Hãy biến hạnh phúc thành một phần thiết yếu mỗi ngày

HỒNG NHUNG (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong đời sống xã hội, hạnh phúc là đích đến của mỗi người. Chính vì vậy, các quốc gia đang chung tay thực hiện mục tiêu hạnh phúc, nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để đảm bảo con người có một tương lai bền vững. Việc Liên hợp quốc công nhận Ngày Quốc tế Hạnh phúc” 20 tháng 3 chính là bước đi cụ thể để các quốc gia có thể sống thân ái, hòa bình với nhau, tạo dựng một thế giới hạnh phúc.

Phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi trò chuyện với chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh, kỷ lục gia, Tiến sĩ tâm lý thực hành, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Việt Nam Bách nghệ thực hành về cách xây dựng hạnh phúc trong mỗi con người.

Hãy biến hạnh phúc thành một phần thiết yếu mỗi ngày - ảnh 1
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh

 Xin chào chuyên gia. Theo chị, điều gì chi phối đến cảm xúc hạnh phúc của mỗi người?

Hạnh phúc là đích đến cũng hành trình trải nghiệm của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và trên toàn hành tinh này. Nếu được chung tay đoàn kết, chia sẻ và học hỏi cùng nhau cách tạo dựng hạnh phúc để lan tỏa và góp phần xây dựng một thế giới hoà bình và yêu thương thì còn gì tuyệt vời hơn.

Hạnh phúc của mỗi người được chi phối bởi nhiều yếu tố quan trọng như cảm xúc, sức khỏe, tài chính, mối quan hệ, vui chơi, con cái, công việc, gia đình, đam mê, sở thích, cho đi, cảm giác được yêu và trao đi tình yêu…

Trong cuộc sống của mình, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm và kinh qua đủ cả. Nhưng chính những thử thách ấy đã giúp tôi nhận ra rằng hạnh phúc không phải là điều gì đó xa vời, mà nằm ngay trong tâm của chính mình.

Biết đủ và hiện hữu với cuộc sống của mình. Không mơ mộng quá nhiều quá xa, cũng không bám chấp hoài niệm những gì đã qua, nỗ lực hết mình và sống với lòng biết ơn, học cách chấp nhận, tập trung vào giá trị mà mình nhận được chứ không tập trung vào điều mình coi là quan trọng. Sống không làm khổ mình, không làm khổ người cả từ trong suy nghĩ, trong lời nói và trong từng hành động.

Bản thân chị đã giác ngộ được hạnh phúc như thế nào trong cuộc sống của mình?

Hà Anh lúc còn nhỏ phải sống xa cha mẹ thì nghĩ có cha mẹ sẽ hạnh phúc. Rồi học cấp 3 được chung sống với cha mẹ nhưng lại chia tay bạn bè vì chuyển nhà thì lại buồn và cô đơn. Sau này lớn hơn lại nghĩ có nhan sắc mới được người khác yêu thương. Khi lấy chồng lại nghĩ giàu có mới hạnh phúc, rồi có con mới vui, con gái rồi phải con trai mới đủ. Có tiền lại nghĩ được chồng cưng chiều mới là phụ nữ sung sướng. Rồi phải nhiều kiến thức, tri thức mới được ngưỡng mộ.

Nhưng khi có tất cả rồi mới thấy mình giống như một người từ chân núi cố gắng trèo lên đỉnh núi mới hạnh phúc và thành công, rồi quá trình đi cứ hì hục tìm mọi cách tốt nhất để lên tới nơi mà đánh mất các giây phút của cả hành trình bước. Cả quá trình leo lên hay đi xuống không cảm nhận được từng bước chân, không nghe được tiếng chim hót, cũng không nhìn thấy bông hoa ven đường nở, hay cành lá đung đưa, rồi đủ nguồn lực đủ đầy mang đến mà vẫn thấy thiếu, vẫn thấy đích mới là chân ái mà bỏ qua từng giây phút được sống, được trải nghiệm mới là tuyệt vời.

Hà Anh nhận thấy rằng thế giới luôn giàu có và sự hào phóng để trao tặng cho bạn tất cả, vấn đề bạn có biết đủ không.

Hãy biến hạnh phúc thành một phần thiết yếu mỗi ngày - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hiện nay, áp lực cuộc sống khiến nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, căng thẳng, thậm chí tìm cách tự giải thoát bằng phương pháp tiêu cực. Chị đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Vấn đề áp lực cuộc sống khiến nhiều người đối mặt với trầm cảm và căng thẳng, thậm chí là suy nghĩ tự tử, là một thách thức lớn trong xã hội hiện đại. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc nhìn nhận lại giá trị của hạnh phúc - không phải là thành tựu vật chất hay sự công nhận từ người khác, mà là sự bình yên và hài lòng với chính mình. Đây là lúc chúng ta nhấn mạnh việc xây dựng một xã hội bao dung, hỗ trợ, khám phá phương pháp quản lý áp lực một cách lành mạnh. Bằng cách nuôi dưỡng lòng biết ơn, tự chăm sóc, và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta có thể biến hạnh phúc thành một phần thiết yếu của cuộc sống mỗi ngày.

Đối với đời sống hôn nhân, làm sao để xây dựng hạnh phúc gia đình. Lời khuyên của chị dành cho vợ/chồng để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc?

Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thường xuất phát từ thiếu giao tiếp, mất niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như không giải quyết được xung đột một cách lành mạnh. Đôi khi, sự thiếu thốn về mặt tinh thần hoặc áp lực từ công việc và cuộc sống cũng là nguyên nhân dẫn đến mất hạnh phúc trong hôn nhân.

Nguyên nhân chính vẫn là bên trong mình luôn không biết đủ, sống thiếu biết ơn, thiếu chấp nhận và thiếu tình yêu chân thành trước là dành cho chính mình sau là các mối quan hệ, dẫn đến đòi hỏi mong cầu đối phương phải đáp ứng, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước những mất mát hoặc sai lầm của bản thân. Vấn đề đó được thể hiện qua giao tiếp, qua hành xử, qua suy nghĩ dẫn đến xung đột, mâu thuẫn khi đến đỉnh điểm hậu quả có thể dẫn đến ly hôn, bạo lực, thậm chí có chung sống cũng thấy không hạnh phúc.

Để xây dựng một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì rất cần hai người phải nỗ lực cố gắng. Trong đó, có 8 điều giúp một cuộc hôn nhân hạnh phúc mà cả vợ và chồng đều phải cố gắng nỗ lực xây dựng. Đó là:

- Giao tiếp cởi mở và học cách lắng nghe. Vợ/chồng cùng nhau chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và kỳ vọng của mình một cách trung thực và cởi mở.

Học cách lắng nghe kiên nhẫn cho đến khi đối phương hỏi mới trả lời trong tinh thần xây dựng, có thể dùng giấy bút để viết lại những ý mà đối phương chưa rõ, hoặc hiểu sai thì mình bám vào đó để trình bày lại. 

- Dành thời gian chất lượng bên nhau: Dành thời gian riêng tư chất lượng cùng nhau, không chỉ là lượng thời gian.

- Thể hiện tình yêu: Thường xuyên thể hiện tình cảm qua lời nói, hành động, và sự quan tâm nhỏ nhặt hàng ngày như cầm tay, âu yếm, ôm hôn, khen ngợi, nhìn mắt, tặng quà, chia sẻ việc nhà,

- Giải quyết xung đột: Học cách giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh, không tránh né hoặc tức giận, không phán xét, không so sánh, không gán mác tiêu cực cho đối phương, không xưng hô tục tữu, không bỏ đi.

- Giáo dục mục tiêu trong hôn nhân: Việc giáo dục về mục tiêu gia đình là điều cần thiết và thường xuyên như một dạng ám thị cho cả hai và tất cả thành viên để ai cũng biết thay vì chọn đúng cá nhân thì phải biết chọn hạnh phúc cho cả gia đình.

- Tôn trọng cho sự tự do cá nhân nhưng trong khuôn khổ: Ai cũng mong muốn có sự tự do cá nhân để cho mình được thoải mái, không kiểm soát, không bí bách nhưng phải trong khuôn khổ cho phép dưới sự thống nhất của cả hai vợ chồng như giờ giấc, đối tượng, sở thích, thời gian, ăn mặc, vui chơi…

Cuộc chơi nào cũng có luật, hôn nhân cũng vậy, cần đưa ra luật và nắm được luật chơi, đồng thời phải cam kết chơi đẹp, tránh vi phạm hay phá vỡ sẽ dễ dẫn đến mất kiểm soát. Khi đã thống nhất thì cần tôn trọng, trả tự do cho đối phương cũng chính là giải phóng vị trí người canh gác cho mình.

- Tìm ra sở thích chung: Tìm kiếm và tham gia vào các hoạt động mà cả hai đều thích, tăng cường sự gắn kết như đi ăn, du lịch, thể dục…

- Luôn biết ơn, chấp nhận và yêu thương đối phương chân thành: Thay vì luôn đòi hỏi, oán trách đối phương thì hãy tìm ra những điều tốt đẹp mà họ đã dành cho mình bất kể điều gì và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận quá trình học tập của đối phương qua các trải nghiệm sống, chấp nhận họ chính là không mong cầu họ thay đổi, và dành cho họ tình yêu chân thành nhất có thể. Vì đối phương là phản chiếu của nội tâm bên trong mình. Khi yêu thương họ, tha thứ cho họ cũng chính là bạn đang làm điều đó cho chính mình.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ thú vị!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.