Hãy sống là để yêu thôi

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bình đẳng giới, thì ra không hẳn là đao to búa lớn, là đòi hỏi phải thế này, phải được thế kia. Có thể, chỉ là vợ chồng cùng nhau làm việc nhà, hay chủ động thể hiện tình yêu thương, cũng đủ để cả hai cảm thấy thêm gắn bó vì được trân trọng. Bởi hơn cả, bình đẳng hay không, chúng ta đều muốn sống để yêu thương!

Anh rửa bát không phải vì anh muốn giúp em

Vũ Anh Phương, một quản lý start up về du học kể rằng, bạn từng là “một đứa con gái hoàn toàn không phải làm việc nhà, bố mẹ sẽ làm hết”. Một ngày đẹp trời, khi lạc vào những hội nhóm chia sẻ món ăn, cách làm khéo léo, đẹp đến mê hồn, Phương cũng tập tành nấu nướng, làm đủ các thể loại món. “Nồi niêu, chảo đũa nhiều vô kể. Khi ăn xong, việc đầu tiên chồng mình làm đó là đứng dậy rửa bát. Mình đã rất ngạc nhiên và nói cảm ơn, cũng có nói anh không cần phải làm như vậy. Chồng mình lúc ấy chỉ đáp lại: “Anh rửa bát không phải vì anh muốn giúp em. Mà đấy là việc của anh nên anh cần làm”.

“Bây giờ, mình mới hiểu: Chồng mình coi mình là một người bạn tri kỷ, một người đồng hành trong nhà. Như vậy, việc nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, cả hai sẽ cùng thực hiện. Những công việc đó không phải chỉ của riêng mình mà của cả anh ấy, nên khi anh ấy cùng mình làm việc nhà, anh ấy đang thực hiện phần việc của mình chứ không phải làm giúp phần việc của vợ”, Phương chia sẻ.

Hãy sống là để yêu thôi - ảnh 1
Huyền Trang chia sẻ, nghề phụ của chồng cô là chuyên sửa thông tắc bồn cầu, thay bóng đèn, sửa đồ chơi cho con và ti tỉ thứ trong nhà

Phương nhớ mình từng đọc một bài viết về vấn đề bình đẳng giới rất hay, có đoạn rằng: “Tôi không giúp vợ lau nhà, vì tôi cũng sống ở đây và tôi cũng có trách nhiệm giữ nhà sạch sẽ; tôi không giúp vợ nấu ăn, vì tôi cũng ăn và tôi cũng cần phải nấu; tôi không giúp vợ rửa bát, vì tôi cũng ăn bằng đống bát đĩa đó; tôi không giúp vợ chăm sóc con cái, vì chúng cũng là con của tôi và trách nhiệm của tôi là làm một người cha; tôi không giúp đỡ ai trong nhà, vì tôi cũng là một phần của gia đình”.

“Mình thiết nghĩ: Bình đẳng giới đâu bắt nguồn từ việc kêu gọi bình đẳng về mức lương, thưởng, hay sự tôn trọng phụ nữ từ xã hội? Bình đẳng giới bắt nguồn từ việc tôn trọng lẫn nhau và san sẻ công việc từ trong chính gia đình của mỗi người. Là đàn ông, đâu cứ phải tỏ ra quyền uy, quát nạt thì phụ nữ mới ngưỡng mộ? Đàn ông bây giờ, chỉ cần tốt với người phụ nữ bên cạnh mình thôi, là đã được mọi người nhìn với ánh mắt tôn trọng và ngưỡng mộ rồi. Bởi vì khi bạn yêu thương và trân trọng người ở bên cạnh bạn, thì người khác sẽ thấy giá trị con người bạn thế nào. Từ đó, họ lựa chọn cách cư xử với bạn ra sao” - Phương nói.

Rồi Phương nhớ lại ngày còn bé, khi bố đi công tác triền miên, mọi công việc lớn nhỏ trong nhà luôn đè nặng lên vai mẹ. “Lúc ấy mình còn nhỏ và bố thì ở xa nên cũng chẳng thể làm thay. Mình chứng kiến mỗi ngày mẹ phải lo ti tỉ việc từ việc có tên tới những việc chẳng thể đặt tên. Tối nào về tới nhà mẹ cũng nằm lăn trên giường vì mệt, xong lại phải dậy ngay lập tức để nấu cơm, chăm con. Có ngày mẹ đứng trên lớp giảng từ sáng tới chiều, tối đi đón mình, về nhà lại đọc sách, soạn giáo án, chấm bài rất vất vả. Mình tin rằng không chỉ mẹ mình, mà rất nhiều người phụ nữ khác, vì yêu người đàn ông của mình mà sẵn sàng gánh vác trên vai nhiều gánh nặng. Chuyện gì cũng có thể vì yêu thương mà cố gắng, vì yêu thương mà hy sinh. Thế nên, nếu những người đàn ông hiểu được điều đó, mà trân trọng, thương yêu, san sẻ gánh nặng và vun đắp đong đầy tình cảm ấy, thì còn gì khiến người phụ nữ hạnh phúc hơn thế”.

“Cách mạng”… hôn nhân

Đặng Thị Huyền Trang (30 tuổi làm kinh doanh mỹ phẩm) vui vẻ kể rằng, chuyện việc nhà của gia đình mình như một “ván bài lật ngửa” vậy: “Chồng mình không phải là người chồng trong truyền thuyết “lấy về 1 phát ăn ngay”. Vừa cưới về 1 tháng chưa kịp ngấm mùi tổ ấm, mình đã có một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc với chồng về việc muốn chia tay rồi, vì không thể chịu nổi cảnh một người gồng mình lên muốn làm “siêu nhân” còn một người thì không”.

Hãy sống là để yêu thôi - ảnh 2
Chồng Anh Phương vào bếp khi cô đi làm về muộn

Trang chia sẻ, bạn ảnh hưởng từ mẹ mình, một người nữ công gia chánh khéo toàn tập và chăm lo hết mình sống vì chồng con từ khi mình nhỏ tới lớn, mẹ luôn là “gấu mẹ vĩ đại” cáng đáng hết phần việc nhà nên bố chẳng tới phần. Lúc nào mẹ cũng dọa mình: “Không biết làm việc A việc B thì cưới rồi nhà chồng lót lá chuối đuổi đi con ạ”, nên chỉ vì không biết gọt bưởi mà mình từng tập xử lý trăm quả bưởi trong nhiều tháng giời.

“Nhà có 2 cô con gái thôi nên việc nhà từ rửa bát, bếp núc gọn gàng, nấu ăn, sửa sang lặt vặt đồ trong nhà thứ gì mình cũng biết 1 ít. Vì thế, khi lấy chồng, phải sống trong hoàn cảnh thực tế: Cùng nhau đi làm về là vợ cong đít hùng hục dọn nhà nấu cơm, mua sắm như kiểu trách nhiệm này là của chính mình, còn chồng thấy vợ nhiệt tình quá nên cũng kệ luôn, nằm vểnh râu lên xem phim, vì việc gì vợ cũng làm hết rồi mà. Dù biết chồng vẫn thương vẫn rất chiều vợ, nhưng Trang nhận thấy không ổn, stress tủi thân vô cùng. 

Sau cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng về việc vợ chồng bình đẳng, cả hai cùng đi làm mệt như nhau nên về nhà hãy cùng chia sẻ việc nhà cho đỡ vất vả. “Chồng mình thấy vợ xổ 1 tràng uất ức ra mới ngơ ngác nói 1 câu làm mình “tụt huyết áp” luôn: “Ơ anh có biết đâu. Anh tưởng em thích làm việc nhà nên để em làm”.

Rồi Huyền Trang cũng ngẫm ra, rằng “Đàn ông nông nổi giếng khơi!”, phụ nữ muốn gì, nghĩ gì, cần gì thì phải nói thẳng ra. Sau đó, Trang làm một cuộc “cách mạng” để thay đổi cục diện. Cô quyết tâm không thuê giúp việc nữa mà chỉ thuê người dọn 1 tuần 2 lần để cả 2 vợ chồng cùng có trách nhiệm với gia đình dù công việc của cả hai rất bận. 

Sau rất nhiều bữa ăn thịt nướng cháy khét, gia vị một đằng đồ ăn một nẻo (chồng nấu vợ dọn), rác ngập nóc nhà (vợ dọn rác chồng đổ rác), quần áo giặt xong để cả tuần không phơi (vợ thu đồ giặt, chồng phơi)... thì cũng đến ngày cây ra trái ngọt. “Câu cửa miệng của anh bây giờ là hàng ngày 3 bữa sáng - trưa - tối hỏi “Em muốn ăn gì?”.

Với Huyền Trang, bí quyết để “chuyển giao công nghệ việc nhà” hay nói cách khác là để chồng vui vẻ san sẻ trách nhiệm này rất đơn giản: Đó là “biết ơn”, “nhẫn nại” và “thành thật”. “Câu cửa miệng của mình là: “Cảm ơn chồng yêu”. Kiên nhẫn góp ý nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc lựa lúc vui vẻ để nói nếu việc gì chồng làm chưa tốt hay có tật xấu. Mình không tin một người có thể sửa ngay tật xấu trong nháy mắt hay một câu nói, nhưng nước chảy đá mòn rồi ắt cũng sẽ phải đổi thay”, Trang nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.