Hạnh phúc (II)

Chia sẻ

Chẳng có ai dạy hoa
Nở cách nào thì thắm
Thế mà họ khuyên em
Đừng yêu anh, bất hạnh

Em bướng bỉnh như trời
Nối sào không chịu thấp
Anh lầm lì như đất
Ai nói gì cứ nâu
                              Hữu Thỉnh
   (Thương lượng với thời gian,
          NXB Hội nhà văn, 2005)

Tình yêu vừa là một phép màu mà tạo hóa ban tặng công bằng cho tất cả mọi người vừa chứa đựng những vô lý, bất công. Như “mỗi cây mỗi hoa”, mỗi người đều có một cái lý để yêu, một cái cách để yêu; yêu bởi một sự dại khờ, yêu bởi một sự gan lì bướng bỉnh nào đó. Bởi lẽ thế nên “Chẳng có ai dạy hoa/Nở cách nào thì thắm”. Chữ “thắm” của nhà thơ Hữu Thỉnh chính là hạnh phúc. Có lẽ âm thầm kín đáo cũng là hạnh phúc, nồng nàn, cháy bỏng cũng là hạnh phúc. Những tưởng, chỉ cần được yêu, muốn yêu là đủ, ngỡ tình yêu sẽ mãi như cánh diều vi vút trên bầu trời thanh xuân. Nhưng không, miệng thế gian mới nghiệt ngã, mới phũ phàng làm sao:

Thế mà họ khuyên em
Đừng yêu anh, bất hạnh.

Chỉ hai dòng thơ, mươi con chữ nhưng cô đọng và sâu lắng vô cùng. Cái sắc điệu trong tiếng Việt kiểu như “thế mà”, “thế rồi”, “thế sao”… đầy tiếc nuối, tái tê. Hẳn người ta cũng nghĩ cho em, lo cho em, ngại cho em đẹp như thế, tương lai như thế mà đi yêu cái gã đấy, kẻ đấy thì “bất hạnh” lắm. Bất hạnh vì hẳn là “anh” nghèo hay lãng mạn viển vông, bất hạnh vì cái số, cái tuổi anh nó khổ, không phát đạt gì đâu…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Thế đấy, tình yêu bao giờ cũng có một giới hạn nhất định. Giới hạn ấy là khi người con trai mới bắt đầu phát ra tín hiệu, cô gái còn đang lúng túng xốn xang thì đã có người ngoài cuộc tỉnh táo khuyên “đừng yêu”, đừng dại mà yêu, không thì sau này sẽ thế này, thế kia… Chỉ bốn câu thơ đọc lên, thấy cả một phần đời của người con gái nào đó. Câu chuyện tưởng như đã khép lại ở đó, một sự tiếc nuối cho bản thân mình, giá như không có lời khuyên can, ngăn cản, em cứ thuận theo quy luật của tự nhiên, theo sự mách bảo của trái tim thì đã hạnh phúc biết bao nhiêu.

Nhưng Hữu Thỉnh còn là nhà thơ tình tinh tế và sâu sắc. Tưởng chỉ có thế, khép lại ở đấy nhưng ông vẫn có thể mở ra một khổ thơ thứ hai đầy sức gợi. Bằng cách kể tự nhiên, không triết lý trừu tượng mà sâu sắc, thấm thía:

Em bướng bỉnh như trời
Nối sào không chịu thấp
Anh lầm lì như đất
Ai nói gì cứ nâu.

Thú vị nhất có lẽ là ở câu thơ thứ hai. Có nối sào cũng không chịu thấp, nghe vô lý mà có lý. Chẳng ai đi nối được sào lên tới trời cả, nhưng mà cứ hy vọng đấy, cứ trách móc đấy thì cũng có sao? Cô gái càng kiêu kì, bướng bỉnh, dửng dưng thì lại càng khiến anh thương, anh nhớ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

“Trời” ấy cũng chưa là gì với “đất” đâu. Một anh chàng “lầm lì” đến độ kiên trì, nhẫn nại, như đất quyết không đánh mất cái mầu nâu, chất nâu của mình. Đọc đến câu thơ “Ai nói gì cứ nâu”, người đọc hình như cũng nhận ra có người khuyên anh rồi thì phải, phía bên này cũng có “quân sự quạt mo” tình ái khuyên lui quân, khuyên từ bỏ mục tiêu nhưng “thủ lĩnh” vẫn quyết chiến đến cùng. Một người thì cứ “đỏng đảnh” lúc nắng, lúc mưa, lúc sầm sì, lúc xanh cao thơ thẩn. Một người thì nhất mực lầm lì không chịu đổi thay, tức là… vẫn cứ quyết yêu bằng chính cách sống, lẽ sống của mình.

Các cụ ta thưởng nói thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, nhưng “trời” và “đất” này nghe chừng còn găng lắm, còn giằng co, bất luận là thế nào. Có điều, một người cao vời đỏng đảnh thế mới là con gái, cái gì khó, thất thường mới hấp dẫn, tò mò, mới cần thử thách. Ngược lại, một chàng trai gan lì yêu như thế cũng hấp dẫn, đáng quý lắm chứ và biết đâu, những “cây si”, những “đẹp trai không bằng chai mặt”như thế đến một lúc nào đó lại làm cô gái mềm lòng. Tình yêu và hạnh phúc luôn chứa đựng những điều vô lý, phi lý và có lý, đôi khi mang sắc thái buồn, thất vọng nhưng vẫn là một hạnh phúc bởi tình yêu luôn là vẻ đẹp của cuộc đời này…

BÙI VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.