Hạnh phúc là được sẻ chia

Bài và ảnh: MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với các nữ nhà giáo, đứng trên bục giảng là trách nhiệm và tình yêu thương. Nhưng đâu chỉ có thế, sẻ chia với cộng đồng bằng những việc làm thiện nguyện, hay giúp đỡ những học sinh nghèo, kém may mắn, cho các em thêm chút động lực để mạnh mẽ tiếp bước đến trường… cũng là hạnh phúc của những người lái đò.

Cô giáo gieo hạt mầm thiện nguyện cho học sinh

Năm học 2021-2022, cô giáo Trần Thị Minh Loan, Khối trưởng chuyên môn khối 5, trường tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm nhận giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo lần thứ 6. Là một giáo viên tiêu biểu trong ngành Giáo dục Thủ đô, chị không những có lòng say mê, chuyên môn giỏi trong sự nghiệp trồng người, mà còn hăng hái thiện nguyện, gieo những hạt mầm ấm áp ấy đến với học sinh của mình. 

Ở trường tiểu học Tràng An đã quen với việc năm nào, lớp cô Minh Loan phụ trách cũng tham gia các hoạt động từ thiện rất ý nghĩa. Không những thế, các hoạt động từ thiện diễn ra rất nhiều hình thức khác nhau đa dạng, phong phú. Khi thì học sinh trong lớp chị biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm bài hát về chủ đề Bảo vệ môi trường và quyên góp được 2,2 triệu đồng. Với số tiền đó, cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh trong lớp, các bạn nhỏ đã mua quà và có buổi biểu diễn từ thiện tại Thư viện khoa Nhi của viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Nằm trong bệnh viện lâu ngày, các bạn nhỏ rất háo hức, hân hoan xem biểu diễn. Hay như năm học 2019-2020, biết có phụ huynh trong lớp là trưởng nhóm “Nồi soup Hồng thêm giọt máu” tại chùa Trung Kính, cô Loan đã chủ động phân học sinh theo nhóm, mỗi nhóm một tuần, cứ vào trưa chủ nhật đến phụ giúp các công việc lặt vặt tại chùa như chia bánh mì, nhặt rau, rửa rau, phát phiếu để nhận cháo… cho các bệnh nhân. Lần đầu tiên trực tiếp tham gia công việc từ thiện, cô Loan chia sẻ, nhiều bạn học sinh đã rơi nước mắt vì những hoàn cảnh khó khăn và đáng thương tại bệnh viện.

Hạnh phúc là được sẻ chia - ảnh 1
Cô giáo Loan (thứ 4 từ phải sang) cùng các em học sinh lớp 5C trong hoạt động Tết Nhân Ái của trường Tiểu học Tràng An

Cô Loan nhớ mãi chuyến đi cùng học sinh và phụ huynh đến từ thiện tại ngôi chùa cổ Thiên Hương ở Hưng Yên, nơi sư trụ trì Thích Nguyên Bình đã cưu mang, nuôi dưỡng hơn 60 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi. Để chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện, chị cùng các em học sinh trong lớp đã rất tích cực và dành dụm được một số tiền không nhỏ gây quỹ từ thiện. Từ một tháng trước, các bạn khẩn trương tập luyện văn nghệ chuẩn bị cho buổi biểu diễn từ thiện. Đồ chơi, quần áo, sách truyện... cũng được các bạn thu gom, sắp xếp gọn gàng. “Và điều đặc biệt hơn cả là các em đã tự học cách chăm sóc em nhỏ trước khi tham gia chuyến thiện nguyện. Buổi lễ trao quà từ thiện được diễn ra trong sự trân trọng và ấm áp tình người”, cô Loan chia sẻ. Lớp 5C do cô giáo Loan phụ trách đã quyên góp và ủng hộ nhà chùa số tiền 23 triệu đồng và nhiều phần quà khác như sữa, gạo, mì tôm, bánh kẹo, đồ chơi, quần áo.... “Bữa cơm chay tại chùa cùng với sư thầy trụ trì chùa và các bạn nhỏ thật ấm áp. Có lẽ đáng nhớ nhất với các học sinh của tôi là được nghe sư thầy trụ trì giảng đạo, dạy em phải biết hiếu nghĩa với bố mẹ, ông bà, biết đùm bọc, yêu thương hỗ trợ lẫn nhau”.

Những liều vitamin ấm áp

Hà Nội hiện có trên 126.000 giáo viên, họ đang từng ngày, từng giờ cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người” cao quý để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Không chỉ vậy, trước những thách thức của thời đại, nghề giáo đứng giữa nhiều gian nan khiến mỗi giáo viên cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đứng vững với nghề nghiệp, đam mê của mình. Và cũng chính qua những thách thức ấy, nhiều nhà giáo đã sáng tạo, thay đổi tư duy dạy học tràn đầy sự yêu thương và sẻ chia. Có thể kể đến cô giáo Hoàng Thị Xuân, giáo viên môn Toán trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), không chỉ nổi tiếng là cô giáo dạy giỏi, truyền cảm hứng, cô còn góp phần “chữa lành” thương tổn về tâm lý ở giai đoạn “khủng hoảng” tuổi dậy thì cho nhiều học sinh.

Hạnh phúc là được sẻ chia - ảnh 2
“Má Xuân” là cách gọi thân thương mà học sinh thường dùng để gọi cô Hoàng Thị Xuân

Từ chỗ bị trầm cảm nặng, chán học, sợ học, có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, nhiều em đã trở lại cuộc sống bình thường, tìm thấy niềm say mê, hứng thú học tập và đạt những thành tích cao. 33 năm gắn bó với nghề, cô Xuân luôn đồng hành cùng học trò trong các hoạt động thiện nguyện. Mỗi khi trực tiếp tới thăm hỏi, gặp gỡ, sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn trong các trại trẻ mồ côi, các bệnh viện… trở về, học trò lại chủ động tiết kiệm, làm kế hoạch nhỏ để dành dụm tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn… Cô còn là người sáng lập quỹ “Cầu Giấy yêu thương” để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn ngay tại cơ quan. Hay như cô giáo Trần Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng trường THCS Cổ Loa (huyện Đông Anh) đã có ý tưởng thực hiện dự án “Đồng hành cùng con trưởng thành”. Dự án chính là cầu nối giữa cha mẹ học sinh với học sinh; giữa cha mẹ học sinh với nhà trường; giữa các em học sinh với thầy cô giáo; giữa các em học sinh với nhau… giải quyết những khó khăn, khúc mắc trong mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ trong học tập, mối quan hệ thầy cô, bạn bè, giúp các em giải toả tâm lý, xây dựng tinh thần lạc quan. Cô Phạm Thị Hồng Hạ (giáo viên môn Hóa học, trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Đan Phượng) lại giúp học sinh của mình kiểm soát được cảm xúc của bản thân bằng “cây cảm xúc”.

Trên cây đính với nhiều tờ giấy ghi trạng thái cảm xúc khác khau, các thẻ cảm xúc hay tận dụng các cốc giấy vẽ các trạng thái cảm xúc. Các con sẽ xoay cốc giấy đến trạng thái cảm xúc tương ứng với cảm xúc của mình sau đó ghi cảm xúc của mình ra giấy (tên cảm xúc, nguyên nhân của cảm xúc, con sẽ làm gì để giảm bớt cảm xúc tiêu cực hiện tại, con có cần thây cô, bạn bè, bố mẹ hỗ trợ gì không...) từ đó sẽ giúp các con giải toả cảm xúc và giúp GV nắm được cảm xúc của các con để lựa chọn cách giải quyết phù hợp và kịp thời. Ngoài ra các con được thực hành rèn luyện làm chủ cảm xúc của mình qua việc viết nhật ký cảm xúc hàng ngày, thiền quan sát hơi thở, đổ não ra giấy giúp các con chuyển từ cảm xúc tiêu cực về trạng thái cân bằng. 

Tấm gương tâm huyết, sáng tạo của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường là những bằng chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề, sự sáng tạo lớn lao trên cương vị công tác của mỗi nhà giáo Hà Nội hôm nay. Đó cũng là sự kết tinh của lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy cô năng động, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại để tạo ra những việc làm ngày một sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, khoa học hơn từ chính những việc mà bản thân và đồng nghiệp đã làm.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.