5 năm triển khai gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Việt Nam:
Hỗ trợ kịp thời vì mục tiêu bình đẳng giới
(PNTĐ) - Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn khó xóa bỏ nhưng không có nghĩa là không thể chấm dứt. 5 năm qua, thành tựu lớn nhất mà gói dịch vụ này đạt được là tạo ra mạng lưới thông tin gắn kết giữa nhiều đơn vị liên quan, từ đó đem lại dịch vụ chất lượng, thân thiện và kịp thời cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
1 tháng nghỉ dịch bị chồng đánh 7 trận vì không có việc làm
Đại dịch Covid-19 xảy ra, có rất nhiều phụ nữ tìm đến “Ngôi nhà bình yên” để trốn tránh những trận bạo hành của chồng.
Một nạn nhân của bạo hành nghẹn lời: Đủ thứ áp lực xảy đến do đại dịch, chị bị chồng đánh tới 7 lần trong 1 tháng. Chị phải trốn chạy, tìm đến “Ngôi nhà bình yên để tạm lánh”, 2 tháng sau vẫn không dám về vì ám ảnh vẫn còn rõ mồn một.
Câu chuyện trên được bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women nêu tại hội thảo tổng kết Chương trình chung gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn III tại Việt Nam (2021-2022), diễn ra cuối tháng 6 vừa qua.
Bà Lan Phương cho biết thêm, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trên toàn cầu bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trầm trọng hơn, bạo lực với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực gia đình tăng từ 30%-300%.
Ảnh: UN Women tại Việt Nam
Có hơn 1/3 phụ nữ (37,8%) bị ít nhất một loại hình bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, tình dục, bạo lực bằng hành vi hay kinh tế do chồng/bạn tình gây ra. Các thống kê cũng chỉ ra, tình trạng bạo lực tình dục và lạm dụng tình dục gia tăng.
“Tại Việt Nam, đường dây nóng và “Ngôi nhà bình yên”, “Ngôi nhà Ánh dương” đều ghi nhận sự gia tăng báo động các cuộc gọi kêu cứu của nạn nhân từ khi Covid-19 xuất hiện.
Nạn nhân càng khó tiếp cận tới các dịch vụ thiết yếu do bị giãn cách xã hội và gặp nhiều nguy hiểm hơn khi phải ở chung nhà với người gây bạo lực", bà Lan Phương chia sẻ.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực
5 năm qua, Chương trình chung Gói DVTY cho thấy sự điều phối nhịp nhàng, chặt chẽ của 4 cơ quan Liên hợp quốc và 6 bộ, ngành tại Việt Nam với mục đích chung là đem lại dịch vụ chất lượng, thân thiện và kịp thời cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. 30 khóa tập huấn với gần 6.500 lượt cán bộ quản lý nhà nước, người cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực theo nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Gần 60.000 tài liệu, bộ công cụ, tờ rơi hướng dẫn các nội dung liên quan tới Gói DVYT được chuẩn hóa, phát triển và phát hành trên toàn quốc.
Kết quả triển khai Chương trình gói dịch vụ thiết yếu từ 2017-2022 cho thấy tính sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, hành pháp và tư pháp, xã hội được cải thiện rõ rệt tại địa phương thí điểm là tỉnh Bến Tre.
Các đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được mở rộng ra đến 89 xã phường thuộc thành phố Bến Tre, huyện Chợ Lách, Bình Đại, Mỏ Cày Nam và Ba Tri. Thành viên của các đội được cung cấp các công cụ như sổ tay, bảng kiểm, được tập huấn về công tác phòng ngừa, xử lý bạo lực giới, đảm bảo an toàn và hỗ trợ người trải qua bạo lực để biết cách xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn.
“Quá trình triển khai cho thấy những kết quả rất đáng kể. Việc các tổ phản ứng nhanh phát triển rộng rãi đến xã phường giúp cho các vụ việc bạo lực trẻ em, phụ nữ được phát hiện kịp thời, từ đó được xử lý rất nhanh. Đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình của tỉnh Bến Tre đã trở thành mô hình tiêu biểu trên toàn quốc”, bà Nguyễn Nguyệt Minh - chuyên gia cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UN ODC) cho biết.
Chương trình Gói DVTY xác định các dịch vụ thiết yếu bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, hành pháp và tư pháp dành cho phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới.
Tại hội thảo, các đại biểu còn đề xuất đánh giá kết quả để nhân rộng mô hình thí điểm hỗ trợ nạn nhân trong cộng đồng như nhà tạm lánh, ngôi nhà bình yên, trung tâm một cửa, đường dây nóng dễ nhớ, dễ tiếp cận và hiệu quả.
Trưởng đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tại Việt Nam - bà Elisa Fernandez Saenz đề xuất Chính phủ Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa nguồn lực cho các dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan Liên hợp quốc, sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thời gian qua. “Gói dịch vụ giúp chúng ta từng bước xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực ở Việt Nam. Đây cũng được xem là bước thử nghiệm thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật ở lĩnh vực này. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Bình đẳng giới, xây dựng, vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam”, bà Hà nhấn mạnh.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Thứ trưởng mong muốn được tiếp tục hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc trong hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan, ban ngành, địa phương của Việt Nam.
Về phía các bộ, ngành, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để triển khai các quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực.
Việc triển khai Gói DVTY hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới 2021-2025 tại Việt Nam, giúp cho “Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn khó xóa bỏ nhưng không có nghĩa là không thể chấm dứt”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.