Hiếu thuận thiên lệch

Chia sẻ

Cả cuộc đời cha tôi chẳng có chí hướng gì gọi là lớn, giấc mơ của ông chỉ đơn giản là đến khi năm mươi tuổi có thể xách chiếc ghế xếp ra ngoài ngồi phơi nắng và cha tôi còn cho rằng, nhà tôi khó có thể mà khá lên được.

Mẹ tôi thì ngược lại, bà luôn ước ao có cuộc sống đầy đủ, sung túc nên đã tự xây dựng cho mình một trang trại nuôi gà, hàng ngày đều thức dậy từ lúc trời còn tối đen, thu nhập cũng khá. Về hưu, cha tôi cũng đi giúp việc mẹ tôi ở trại gà nhưng tính ông vốn đã gia trưởng, lại thích chỉ huy người khác, lúc nào cũng tỏ ra ta đây là chuyên gia chỉ tay năm ngón nhưng lại chẳng hiểu biết gì về chuyên môn, điều đó khiến mẹ tôi nhiều khi rất tức giận.

Khi đó, bà nội tôi vừa mới mất, ông nội ở với chú tôi, nhà chúng tôi hàng tháng đều gửi biếu tiền dưỡng lão cho ông tôi. Cứ đến đầu tháng, mẹ tôi lại bảo cha tôi đem tiền đến cho ông nội, lại xách thêm hai con gà trống to nữa, con to hơn biếu ông nội, con nhỏ hơn thì biếu ông ngoại tôi. Có khi lại bảo cha tôi xách thêm hai giỏ trứng gà, giỏ lớn nhiều trứng hơn biếu ông nội, giỏ kia nhỏ hơn thì biếu ông ngoại. Cái cách hiếu thuận của mẹ tôi như thế, xem ra rất là thiên lệch.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Sau đó thì quy mô trại nuôi gà của gia đình chúng tôi càng ngày càng phát triển. Trong túi bắt đầu rủng rỉnh có tiền, mẹ tôi đưa tiền cho cha tôi sắm đồ, mùa hè thì mua quạt cây, mùa đông thì mua áo da, lò sưởi điện, chăn điện, cuối năm còn mua cả máy thu hình màu cho ông nội tôi. Tết đến, ông nội tôi đắc ý diện nguyên cả bộ quần áo kiểu nhà Đường cổ bằng lụa tơ tằm mà mẹ tôi may cho, hễ gặp ai ông cũng khen mẹ tôi là con dâu hiếu thảo.

Mẹ tôi thực hành kiểu hiếu thuận “hai tiêu chuẩn” như vậy, tôi thấy thật là thiên lệch và không khỏi bất bình thay cho ông bà ngoại tôi.

Tôi đã từng hỏi mẹ, tại sao lại đối đãi với người già không công bằng giống như hai bát nước đầy như nhau vậy? Mẹ tôi đáp “Biếu nhiều, ít bằng nhau mới thật là không công bằng.”Thì ra, ông ngoại tôi là giáo sư đã nghỉ hưu, có lương hưu hàng tháng, sinh hoạt hàng ngày đã có bà ngoại chăm sóc, muốn mua gì là mua ăn vô tư. Còn ông nội tôi là nông dân, tuổi già chẳng có thu nhập gì, chỉ còn biết trông vào các con; bà nội mất rồi, sinh hoạt hàng ngày của ông chỉ do chú tôi lo liệu, chú tôi bỏ nhiều công thì chúng tôi bỏ nhiều của.

Vậy ra, trong sự hiếu thuận “hai tiêu chuẩn”của mẹ tôi cũng có sự thiện lương và công bằng. Mẹ nói cho tôi biết, trong sự hiếu thuận “thiên lệch” ấy cũng có cái hay, có nghĩa là từ trước tới nay, cha tôi không hề có cái “kho bạc nhỏ”của riêng mình, nhiều năm không để một đồng xu trong túi, bởi vì cha tôi yên tâm khi có mẹ tôi quản tiền mà lòng hiếu thảo của mẹ tôi với ông bà cao hơn cha tôi cho nên nếu cha tôi có để tiền riêng cũng chẳng biết để dùng vào việc gì.

Những năm gần đây, cha mẹ tôi thi thoảng cũng có những xung đột, cãi vã nhau. Mẹ tôi bảo, sợ gì cãi nhau, mẹ tôi đã có cách, mỗi lẫn to tiếng xong, “pháp bảo” của mẹ tôi là bảo bố tôi đem đồ đi biếu ông nội tôi. Chiêu này thật là linh, cha tôi lập tức phục tùng ngay.

Xưa nay, mẹ tôi chưa từng dùng lời lẽ ngon ngọt với cha tôi bao giờ nhưng bà đã dùng hành động thực tế để “quản” cha tôi khỏi những thói cố chấp và lười biếng; cha tôi bớt khó tính, cáu bẳn và mềm mỏng dần. Phải chăng đó cũng là công hiệu của sự hiếu thuận “hai tiêu chuẩn”.

Truyện ngắn của MÃ HẢI HÀ (TQ)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.