Hành trình chinh phục giải marathon của nữ vận động viên một chân

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nữ vận động viên Jacky Hunt-Broersma đã xác lập kỷ lục mới khi hoàn thành đường chạy marathon 42,195km trong 104 ngày liên tiếp chỉ với một chân.

Từng xấu hổ vì bản thân

Jacky Hunt-Broersma không bị khuyết tật bẩm sinh. Cô sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, từng sống ở Anh và Hà Lan trước khi chuyển tới Hoa Kỳ. Cuộc sống cứ thế trôi cho đến ngày Jacky nhận tin bản thân bị ung thư. Căn bệnh quái ác đã khiến cô từ một người phụ nữ bình thường trở thành người khuyết tật do phải cắt một chân trong quá trình điều trị. Cú sốc lớn xảy ra khi Jacky mới chỉ 26 tuổi. Cô luôn cảm thấy bản thân “dị biệt”, dần khép mình và trở nên tự ti. “Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân và không muốn trở thành người chỉ có một chân. Điều luôn khiến tôi lo sợ đó là mọi người sẽ nhìn tôi với ánh mắt chế nhạo hoặc thương hại”, cô nói.

Chạy để là chính mình

Kể từ khi phẫu thuật cắt bỏ chân, Jacky thường nhận được những lời can ngăn từ người xung quanh, rằng cô không thể làm được việc này hay việc khác chỉ bởi khả năng bị hạn chế. Không nản chí trước những sự tiêu cực cùng khát khao được chạy trên chính đôi chân của mình, Jacky đã tìm hiểu và yêu cầu được gắn một chiếc chân giả. “Cảm giác như tôi đang được bay lượn, hoàn toàn tự do. Đó là điều mà trước đây tôi luôn nghĩ mình không thể làm được”, cô bày tỏ.

Nhằm thực hiện ước mơ, Jacky bắt đầu tập luyện chạy bộ. Việc luyện tập đối với người bình thường đã khó chứ chưa nói tới cô còn có một chiếc chân giả. Nữ vận động viên lo lắng chân giả không thể chịu đựng được cường độ tập luyện cao và những chấn thương trong quá trình hoạt động. Chưa hết, cô còn gặp khó khăn khi không có động lực để ra khỏi nhà tập luyện mỗi ngày mà chỉ dành hầu hết thời gian trên máy chạy trong nhà. Nữ vận động viên chia sẻ: “Tâm trí tôi quá mệt mỏi để tiếp tục nhưng tôi đã đấu tranh với cảm xúc này và tự nhủ rằng mình vẫn làm được, mình có thể tiếp tục kiên trì và sẽ thành công nếu vượt qua suy nghĩ đó”. “Tôi không muốn đạt mốc đề ra mà bị ai đó nói rằng điều tôi làm không đạt tiêu chuẩn. Đó là sự xúc phạm đối với tôi. Tôi sẽ trở lại theo đuổi mục tiêu”, cô chia sẻ.

Hành trình chinh phục giải marathon của nữ vận động viên một chân - ảnh 1
Jacky Hunt-Broersma chụp ảnh lưu niệm sau khi hoàn thành chặng đầu tiên trong hành trình thử thách hơn 100 ngày chạy marathon liên tiếp Ảnh: Accuweather.com

Những nỗ lực cùng sự kiên trì của nữ vận động viên đã đơm hoa kết trái khi sức chạy bền của cô ngày càng tiến bộ. Jacky bắt đầu chinh phục các đường đua ở cự ly 5km, sau đó chuyển sang chạy siêu việt dã. Cô đã đạt được một số thành tựu nổi bật như trở thành người khuyết tật đầu tiên tham gia cuộc đua đường trường TransRockies Mountain Stage Race nổi tiếng ở bang Colorado (Hoa Kỳ) năm 2019 hay đoạt danh hiệu người khuyết tật đầu tiên chạy hơn 160km trên máy chạy bộ trong suốt 23 giờ 38 phút. Kỳ tích thực sự đến với Jacky Hunt-Broersma khi cô được ghi danh tham dự giải chạy Boston Marathon. Nhờ kiên trì bền bỉ, Jacky đã hoàn thành tổng quãng đường 42,195km trong 104 ngày liên tiếp. Kỷ lục của cô đã xô đổ hoàn toàn kỷ lục chạy marathon liên tục trong 95 ngày trước đó của người đồng hương Alyssa Clark (xác lập năm 2020).

Hành trình kiên trì và nỗ lực vượt bậc của Jacky đã truyền cảm hứng tới nhiều người, trong đó có các phụ nữ khuyết tật và những thành tích của cô đã được Hội đồng Guinness Thế giới quan tâm và đang trong quá trình đợi kết quả sau khi gửi các hình ảnh chứng minh hành trình.

Không dừng lại ở đó, Jacky tiếp tục chuẩn bị cho cuộc thi Leadville 100 tại Colorado diễn ra vào tháng 8 (đây là giải chạy kéo dài hơn 160km, còn được biết đến với cái tên “Giải chạy giữa bầu trời”), và cuộc đua gần 390km xuyên địa hình sa mạc, đất đá và núi cao tại Utah vào tháng 10.

Bên cạnh việc là vận động viên khuyết tật xuất sắc, Jacky còn âm thầm kêu gọi gây quỹ từ thiện với giá trị gần 200.000 USD nhằm giúp cung cấp chân giả cho những người khuyết tật khác, con số này đã vượt xa mức dự định ban đầu. Trong một bài phỏng vấn, Jacky khẳng định: “Tôi từng nghĩ vận động viên chạy là những người mất trí, nhưng dần dần việc này trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.