Hãy để các con lo việc của chúng

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xót con, khi không có con dâu ở nhà, ông bà có nhắc nhở con trai rằng phải sống sao cho xứng đáng một người đàn ông, đừng hiền lành quá, vợ nó coi thường. Con trai ông bà vâng vâng, dạ dạ, nhưng bà không thấy có bất cứ sự tiến bộ nào.

Chúng tôi có mỗi thằng con trai, sinh năm 1986, tính ra cũng 37 tuổi rồi, có nghề nghiệp ổn định, có vợ, có con, có nhà riêng đàng hoàng, đùng một cái nó ly thân vợ, dọn về ở với chúng tôi nửa năm nay. Chúng tôi đều có tuổi cả rồi, cũng chỉ mong con cái, cháu chắt vui vẻ, thương yêu nhau mà sống. Nhưng cơ sự nó lại xảy ra như thế này, chúng tôi không biết cách nào để hàn gắn chúng nó với nhau, chúng tôi hy vọng các bác có chuyên môn, hiểu chuyện, chỉ bảo giúp vợ chồng tôi…

Người phụ nữ ngoài 60 tuổi, đi cùng chồng đến phòng tư vấn tâm lý hôn nhân của chúng tôi, đã mở đầu câu chuyện như thế. Sau vài câu chào hỏi xã giao, người phụ nữ ấy kể câu chuyện của gia đình mình, mà cụ thể là chuyện của vợ chồng cậu con trai duy nhất.

Bà nói vui rằng hồi trước bà “suýt ế”, nên mãi mới lấy được chồng, khi ấy bà cũng đã ngoài ba mươi. Hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, lương hành chính sự nghiệp, ngoài lương không có bất cứ thu nhập gì thêm. Chính vì kinh tế khó khăn, đôi bên nội ngoại không ai hỗ trợ, nên ông bà sinh được mỗi cậu con trai, rồi quyết định “thôi”. Nhà con một, lại con cán bộ, nên “cậu bé” sinh năm 1986, tuổi Bính Dần, con trai bà ngoan ngoãn, hiền lành, chăm học, học giỏi và đẹp trai giống bố. Bao nhiêu tình yêu thương, sự quan tâm, của cải, tiền bạc của cả hai vợ chồng, ông bà đều dồn cho đứa con.

Không phụ lòng cha mẹ, cậu con trai tốt nghiệp đại học, ra trường là kiếm được việc làm ngay ở một ngân hàng, lương chưa cao do mới đi làm vài năm, nhưng cũng là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người “làm việc nhà nước”.

Hãy để các con lo việc của chúng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hiền lành, chỉ biết học và đi làm, con trai ông bà mắc bệnh “nhát gái”. Đi làm về là ôm máy tính, rảnh rỗi thì nghe nhạc, con trai ông bà ít có bạn bè, kể cả bạn trai. Chính vì thế mà hơn 30 tuổi, con trai bà chưa từng có bạn gái nghiêm túc để dẫn về gia đình bao giờ. Thời gian đầu, ông bà còn đặt tiêu chuẩn rằng cô con dâu tương lai phải dịu dàng, ngoan ngoãn, con nhà tử tế, có học hành tương đương hoặc kém con trai một chút. Về sau, thì chỉ cần con trai có bạn gái, hai đứa yêu thương nhau là ông bà chấp nhận và làm đám cưới cho các con ngay!

Rồi con trai bà làm quen với cô bạn gái qua mạng, đó chính là con dâu của ông bà bây giờ. Cô ấy hơn con trai bà 2 tuổi, đã có chồng và đứa con gái, nhưng đã ly hôn. Nghe con trai là trai tân, hiền lành, lại quen với bạn gái có một đời chồng, có con riêng, thì ông bà sốc nặng. Tưởng con trai chỉ hẹn hò vui chơi, nên ông bà cũng chỉ nhắc con cẩn thận, đề phòng đối tượng cô gái có nhiều mối quan hệ phức tạp.

Ông bà cũng nói nhiều lần rằng con trai ông bà có nhiều thế mạnh, cần phải có người yêu, người vợ xứng đáng, xứng tầm. Nhưng sau này thấy mối quan hệ của con trai với cô gái kia ngày càng thắm thiết, nhất là từ khi con trai ông bà theo mẹ con cô gái ấy đi nghỉ mát một tuần liền.

Cậu con trai thật thà, chia sẻ rằng cô ấy chính là người con trai ông bà cần vì cô ấy chân thành, khéo léo, chủ động. Ở bên cạnh cô ấy, con trai ông bà cảm thấy được tôn trọng, chăm sóc, chiều chuộng, khác hẳn với cảnh những chàng trai phải đi lại, đưa đón, chiều chuộng, quà cáp cho những cô bạn gái õng ẹo, đỏng đảnh. 

Rồi đến khi con trai ông bà báo rằng người yêu của anh ta có thai, bắt bố mẹ cưới cô ấy làm vợ, ông bà đành tặc lưỡi chấp nhận chiều con. Ông bà đã phải giả điếc trước bao lời đàm tiếu của thiên hạ rằng ông bà “cưới trâu được cả hai nghé”, rằng không biết cái thai trong bụng của cô con dâu kia có chắc là giọt máu của con trai bà, hay cô ta cao tay, con trai bà chỉ là “người đổ vỏ”. Nhưng thôi kệ, con trai bà có vợ, có con, để ông bà yên tâm. Cưới vợ được hai ngày, cô con dâu đã hối thúc con trai ông bà độc lập với bố mẹ.

Nhìn cái cảnh mẹ già nấu xong cơm rồi, nhưng con dâu nói “ăn ở nhà làm sao ăn được”, thế là con trai bà chở vợ và con cô ta đi ăn ở bên ngoài, rồi cà phê, lang thang đến khuya mới về. Không biết cô con dâu yêu thương con trai ông bà lúc nào, nhưng ông bà chứng kiến cảnh cô ta quát nạt, coi thường chồng… như cơm bữa, vậy mà con trai ông bà không dám phản ứng nửa lời.

Xót con, khi không có con dâu ở nhà, ông bà có nhắc nhở con trai rằng phải sống sao cho xứng đáng một người đàn ông, đừng hiền lành quá, vợ nó coi thường. Con trai ông bà vâng vâng, dạ dạ, nhưng bà không thấy có bất cứ sự tiến bộ nào.

Được nửa năm, khi cô con dâu sắp sinh, cô ta nói muốn ra ngoài ở nhà thuê để khi cô ta sinh con, mẹ cô ta còn lên Hà Nội chăm sóc, hỗ trợ, chứ “trông cậy gì vào nhà chồng”. Ông bà nói ông bà có mỗi đứa con, nhà cũng rộng rãi, sao phải tốn tiền đi đâu. Bà còn hứa sẽ chăm sóc con dâu chu đáo, nếu có khó khăn thì bà thông gia cứ lên giúp cháu, ở cùng cũng được, không ngại gì cả. Cả gia đình “nói đứt lưỡi” mà cô con dâu vẫn kiên quyết dứt áo ra đi. Tất nhiên, con trai ông bà phải nghe và theo vợ, ông bà biết “nó” không có chút chính kiến nào, không biết nó ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà bị vợ khống chế, bắt nạt mà vẫn cun cút làm theo.

Hãy để các con lo việc của chúng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ông bà giận con dâu, con trai, nhưng cuối cùng cũng chịu thua. Mọi người động viên ông bà rằng “mặc kệ chúng nó, thích tự lập cho tự lập, bao giờ khó khăn, cần giúp đỡ và phải có lời thì mình giúp, không thì thôi”. Thì cũng phải vậy chứ còn biết làm sao. Ông bà thương con trai, nhớ cháu, cũng đành chịu, chỉ hy vọng con trai ông bà sống yên ổn, không bị vợ bắt nạt là được. 

Vậy mà điều ông bà sợ nhất cũng đã đến. Khi con dâu sinh được đứa con trai, là “cháu đích tôn” của ông bà, con trai ông bà lại xách vali về và đòi sống ở nhà với bố mẹ. Ông bà hỏi lý do tại sao, con trai ông bà nói “không thể chấp nhận được”, rằng sẽ cứ sống ở nhà mình cho bình yên, rồi đi làm, kệ cuộc sống muốn đi đến đâu thì đến.

Ông bà nghĩ vợ chồng con trai có xích mích, nên con trai giận vợ, chỉ về nhà mình vài ngày cho nguôi giận. Ông bà cũng thấy mừng vì con trai ông bà đã dám phản kháng lại vợ, dám làm điều mình thích, chắc mẩm nghĩ chắc con ông bà “khôn ra rồi”. Nhưng thấy nửa tháng, rồi cả tháng con trai không có ý định về nhà trọ ở cùng vợ con, ông bà ngạc nhiên và lo lắng.

Bà tìm đến nhà trọ thăm cháu, tiện thể tìm hiểu nguyên nhân vì sao vợ chồng giận dỗi nhau lâu quá và lại ly thân trong khi con dâu đang nuôi con nhỏ. Cô con dâu không nói lý do, chỉ bảo bà “về mà hỏi con trai bà ý”. Khác với dáng vẻ buồn bã, tiều tụy của con trai, con dâu và mẹ cô ta vẫn sống bình thường, vui vẻ. Bà chỉ muốn tư vấn, hòa giải cho chúng nó trở về sống với nhau bình yên và hạnh phúc, nhưng bà bất lực, nên cả hai ông bà tìm đến phòng tư vấn tâm lý…

Các chuyên viên tư vấn nhắc ông bà rằng con trai ông bà đã 37 tuổi, con dâu còn nhiều hơn thế nữa, họ là những người trưởng thành, chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, gặp khó khăn phải tự giải quyết, chưa tự được thì họ phải tìm kiếm sự hỗ trợ, ông bà không thể chạy theo, lo lắng, suy nghĩ thay, làm thay con được.

Thứ hai, con trai ông bà học giỏi, có nghề nghiệp tốt, kiếm được tiền, nhưng không khéo léo, thiếu tự tin, không mạnh mẽ, chịu lép vế trước vợ và người khác, đó là hiện tượng “có kiến thức mà thiếu kỹ năng sống”. Do là con một, chắc được chiều chuộng, bao bọc, lại bản tính hiền lành, bây giờ không có cách gì làm cho cậu ấy thành người mạnh mẽ, quyết đoán, khôn ngoan, hãy để cuộc đời “dạy” cậu ấy dần dần. Nếu cuộc hôn nhân này không suôn sẻ, thậm chí đổ vỡ, con trai ông bà sẽ có những bài học, sẽ sáng mắt dần ra, đó là sự trả giá cần thiết.

Lý do mà họ không thể ở với nhau là gì, chỉ có họ mới biết, nhưng chắc chắn là nghiêm trọng và tế nhị, nên cả con trai lẫn con dâu không chia sẻ được với ông bà. Lấy ví dụ, con dâu thú nhận đứa con không phải là con của chồng, nghĩa là không phải cháu ông bà. Hoặc con dâu ông bà vẫn duy trì liên lạc, quan hệ với người chồng cũ của cô ta. Cô ta coi thường con trai ông bà, coi anh ta là chàng ngốc, lấy con trai ông bà làm cái bình phong để che giấu một việc gì đó không đàng hoàng.

Giờ, vai trò của con trai ông bà đã hoàn thành, cô ta đã… đuổi con ông bà đi. Con ông bà đau khổ, xấu hổ, không muốn bố mẹ biết sự thật, sợ ông bà sốc, nên im lặng, sống lặng lẽ kiểu ly thân vợ như hiện nay. Anh ta cần có thời gian suy nghĩ, làm quen với sự thật không vui. Đừng ép con trai phải nói những điều cậu ấy không thể nói lúc này. Sớm muộn ông bà cũng sẽ biết.

Hãy để ý đến con trai phòng khi cậu ấy buồn chán mà có những việc làm tiêu cực. Hãy cho cậu ta một nơi để trở về bình yên. Nói rằng bố mẹ thương con, lo cho con, nhưng không thể giúp gì nếu con không chia sẻ, khi nào chia sẻ được thì nói, đừng giấu bố mẹ. Con có thế nào cũng là con của bố mẹ. Sức khỏe, công việc lúc này là quan trọng nhất…Hãy để con cái lo việc của chúng, bố mẹ già hãy lo sức khỏe của mình nhé!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.