻo đất dựng căn nhà nhỏ, má mắn đẻ, sinh liên tiếp chín đứa con. Lại có một quãng mấy năm ba tôi phải vắng nhà, một mình má, bụng mang dạ chửa, con ẵm con bồng và gánh gồng ruộng vườn, bò heo. Khổ cực trăm bề.

Má tôi làm nông, thời gian ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Cày, sạ, be bờ cuốc góc, vãi phân nhổ cỏ, cấy dặm, cắt lúa, phơi rơm… Tất tật. Việc gì của nhà nông má cũng đều làm được, làm giỏi nữa là đằng khác. Quanh năm bươn bả, gò lưng trên đồng cạn, lặn lội dưới đồng sâu, trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi sợi rơm khô trên tóc, lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt lúa, móng tay móng chân vàng khè, lưng áo luôn mướt mồ hôi, trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh, ăn miếng cơm cũng vội vàng không kịp… nhai.

Tôi được hoài thai đúng vào lúc ba vắng nhà. Má một mình vượt cạn. Má kể chuyện này duy nhất một lần, má kể vui tươi nhưng tôi nín thở lắng nghe. Sau này mỗi lần nghĩ lại đều mủi lòng muốn khóc.

Má bảo đó là một ngày thu. Mùa thu, đồng lúa đang kì gặt rộ. Tiếng lao xao lao xao từ cánh đồng trước cửa nhà, tiếng mưa rào rạt trên mái tôn. Má hết nhìn ra đồng lại đưa tay xoa bụng. Cái thai ở tháng thứ chín cứ co cẳng đạp, vừa đạp vừa oằn thấp xuống bụng dưới làm má tức ngực khó thở. Lại nghe tiếng máy đạp lúa ầm ầm, tiếng con bò cái sau chuồng nghểnh cổ õm ò gọi rơm.

Mùa đông sắp tới, má ở cữ thì bò sẽ cần rơm, rất cần. Bốn sào rơm ruộng nhà thì đâu bõ bèn gì với mấy con bò nhai rơm như máy. Vậy là dù chân bước cấn bụng nhưng má vẫn quảy gánh ra đồng, trước là coi sóc đám ruộng đang thuê người cắt, sau còn tranh thủ xin gánh rơm, thêm được nắm nào đỡ nắm nấy. Cứ hình dung cảnh một phụ nữ với đồng ruộng bò bê và mấy đứa con nhỏ nheo nhóc, bụng mang dạ chửa mà phải vượt cạn một mình mới thấy hết sự cực nhọc, tảo tần của người mẹ.

Cảnh một phụ nữ vác cái bụng thè lè ra đồng, chắc là bất nhẫn quá nên ruộng nhà được cô bác làm gọn gàng, thóc rơm đâu đó. Còn đôi gióng của má, không cần phải đi xin thì cũng có người nhét đầy rơm. Má phải bám chân trên con đường ướt mưa, nặng nề bước từng bước một để gánh rơm về. Được nửa đường thì bụng co lên từng hồi đau quặn, má bình tĩnh đặt gánh xuống đứng thở.

Bác Tám lại đưa vai vào gánh đỡ rồi lầm bầm: Sắp đẻ rồi còn ham làm, coi đẻ rớt ngoài đường bây giờ. Má cười, sắp rớt chứ chưa... Về tới nhà, má đi thẳng xuống bếp bắc ấm nước lên đun, nhờ cô Năm hàng xóm đi kêu dùm bà mụ. Má gội đầu, tắm rửa xong thì vỡ ối. Sau này má thường bảo chị em tôi, ráng học để mai mốt không phải làm nông nuôi bò, sống khổ sở, trầy trật như má.

Hồi đó nhà tôi nghèo nhưng tới bữa cơm có tới hai nồi. Biết sao không? Một nồi cơm độn của ba má. Còn nồi cơm trắng cho chị em tôi. Rau cũng có hai đĩa. Chị em tôi ăn cơm với rau muống luộc, còn ba má cũng món rau luộc nhưng là lưỡi long (một dạng xương rồng mọc ngoài hàng rào, giống bàn chải nhưng không có gai). Tới bây giờ, anh tôi vẫn cứ nhớ kỷ niệm về trái chuối chát.

Anh kể, hồi đó, tới bữa cơm, má hay cầm trái chuối chát non, ăn một miếng cơm, cắn một miếng chuối trong khi mấy anh em thì ăn cơm cá. Anh hỏi má, sao không ăn cá. Má bảo, ăn chuối chát chấm mắm ngon hơn. Anh tưởng thật chạy lại, giật trái chuối trên tay má, cắn một miếng, ôi, nó đắng chát, nhả ra không kịp. Anh nhăn mặt, thè lưỡi kể.

Hạnh phúc của má - ảnh 2
Ảnh minh họa

Còn chị Hai thì kể, năm Phú Yên hỏng đập Đồng Cam, đói khổ hành hạ nhưng chị em tôi luôn no. Rồi một hôm đi học về, chị thấy má ra sau hè khom đầu xuống gốc mía tôi mới chặt hít lấy hít để, chị chạy lại hỏi thì má bảo như thế sẽ bớt thấy đói. Thì ra má để dành cơm cho các con còn mình thì chịu đói. Má nghe anh chị kể lại chuyện cũ thì cười: “Thời đó khổ trầy trật, không vậy thì làm sao các con có ăn, có học!...”.

Vâng, nhà tôi nghèo nàn nhưng tôn chỉ của má là các con phải ráng học.

 Vậy rồi các con cũng phụ tấm lòng của má. Nhà chỉ mỗi tôi là học hành đàng hoàng nhất. Khi trở thành cô giáo, tháng lương đầu tiên tôi đưa má và bảo trích mua nồi cơm điện, bếp ga nhưng má nhất quyết không chịu, cứ quơ rác quơ rơm quanh vườn, nấu cơm mà mồ hôi rơi lã chã, nước mắt chảy ngay cứ như khóc. Hỏi má sao không lấy tiền mua nồi cơm điện, má nói mới bán thêm lúa, dồn lại sắm chỉ vàng cất rồi. Trời đất! Hết biết má luôn.

- Phải để dành, lúc bệnh đau có chỗ mà ngó chừng.

Một đồng để dành, hai đồng để dành. Hồi con cái còn nhỏ đã nhịn ăn nhịn mặc rồi, giờ tụi con đã đủ lông đủ cánh cũng còn lo. Má cứ như vậy thì khổ suốt đời đấy. Tôi “lầm bầm” như vậy, má chỉ cười.

Tôi đi dạy được hai năm, má đưa tiền và kêu mua chiếc Wave S mà đi. Tôi há hốc mồm:

- Tiền má trúng số à?

- Tiền lương của con má sắm vàng, nay vàng lên giá, má bán ra đó.

Đang đứng lớp thì hay tin má nhập viện. Má tôi xưa nay làm “lở núi lở non”, nhức đầu xổ mũi hay đau vai đau cổ cũng chỉ ở nhà uống thuốc khơi khơi chứ nhất định không chịu đi viện. Những đêm trở trời, má ngồi đấm thùm thụp, tôi kêu đi khám bệnh nhưng má cứ gạt phắt:

- Già cả nên đau nhức, bệnh vặt chứ nghiêm trọng gì mà vào viện.

Má gan thép vậy mà nhập viện thì chắc là bất khả kháng rồi. Tôi mếu máo, sấp ngửa chạy ào vô viện. Má tôi nằm đó, còm cõi, võ vàng. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm.

Ba mươi năm làm con của má nhưng giờ mới có dịp ngồi lặng lẽ ngắm má. Những nốt đồi mồi lấm tấm trên đôi má sạm đen. Đôi mắt trũng sâu và nhờ nhờ đục. Đường rẽ ngôi trên tóc má sợi đen còn đếm được trên đầu ngón tay. Má già thật rồi!

Con gái xin lỗi má! Bằng này tuổi đầu, khi đã làm mẹ của một đứa con, khi đã thức khuya dậy sớm trà nước cho bố mẹ người khác, khi đã đắng đót yêu và cúc cung tận tụy với người con trai xa lạ rồi vấp ngã thì con mới biết chỉ má là thương yêu con nhất. Tôi cầm tay nói, má nghỉ ngơi dưỡng bệnh cho mạnh khỏe, nay đừng làm gì nữa, hãy để các con có cơ hội báo hiếu thì má bảo, hiếu thảo gì, chỉ cần tụi bây bình an mạnh khỏe là má hạnh phúc rồi…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.