Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

Lâm Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia.

Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia. 

Nhưng, khái niệm hạnh phúc không phải là một đáp án duy nhất, một giá trị bất biến mà nó phụ thuộc vào sự nhận thức, cảm nhận và hành động của bản thân mỗi người. Đặc biệt là hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân. Nhà thơ Heinrich Heine từng định nghĩa bằng thơ:

Hạnh phúc là cô gái lẳng lơ
Chẳng bao giờ ở yên một chỗ
Nàng vuốt ve vầng trán anh tóc xõa
Hôn vội vàng rồi vụt biến đi xa

(Hạnh phúc là cô gái lẳng lơ - Thơ trữ tình Heirich Heine (song ngữ Đức-Việt), NXB Thời đại, 2009)

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, hạnh phúc vẫn có những cái lý riêng. Tôi còn nhớ khi xưa đọc một truyện ngắn viết về cuộc sống gia đình trong chiến tranh. Có một đôi vợ chồng nọ cưới nhau chưa lâu đã phải xa nhau vì người chồng ra mặt trận. Trong lần anh được về phép, sau đêm đoàn tụ, sáng ấy người vợ thức dậy vừa quét sân vừa liếc nhìn chồng với đôi mắt mà nhà văn đã miêu tả là: “Ngời lên hạnh phúc”. Hai chữ “ngời lên” ấy đủ nói lên sự gần gũi về thân thể của đôi vợ chồng trẻ. Quả thật, tình yêu nào cũng cần “gia vị” của sự hòa hợp gần gũi, sự thỏa mãn những khát khao nhưng liệu có thể đánh đồng sự hưng phấn hòa hợp về thể xác với sự sự lớn lao của tình yêu? Điều này từng là đề tài nóng mà văn học đổi mới và cuối cùng người ta kết luận rằng: Tình yêu nếu không có “chuyện ấy”, không thể hiện màu sắc “bản năng” thì chỉ là thứ đạo đức giả hay giáo điều nhạt toẹt…

Chị Hà là bạn thân của chị gái tôi từ tấm bé. Chị Hà thân hình căng tròn, da trắng, tóc dài, môi đỏ và đặc biệt là đôi mắt mà sau này lớn lên tôi mới hiểu là rất… rực lửa. Tuy có nhan sắc nhưng chị là người chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ. Tôi còn nhớ lúc chị đã tốt nghiệp đại học và đi dạy học ở gần nhà nhưng chị vẫn tranh thủ đi cấy thuê để thêm thu nhập. Thấy chị xắn quần lội bùn, gập lưng, mấy bà, mấy chị tấm tắc khen: “Cô giáo Hà cấy giỏi lắm, đúng là đẹp người đẹp nết”. Trong khi ấy, mấy ông đàn ông thì đứng trên bờ mà than rằng: “Đẹp như thế mà dầm mưa dãi nắng, có “phí” không?”.
Bẵng đi nhiều năm, tôi bôn ba khắp nơi cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19 đành về quê giãn cách xã hội. Lúc này, tôi mới nhớ ra và hỏi mẹ tôi xem chị Hà giờ sống thế nào? Mẹ tôi không nói gì, nhưng chị dâu tôi kể chị Hà thì hạnh phúc lắm. Lấy anh chồng “khỏe mạnh”, người chị ấy cứ phây phây ra, nhà cao, cửa rộng... 

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi nghĩ nếu như vậy cũng mừng cho chị vì bố chị mất từ sớm, mẹ chị một mình nuôi ba đứa con ăn học, dựng vợ gả chồng. Nhưng thật bất ngờ, cái “kết đẹp” mà tôi hình dung đó lại tan vỡ vào một ngày tôi biết tin chị Hà có bồ. Anh Lâm, chồng chị như một con thú bị thương lồng lộn cầm dao lùng khắp thị trấn để tìm kẻ thông dâm với vợ nhưng bất thành. Chị Hà mang cái mặt đầy vết thâm tím lên Phòng Giáo dục huyện để xin nghỉ dạy. Người ta đưa ra rất nhiều cách giải thích lý do chị ngoại tình. Người bảo vì anh Lâm nhìn vậy nhưng “yếu” khoản kia; người bảo chị Hà sướng quá rửng mỡ, thèm của lạ. Người khác lại tặc lưỡi “học thói ăn vụng ngoài thành phố ấy mà”. Nhưng chị dâu tôi thì lại kể một sự thật khác: “Họ không phải vì tình dục đâu!”. Tôi ngạc nhiên: “Cặp với nhau mà không “làm ăn” gì thì có mà điên”. Chị bảo: “Chú không biết rồi, họ yêu nhau thật sự đấy, chính tôi biết chuyện này lâu rồi. Đàn bà chúng tôi cần nhiều thứ hơn là việc thỏa mãn chăn gối như nhà văn các chú hay viết hoặc người đời tưởng tượng”.

Tôi lặng người sau câu nói đấy, chẳng lẽ vẫn có những điều mà số đông không rõ, ý kiến của đa số vẫn chưa phải là đáp án chính xác chăng? Sau này, tôi gặp Hạnh, đứa bạn thân đang làm bác sĩ tư vấn tâm lý thì được kể rằng chị Hà từng đến gặp nó để tư vấn về chứng lãnh cảm với đàn ông sau hôn nhân. Thời gian sau, Hạnh không còn thấy chị Hà đến gặp mình nữa và từng bắt gặp chị với một người đàn ông khá hiền lành, lịch lãm  trong quán cà phê. Có thể, đó là người đã đem đến cho chị Hà một hạnh phúc thật sự từ sự chân thành, tin tưởng và không đòi hỏi về tình dục. Một hạnh phúc đem lại niềm tin cho người đàn bà trung niên…

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Câu chuyện về chị Hà có nhiều điều đáng suy ngẫm. Sau này chị đã tìm được một công việc khác và nuôi các con ăn học. Anh Lâm hình như cũng xây dựng cho mình một tổ ấm mới. Điều đáng tiếc là họ đã chia tay bằng một cách khá căng thẳng nhưng đó cũng là quy luật tất yếu để tìm ra câu trả lời cho hạnh phúc của cuộc đời mình. Tôi nghĩ rằng, đây đó vẫn có những câu chuyện như thế nhưng được giấu kín, còn được che lấp bởi nhiều lý do khác nhau. 

Trong hôn nhân, nên nhớ rằng, chưa chắc có được người bạn đời gợi cảm, được thỏa mãn về thể xác và sở hữu những lời ca tụng của mọi người xung quanh là bạn đã hạnh phúc. Hạnh phúc luôn có một cái lý riêng, đó là sự hòa hợp tự nhiên, sự chân thành, tha thiết, sống vì nhau và tự nguyện. Hạnh phúc không phải một món hời, không phải là sự sở hữu mà là sự quan tâm, chăm sóc, là sự hy sinh vì nhau và nhận lại yêu thương. 

Có lẽ, khi làm được điều đó thì ngày nào với mỗi chúng ta cũng là một ngày hạnh phúc. Đó là món quà do chính chúng ta tạo ra chứ không phải từ trên trời rơi xuống. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.