Hãy yêu thương, tôn trọng nhau dù bạn là ai và sống ở đâu!

Ngọc Huyền (Thành phố Sulaymaniya-Iraq)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi là Ngọc Huyền, 26 tuổi là một người nội trợ. Tôi hiện đang sinh sống cùng chồng và con trai 3 tuổi tại Sulaymaniya-Iraq. Chắc có rất nhiều người tò mò cuộc sống của vợ chồng người Việt chúng tôi ở một góc của đất nước Iraq thì sẽ ra sao, có khó khăn gì hay có được tôn trọng không? Hãy để tôi kể cho các bạn nghe.

Trước khi theo chồng sang đất nước Hồi giáo này, bản thân tôi cũng như mọi người khá hoang mang vì không biết cuộc sống nơi đây như thế nào? Nói đến Iraq thì ai cũng nghĩ sẽ có chiến tranh, bạo loạn khắp nơi, phụ nữ không được ra ngoài và phải quấn khăn quanh năm suốt tháng. Chồng tôi cũng không kể quá nhiều cho tôi nghe về nơi mà tôi sắp đặt chân đến, có lẽ anh muốn tôi được trải nghiệm một cách chân thực nhất. 

Khi sang đây, rất nhiều thứ khác xa so với tưởng tượng của tôi. Người nước ngoài như tôi không cần phải quấn khăn và không phải tất cả phụ nữ đều phải quấn khăn trùm đầu kín mít từ trên xuống dưới và chỉ hở có đôi mắt. Phụ nữ nơi này được cởi mở hơn, họ ăn mặc rất bình thường, có nhiều người không phải quấn khăn, được đi làm như đàn ông. Tôi gặp rất nhiều phụ nữ Hồi giáo là bác sĩ, luật sư, làm việc trong ngân hàng, làm phục vụ... Những người phụ nữ Hồi giáo mà tôi gặp, họ có rất nhiều nguồn năng lượng tích cực, họ cũng rất thích chụp ảnh để đăng lên các nền tảng xã hội. Chỉ có những gia đình nào quá truyền thống thì con gái không thể tự do yêu đương, học xong thì không được đi làm mà phải ở nhà, vẫn phải quấn khăn quanh năm. Đi ra ngoài thì phải đi cùng mẹ hoặc phụ nữ lớn tuổi. Sống ở đây đã 4 năm nên tôi cũng thấy nơi mình sinh sống đang ngày càng cởi mở hơn với phụ nữ.

Hãy yêu thương, tôn trọng nhau dù bạn là ai và sống ở đâu! - ảnh 1
Phụ nữ Iraq được quyền dạo phố trong trang phục họ yêu thích và cũng không cần phải che mặt

Có thể nhiều người sẽ nghĩ phụ nữ Hồi giáo thiệt thòi. Ở những nơi khác tôi không biết như thế nào, nhưng tại Sulaymaniya thì rất nhiều phụ nữ được đi làm kiếm tiền, đi chơi, làm đẹp. Bạo lực gia đình thì tôi chưa thấy, tôi chỉ thấy đó là đàn ông họ rất thương vợ của họ, có thời gian họ đều dành cho gia đình và ít khi tụ tập với bạn bè như xưa. Họ quan tâm sâu sắc đến vợ của mình, không có chuyện say xỉn về nhà đánh đập vợ. Đàn ông nếu không sùng đạo thì họ còn phải lén gia đình đi uống bia rượu. Gia đình tôi chơi thân với một cặp vợ chồng. Một tuần, cô vợ chỉ cho anh chồng đi uống bia một lần, vợ cho đi mới được đi. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng là thật, khi đi picnic trên núi tôi thấy rất nhiều đàn ông phải lén gia đình lên đó uống bia. Họ sẽ về nhà muộn để không bị các thành viên trong gia đình biết.

Riêng bản thân tôi cảm thấy mình thật may mắn khi lấy được người chồng hiện tại. Tôi và anh tính cả thời gian yêu và lấy nhau đã gần 6 năm. Anh không bắt tôi phải làm những thứ mình không thích, mỗi khi tan làm anh đều về nhà ăn cơm với vợ con, rất ít khi anh ra ngoài với bạn bè. Có thời gian anh đều chơi với con và phụ giúp tôi việc nhà. Đi đâu anh cũng đưa tôi đi cùng trừ khi anh ra ngoài uống bia với bạn. Anh tôn trọng, trân trọng tôi và tôi cũng vậy. Chúng tôi chưa bao giờ nói ra hai từ "chia tay", anh bảo là nếu đã nói ra hai từ ấy thì tình cảm đã có chút rạn nứt và rất khó lành lại nên dù giận nhau như thế nào thì chúng tôi cũng không ai nói ra hai chữ ấy.

Anh và tôi rất ít khi tranh luận với nhau, nếu có thì anh luôn là người làm hòa, xin lỗi trước dù người sai là tôi. Anh cũng chưa từng xem thường tôi, anh bảo tôi rằng anh biết phụ nữ ở nhà cũng rất vất vả, chăm con, nấu cơm, dọn dẹp. Anh cũng bảo anh ở nhà với con mấy tiếng thôi cũng đã thấy mệt huống chi phụ nữ quanh năm ngày tháng ở nhà nội trợ, chăm con. Vì vậy là đàn ông thì không nên coi thường người phụ nữ ở nhà vì họ có vô số việc không tên. Có phải tôi là một người phụ nữ rất may mắn không? Có được một người chồng dịu dàng, yêu thương, bao dung, quan tâm và chăm sóc.

Hãy yêu thương, tôn trọng nhau dù bạn là ai và sống ở đâu! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Còn về vấn đề phân biệt chủng tộc thì sao? Ngày nghỉ nếu có dịp thì gia đình tôi sẽ đến thăm nhà bạn người bản xứ hoặc đi picnic cùng họ. Quan niệm của người bản xứ dù bạn có là ai, đến từ đâu thì bạn đều được tiếp đón nồng hậu như khách quý. Họ sẽ tiếp đãi bạn tử tế ngay từ khi bạn bước vào nhà họ đến khi bạn ra về. Dù bạn là người lạ thì người dân nơi đây họ cũng cực kỳ thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ người nước ngoài. Khi tham gia giao thông, xe của chúng tôi luôn được ưu tiên cho qua mà không cần kiểm tra.

Có lần tôi tập lái xe, họ thấy tôi dừng xe liền hỏi tôi cần giúp gì không? Văn hóa giao thông của họ rất tốt, họ sẽ dừng xe để nhường bạn qua đường hay khi được nhường đường họ sẽ giơ tay cảm ơn. Họ không kiệm lời cảm ơn hoặc xin lỗi, khi bạn mua thứ gì đó họ sẽ cảm ơn bạn, bạn có thể đậu xe trước cửa hàng của họ dù bạn không mua thì họ cũng không phàn nàn. Cũng có khi xô xát nhưng họ sẽ không lao vào đánh nhau, họ chỉ nói để đối phương hiểu vấn đề. Nơi tôi sống là một nơi yên bình với không khí thật dễ chịu. Học sinh, sinh viên không bị áp lực về thành tích, không có bài tập về nhà, trẻ con cấp một đã "bắn" tiếng Anh như gió và biết nói 2-3 ngôn ngữ, số người biết nói Tiếng Anh từ trẻ đến già cũng rất nhiều. Một nơi yên bình và đang dần hội nhập.

Nếu ai hỏi tôi có thích sống ở nơi đây không, tôi sẽ trả lời thật lòng mình rằng tôi thật sự rất yêu quý con người nơi đây, tôi thật sự rất thích cuộc sống ở đây dù tôi gặp chút khó khăn về vấn đề ẩm thực. Theo cá nhân tôi thì đồ ăn, thức uống không thể phong phú hay ngon như Việt Nam nhưng mỗi nơi có nét đặc trưng ẩm thực riêng. Tôi vẫn luôn tôn trọng, yêu thích và không ngừng học hỏi mỗi khi có dịp.

Tôi hy vọng thông qua bài viết này, với trải nghiệm thực tế của tôi sẽ mang đến cho các bạn một hình ảnh khác của đất nước Iraq yên bình, bình đẳng và không có bạo lực. Hãy sống hết mình, là chính mình, yêu thương và tôn trọng nhau thì bạn cũng sẽ nhận lại sự yêu thương, tôn trọng từ họ. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.