Hành trình đi tìm hạnh phúc

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Con đường phải đi của những cặp vợ chồng hiếm muộn chưa bao giờ là bằng phẳng. Nhưng hạnh phúc không phải mãi mãi không mỉm cười nếu như họ được yêu thương, cảm thông, sẻ chia thay vì gièm pha, kỳ thị.

Hành trình 14 năm tìm con đầy nghị lực

Anh Hoàng Triệu Hóa (1982), hiện là giáo viên cấp 2 trường PTDT Bán trú THCS Thài Phìn Tủng (xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Chị Vũ Thanh Miền (1983) cũng là giáo viên tại trường mầm non Liên Cơ - (thị trấn Đồng Văn, Hà Giang) nhưng chị đã nghỉ từ tháng 6 năm 2021 (nghỉ không lương), theo kế hoạch sau khi hết nghỉ thai sản, đến tháng 9 năm 2022 thì sẽ đi làm lại).

Chị Miền quen anh Hóa trong một lần đi công tác xuống Đồng Văn. Thấy anh là giáo viên cấp II, cùng nghề với mình lại hiền lành chất phác nên chị cảm mến rồi nên duyên vợ chồng. Khi ấy anh chị vẫn trẻ tuổi nên 2 năm đầu sau kết hôn, dù chưa có con nhưng cả hai không nghĩ ngợi quá nhiều. Đến khi mang thai, bị sảy, đi khám rồi được bác sĩ cho biết cơ địa khó đậu thai lại, nguyên nhân chủ yếu do mình, trong khi cơ thể “bệnh chồng bệnh”… chị Miền vừa đau đớn vừa tuyệt vọng.

Hành trình đi tìm hạnh phúc - ảnh 1
Hạnh phúc của đại gia đình vợ chồng chị Miền, anh Hóa bên 2 cô công chúa đáng yêu Ảnh: NVCC

May mắn là anh Hóa chồng chị rất tâm lý, yêu thương vợ. Khi biết tin vợ khó có con, thay vì thể hiện sự thất vọng, chán chường, anh ôm vợ vào lòng vừa vỗ về, an ủi, vừa động viên chị hãy lạc quan, nghị lực vì đây chỉ là điểm đầu của hành trình mà cả hai sắp phải vượt qua. Chị Miền kể: “Có lần anh đi ăn cơm ở nhà bạn, bị họ kích bác “Mày là con trai 1, vợ như thế thì bỏ đi mà lấy vợ khác, tại nó chứ tại mày đâu”. Nhưng anh đáp: “Bọn mày có bỏ được vợ bọn mày không? Vợ chồng với nhau chứ có phải cái áo đâu”. Chị cũng đã 2 lần lên tòa xin đơn về bảo anh ký nhưng anh toàn xé đi. Anh động viên tôi tiếp tục cố gắng nếu không mang thai được thì xin con nuôi”. Chị cũng được cả gia đình chồng yêu thương, đùm bọc. Chính tấm lòng đáng quý, sự tử tế và chân thành của các thành viên trong gia đình chồng dù tạo ra không ít “áp lực” nhưng cũng giúp chị Miền có thêm sức mạnh để “chiến đấu” trên hành trình “tìm con”.

Suốt 14 năm ròng, vợ chồng chị không hề ngại khó, ngại khổ vào Nam ra Bắc để tìm thầy, tìm thuốc chạy chữa. Không biết bao lần vợ chồng chị vượt chặng đường hơn 500km xuống Hà Nội để điều trị. Nhiều lần thụ tinh ống nghiệm được lại hỏng, anh chị vẫn không nguôi hy vọng. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với vợ chồng chị khi năm 2020, khi mà chỉ còn 2 phôi, lúc mọi hy vọng “như ngàn cân treo sợi tóc” thì hạnh phúc lại đơm hoa, phép màu kỳ diệu đã tới. Khoảnh khắc 2 con gái cất tiếng khóc chào đời với vợ chồng chị Miền, anh Hóa là giây phút vỡ òa hạnh phúc, không thể dùng lời để biểu đạt. Sau bao thăng trầm, đến nay, ngôi nhà của anh chị đã rộn rã tiếng cười, bừng sáng ngập tràn niềm vui. Đến cả các bác hàng xóm cũng bận rộn ra vào hỏi thăm tíu tít. Hai bé Hoàng Bảo Ngọc và Hoàng Bảo Anh ra đời là món quà xứng đáng dành cho nỗ lực không mệt mỏi không chỉ của chị Miền, anh Hóa mà còn là những người thân, các bác sĩ đã sát cánh trong hành trình tìm con gian nan của đôi vợ chồng.

Hành trình đi tìm hạnh phúc - ảnh 2
Cô giáo Phạm Thị Bích và con gái 14 tháng tuổi sau 13 năm chạy chữa Ảnh: L.P

Gia đình - điểm tựa trên hành trình “vượt khó tìm con”

Chị Phạm Thị Bích và anh Nguyễn Quốc Hưng (Lai Châu) quyết định gắn bó với nhau bằng một lễ cưới hạnh phúc sau nhiều năm yêu thương, tìm hiểu. Cứ ngỡ hạnh phúc cứ thế đơm hoa, kết trái. Nào ngờ gian nan vội đến khi hai vợ chồng mong mãi mà chưa có “tin vui”. Đi thăm khám, bác sĩ nói sức khỏe vợ chồng bình thường, chỉ chồng chị gặp chút vấn đề nhỏ là tinh trùng yếu và ít nhưng có thể cải thiện.

Vậy mà đằng đẵng 10 năm trời đi qua, ngôi nhà nhỏ của anh chị vẫn vắng tiếng cười trẻ thơ. Chị Bích tâm sự chị là giáo viên, chồng cũng là nhân viên nhà nước nên thu nhập không dư giả. Làm được bao nhiêu tiền là anh chị đều đổ vào đi “tìm con”. Hễ ai nói ở đâu có thầy thuốc chữa vô sinh hiếm muộn, hai vợ chồng cũng xin nghỉ làm để đi cắt thuốc. Thuốc Nam, thuốc Bắc uống nhiều tới mức bã đắp thành núi trong vườn. Rồi cảm tưởng người bị ám mùi thuốc, đi tới đâu cũng thấy mùi thuốc.

Sống trong tình cảnh vợ chồng hiếm muộn, chị Bích phải chịu không ít áp lực, phải nghe không ít những lời nói cay nghiệt của người ngoài. Họ nói chị là “cau điếc, gà không biết đẻ trứng”… Những lúc như vậy, chị chỉ biết vờ như điếc, chỉ biết cười trừ nuốt nước mắt vào trong. Đã có lúc gian nan quá, chị Bích cũng chùn bước, rồi chợt nghĩ hay là nói với chồng “giải thoát” cho nhau. Nhưng mỗi lần nghĩ tới chuyện 2 vợ chồng sẽ phải bỏ nhau vì không có con, rồi nghĩ đến sự yêu thương, động viên của chồng, chị Bích lại bật khóc, nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa. 

Hành trình đi tìm hạnh phúc - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cuối năm 2019, anh chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Song ở độ tuổi ngoài 40, dự trữ buồng trứng của chị còn rất ít. Chị phải chọc trứng 2 lần liên tiếp mới dồn đủ trứng để tạo phôi. Kết quả cũng chỉ một phôi đậu và may mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng này sau một quãng thời gian rất dài. Và trong niềm vui vô bờ bến ấy, chị Bích vẫn nói rằng: “Dù mệt mỏi, kiệt quệ nhưng nhờ sự yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu của hai bên gia đình… anh chị đã có động lực để tiếp tục vững bước trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm niềm vui được làm mẹ, làm cha”.

Đó cũng là điểm chung trong câu chuyện của vợ chồng anh Lê Duy Hải (sinh năm 1982) và chị Đặng Thị Thùy Trang (sinh năm 1986), ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Anh Hải là con trưởng. Chị Trang bị hẹp vòi trứng nên rất khó có con. Gia đình mong ngóng có con song chưa bao giờ gây áp lực lên vợ chồng anh Hải. Đó là động lực tiếp thêm sức mạnh để anh và vợ chiến đấu suốt 9 năm trời, chạy chữa khắp các bệnh viện ngoài Bắc. Để rồi từ sự yêu thương ấy, mái ấm của vợ chồng anh Hải, chị Trang nay đầy ắp tiếng bi bô, nói cười của cặp đôi song sinh một trai, một gái.

Anh Hải chia sẻ: Con đường bệnh nhân hiếm muộn phải đi chưa bao giờ là bằng phẳng, chỉ là nhiều hay ít gập ghềnh, trắc trở mà thôi. Điều trị thế nào, thời gian bao lâu, chi phí và những rủi ro, nguy cơ có thể gặp và muôn vàn điều khác nữa có thể khiến họ tuyệt vọng. Nhưng trong khó khăn, chỉ cần có sự ủng hộ, yêu thương của gia đình; chỉ cần bạn nhớ là hai vợ chồng đã yêu nhau thế nào, quyết định kết hôn để chia sẻ buồn vui cuộc sống ra sao, từng nguyện ước với nhau điều gì… thì sẽ có thêm động lực để vững bước. Nếu cưới nhau chỉ để có con thì có lẽ mục đích ban đầu của hôn nhân đã không phù hợp. Tất nhiên, con cái quan trọng, nhưng không phải bảo chứng cho hạnh phúc. Không ai quy định phải có con mới được gọi là gia đình. Chỉ cần vượt qua được trở ngại tâm lý, chắc chắn hạnh phúc sẽ mỉm cười với các cặp vợ chồng “hiếm muộn”. 

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.