Hạnh phúc nơi cuối con đường

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau những ngày khó khăn, vất vả, cuối cùng, họ đã tìm thấy hạnh phúc, niềm vui ở cuối con đường dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng. Một tương lai tươi mới bình an đang mở ra, cùng với biết bao dự định...

Cây xương rồng mạnh mẽ trước bão giông

Hết lớp 7, chị M đã nghỉ học, muốn đi làm phụ giúp gia đình. Rời quê hương, chị lên thành phố làm việc, từ giúp việc gia đình đến công nhân cho công ty, nhưng do sức khoẻ kém, lại nhớ nhà, nên chỉ làm thời gian ngắn rồi lại tìm việc khác.

Lần ấy, chị M gặp một phụ nữ là người quen của bạn chị. Bà ấy nói muốn có nhiều tiền thì vào làm việc ở quán karaoke “bia ôm”. Nhìn cảnh phải chuốc bia rượu, để cho khách sàm sỡ, chị từ chối. Bà kia lại bảo: Muốn nhàn nữa thì sang Trung Quốc lấy chồng. “Tôi thấy cảnh lao động cực khổ quá mà tiền không kiếm được bao nhiêu nên đồng ý. Tôi ở nhà bà ấy thuê, uống cà phê bà ấy mời, dùng ví bà ấy mua, vui vẻ chờ làm dâu xứ người. Bà ấy đưa tôi lên cửa khẩu ở phía Bắc, sang tỉnh Hà Nam, Trung Quốc rồi ở trong một gia đình, đợi ngày “chọn chồng”. Sau dăm ba mối không hài lòng, tôi gật đầu đồng ý một người đàn ông 33 tuổi khi chưa từng tìm hiểu, gặp gỡ, làm quen, yêu đương…” - chị M kể.

Làm dâu xứ người, chị M sống cuộc đời của một cô dâu bị gả bán, không khác cảnh tù đày là mấy. Chị có cơm ăn, áo mặc nhưng không được ra khỏi phạm vi nhà chồng cho phép, không được dùng điện thoại để liên lạc với người nhà. Sau 4 năm làm dâu, sinh cho chồng 2 đứa con, chị mới được chồng cho một cái sim điện thoại để liên hệ, gọi điện về cho mẹ dưới sự kiểm soát của chồng và gia đình chồng.

Lần đầu nghe tiếng mẹ, chị M khóc nức nở. “Mấy năm xa gia đình, xa quê hương, đêm nào tôi cũng nghĩ, nếu ngày ấy mình hiểu biết hơn, có lẽ giờ này vẫn còn là cô gái độc thân bận rộn kiếm tiền nhưng cuộc sống tự do, nhẹ nhõm, đâu đến mức nhớ nhà nhưng không được về, đi đến đâu, làm gì cũng bị đề phòng, bị canh giữ ngày đêm như thế này” - chị M tâm sự.

Hạnh phúc nơi cuối con đường - ảnh 1
Ảnh minh họa

Được sự hỗ trợ của gia đình, Hội Phụ nữ, Tổ chức Rồng xanh, chị M cùng hai con được giải cứu về Việt Nam. Tại Việt Nam, chị M được hỗ trợ nơi ăn ở, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn việc làm. Chị được làm chứng minh thư hợp pháp, các con chị được khai sinh và đi học mầm non. Sau thời gian tạm trú, chị được về nhà, đi làm công nhân ở một nhà máy. Cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng chị được tự do, được chăm sóc các con. Chị M cho biết, chị sẽ cố gắng để các con được học hành đến nơi đến chốn. Chị mong muốn sẽ tích góp đủ tiền để tiếp tục làm nghề mà mình yêu thích, là mở một tiệm spa làm đẹp cho mọi người, đón mẹ ruột và các con lên thành phố để sống cùng, tiện chăm sóc lẫn nhau. “Cuộc sống hiện tại còn vất vả nhưng tôi tin chỉ cần cố gắng thì cũng sẽ đến ngày có thể tự do làm việc mình yêu thích, được ở bên người mình yêu thương và yêu thương mình” - chị M tin tưởng.

Chị N, một nạn nhân bị bạo lực gia đình cũng đã vượt qua bao khó khăn, để tìm thấy “khoảng sáng” của đời mình. Chị kể, sau khi lấy chồng, chị bị chồng bạo hành như cơm bữa. Không chỉ là những trận đòn roi vô cớ, phải nhập viện vì chồng đánh gãy tay, dập phổi; chị còn phải gồng gánh kinh tế của cả gia đình, bị kiểm soát trong tất cả các mối quan hệ; bị bạo lực tình dục… Khi đề nghị ly hôn, chồng chị còn khiến mọi người cho rằng, chị “chuyện bé xé ra to”, vợ chồng cãi nhau mấy câu thì giận dỗi bỏ nhà đi. Cho đến khi chị biết đến Ngôi nhà Bình yên… Ở đây, chị tìm được bình yên. Các cán bộ hỗ trợ chị về sức khoẻ, tâm lý, pháp lý.

Chị N cho biết, giờ đây, chị và các con đã có cuộc sống mới. Đón chào năm mới, chị hiện tại đã có công việc ổn định, cuộc sống không còn sợ hãi, đòn roi. Chị chỉ mong con gái sẽ có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm. Đồng thời, chị cũng mong mỗi phụ nữ khi gặp người chồng vũ phu, hãy biết cách để tự cứu mình, tìm đến chính quyền đoàn thể và những địa chỉ có thể hỗ trợ mình…

Và những ước vọng cho năm mới

Jess, một người chuyển giới từ nam sang nữ kể: “Mẹ tôi buồn lắm bởi mẹ sợ những lời lẽ điều tiếng đến từ xã hội ngoài kia dành cho tôi hay chỉ đơn giản là thương con vì mẹ thấy tôi đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa. Mặc dù có sự chấp nhận một phần nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là người có lỗi với gia đình và điều này càng thôi thúc tôi cố gắng hơn mỗi ngày để không làm mọi người thất vọng”.

Jess cho biết, khi tròn 18 tuổi, cô đã có một cuộc nói chuyện với mẹ. Dù trước đó đã phần nào biết con là người chuyển giới qua những bộc lộ khá rõ ràng trước đó, nhưng mẹ vẫn rất buồn. Trong suốt thời gian khám phá bản thân, cũng như để có thể can thiệp y tế, Jess nhớ như in vào một buổi học trên lớp, cô đã đánh son đi học chỉ vì nghĩ đơn giản rằng, ai cũng có quyền được làm đẹp, ai cũng có quyền được lựa chọn phong cách cá nhân của chính bản thân mình. Thế nhưng, việc một “chàng trai” đánh son đã nhận được nhiều chỉ trích từ cô giáo và bạn bè. Họ cho rằng đó là sự lố bịch, muốn tạo sự chú ý. Tệ hơn, họ còn sử dụng ngôn từ tiêu cực như “bê đê”, “trai cong” khi nói về cô.

“Lúc đó, mình rất chạnh lòng, chỉ muốn khóc to, oán trách cuộc đời sao bất công thế” – Jess kể.

Hạnh phúc nơi cuối con đường - ảnh 2
Ảnh minh họa

Jess trải qua 5 lần phẫu thuật đã chuyển đổi giới tính thành công, có được thân hình giới nữ xinh đẹp. Thế nhưng, về nước, cầm trên tay tờ giấy xác nhận của bệnh viện đã chuyển giới thành công đến cơ quan chức năng yêu cầu được chuyển đổi giới tính, nhưng đều bị từ chối. Thậm chí, cô muốn đổi tên sang nữ để phù hợp với ngoại hình cũng rất khó khăn.

Jess mong muốn năm 2024, cô và những người chuyển giới sẽ được thay đổi giới tính trên giấy tờ. Cô mong pháp luật sớm có thể tạo cơ hội cho những bạn chuyển giới được sống đúng với con người bản thân mong muốn. Ngoài ra, đối với dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, cô cũng mong rằng chỉ cần bạn có bản dạng giới khác với giới tính sinh học thì đều được coi là người chuyển giới, dẫu cho người đó chưa có điều kiện can thiệp y tế.

“Tôi đã vượt qua những rào cản và định kiến đến từ xã hội, tôi cũng mong câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng tới những bạn trẻ ngoài kia, không chỉ là những bạn chưa hiểu hay đã hiểu về cộng đồng của chúng ta mà cả chính những ai chưa dám nói ra tiếng nói cho bản thân mình. Cùng chung tay cống hiến và đóng góp để đem đến một tương lai tốt đẹp hơn dành cho những người chuyển giới” – Jess chia sẻ.

T.N.A, một người chuyển giới ở Hà Nội cho biết, được sống đúng với giới tính của bản thân luôn là khát khao của mỗi người. Thực tế, nhiều người vì khao khát được sống đúng với giới tính thật của bản thân đã qua nước ngoài để thực hiện phẫu thuật chuyển giới “chui”, số khác thì đến các cơ sở thẩm mỹ trong nước thực hiện phẫu thuật chuyển đổi một số bộ phận trên cơ thể. Mặc dù người chuyển giới được các bệnh viện nước ngoài xác nhận đã chuyển giới thành công nhưng khi về lại Việt Nam thì việc thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân lại không thực hiện được hoặc việc thay đổi họ tên phù hợp với bề ngoài cũng còn rất “gian nan”.

Bên cạnh đó, người chuyển giới còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Hầu hết các dịch vụ dành cho người chuyển giới hiện chưa được pháp luật cho phép, khiến cho việc đánh giá chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ này rất khó khăn. Hiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một vài trung tâm tư vấn hiện cung cấp dịch vụ dành cho khách hàng là người chuyển giới; tuy nhiên, chi phí cho các dịch vụ này thường rất cao. Hầu hết những người đã phẫu thuật cho biết họ gặp vấn đề với giấy tờ tuỳ thân do ngoại hình trở nên khác biệt so với hình ảnh trong các giấy tờ này…

10 năm qua, những chiến dịch xã hội về quyền LGBTI+ (người đồng tính, song tính, chuyển giới…) từ các tổ chức xã hội đã đóng góp một phần nhiệt huyết và công sức không nhỏ. Chiến dịch Tôi đồng ý đã nỗ lực lan toả những kiến thức đúng đắn về cộng đồng LGBTI+, khơi dậy các thảo luận xã hội và hoạt động xung quanh các vấn đề liên quan đến quyền của cộng đồng LGBT+.

Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhưng đã có những tín hiệu vui mà cộng đồng LGBTI + có thể hy vọng trong năm mới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.