“Hoa nhài cắm bãi cứt trâu”

Chia sẻ

Đang ngày toàn thành phố phải cách ly xã hội 2 tuần do dịch Covid-19 bùng phát, bà Nga ngạc nhiên khi thấy con gái phi xe máy đến, rồi bà tá hỏa khi nghe con tuyên bố: “Mai con nộp đơn ly hôn! Con đến báo cho bố mẹ biết!”.

Bà Nga động viên con:

- Có chuyện gì thì từ từ nói mẹ nghe xem! Con đừng nóng vội. Vợ chồng mới cưới được 3 tháng, cứ chịu đẻ chung một đứa con thì hạnh phúc thôi con ạ.

Dung vứt cái túi xách nhỏ ra ghế, ấm ức khóc:

- May mà mới 3 tháng, chứ 3 năm thì chắc con chết lâu rồi bố mẹ cũng chả biết! Lỗi của mẹ tất cả, mẹ “ép dầu ép mỡ”, ép cả duyên con! Mọi người bảo con là “hoa nhài sao đem cắm bãi cứt trâu!”, mẹ có biết không?

Bà Nga chẹp miệng:

- Ừ thì người ta giới thiệu cháu ruột, cũng con nhà nọ nhà kia, mẹ đâu có biết...

Bà nói thế với con gái, nhưng trong lòng bà cũng tan nát. Đúng là tại bà. Con gái bà cũng xinh xắn, nhưng chả hiểu cái duyên cái số thế nào, tốt nghiệp đại học đi làm đến 10 năm rồi mà chả có mảnh tình nào vắt vai. Bố mẹ thấy con vào tuổi “băm” rồi, cũng sốt ruột, giục nó suốt, nó cũng chỉ ậm ừ “số chưa tới, mẹ giục cái gì”. Bà thăm dò qua mấy đứa bạn gái của con, thấy chúng bảo cái Dung cũng có một vài anh quan tâm, nhưng chả hiểu sao rất nhanh chia tay, mấy đứa bạn thì vợ chồng con cái hết cả rồi, bà đâm sốt ruột.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế rồi, bà Na hàng xóm biết “tâm ý” của bà Nga, bèn tỉ tê giới thiệu cho Dung làm dâu nhà bà chị họ, nhà ấy cán bộ công chức tử tế, con mình có về làm dâu thì cũng được yêu thương, không phải lo. Rồi ít ngày sau bà Na mời bà chị họ đến chơi, gọi bà Nga sang trò chuyện. 2 bà ăn nói hợp ý nhau quá. Thế là cuộc giới thiệu Dung cho Tiến nhanh chóng tiến hành. Không ngờ hôm Tiến đi cùng bà mẹ đến ra mắt, bà Nga hơi ái ngại vì Tiến nhỏ và gầy quá mức. Nhưng được cái ăn nói có duyên, cũng nhanh mồm nhanh miệng. Bà mẹ thì cứ tán vào: “Cháu nó gần đây bận công việc rồi lười ăn nên gầy thế nhưng sức khỏe nó tốt lắm. Chắc cưới vợ ít ngày thì “Thài lài gặp cứt trâu”, tươi tốt, béo phệ ra ngay ấy mà”. Cứ thế 2 bà mẹ cứ quyết, Dung chống đỡ yếu ớt rồi nghe theo mẹ: “Con ơi, năm nay 36, tính cả tuổi mụ đã là 37 rồi, còn kén cá chọn canh cái nỗi gì? Sang năm 38 lại gặp “kim lâu” không cưới được thì ở giá cả đời hả con? Con gái có thì, lấy chồng chính danh, đẻ 1-2 đứa con chứ đến 40 tuổi là già rồi không đẻ được nữa đâu con ạ. Mà con có đi lấy chồng rồi thì bố mẹ còn lo cho thằng Hải, nó cũng 32 tuổi rồi mà còn lêu têu, chưa chịu vợ con, cứ bảo “Chị Dung chưa cưới thì mẹ đừng có mà giục con”. Mẹ không ăn không ngủ vì lo cho chúng mày”.

Hôm cưới, bên nhà trai thì ai cũng cười phớ lớ, bà mẹ chồng cũng rộng rãi, lên sân khấu đeo cho cô dâu hẳn cái kiềng vàng 1 cây. Chỉ có bên nhà gái, ngoài mẹ cô dâu có vẻ cũng hài lòng vì thấy bà thông gia có vẻ tốt tính, còn lại ai cũng cố giấu tiếng thở dài “Cái Dung nhà mình không đến nỗi, thậm chí còn xinh đẹp. Cứ cho là 40 tuổi đi, cũng không việc gì phải nhắm mắt gả cho cái anh chồng bé như chim chích thế kia! Chả biết nó có bệnh tật gì hay không?”. Khách khứa đến ăn cỗ, ai cũng xì xào bàn tán. Người thì hoài nghi chuyện chú rể chắc chắn có vấn đề, người thì thương cảm cô dâu, sao phải khổ thế, chồng không lấy thì thôi, việc gì phải nghe cha mẹ ép...

Dung về nhà chồng ít ngày thì vợ chồng bà Nga sang thăm. Thấy ông bà thông gia và chàng rể đón tiếp nhiệt tình, chu đáo, bà Nga cũng thấy đỡ lo, chắc thằng rể nó gầy thế nhưng nó khỏe mạnh, được vợ chăm ít lâu nó béo tốt ra là trông ra dáng đàn ông ngay. Với lại nó hơn con Dung đến gần chục tuổi, cũng già phết rồi, mà lười ăn thì gầy là phải. Bà tự động viên, cơ bản con gái mình vào được gia đình tốt, như hạt mưa không sa phải ruộng lầy là được rồi. Ít nữa chỉ cần nó đẻ lấy 1 đứa con, thế là bà có cháu ngoại mà bồng bế, còn sau này bố mẹ có khuất núi thì con gái cũng có nhà chồng, có con có cái mà nương tuổi già, chứ sống không chồng con, mang tiếng cô quả cũng khổ cả đời.

Bà Nga cứ tưởng thế là cũng ổn, không ngờ hôm nay, Covid đang căng thế này mà con gái lại chạy đến kêu ly hôn. Dung vừa lau nước mắt vừa “tố khổ” với mẹ. Thì ra, gia đình, bố mẹ của Tiến thì họ cũng tốt, chỉ có Tiến là chả ra gì. Một thanh niên đã ngoài 40 tuổi thì phải trở thành một người đàn ông trụ cột gia đình, đằng này anh ta chỉ ăn rồi chơi game. Anh ta nghiện game suốt mấy chục năm, kể cả thời sinh viên đại học. Bố mẹ là công chức, đi làm tít mít tối ngày, anh con trai được chiều và được buông lỏng, muốn gì được nấy, sa vào nghiện các trò chơi điện tử, đã vậy bà mẹ còn cho con tiền mua máy về nhà chơi game. Theo bà như thế còn yên tâm hơn là để con đi rông ngoài đường sa vào ma túy. Dần dần, anh con trai say mê game, trở thành game thủ với nhiều “chiến tích”, anh ta có thể bán “thành quả” các trò game lấy tiền tiêu xài, thế nên game càng cuốn hút. Anh ta trầy trật mãi rồi cũng học xong đại học với cái bằng kỹ thuật, nhưng không đi làm, bố mẹ xin cho vào cơ quan nào cũng chỉ uể oải làm vài ba ngày là bỏ. Bởi trong đầu anh ta chỉ có game, không có bất cứ thứ gì khác. Sau này anh ta còn mua cả máy tính thế hệ mới kèm theo hẳn một bộ bàn ghế “chuyên nghiệp” để đặt máy tính chơi game trong phòng riêng. Anh ta chơi thâu đêm suốt sáng, không cần ăn, không cần ngủ. Chính vì cuộc sống như vậy từ tuổi thiếu niên, nên anh ta thiếu ăn, không thể đủ dinh dưỡng để cao lớn, và sau này khi đã qua tuổi thanh niên, anh ta ngày một gầy tọp đi, quắt lại trông như chim chích. Mặc kệ bố mẹ khuyên can, mắng mỏ hay van xin Tiến đừng chơi game nữa, hoặc hạn chế thời gian chơi, không thể cứ gắn chặt vào bộ bàn ghế chơi game 20/24 tiếng mỗi ngày như vậy. Nhưng Tiến bỏ ngoài tai. Bố mẹ nói nhiều thì anh ta mua luôn bộ tai nghe thật xịn, đeo vào vừa nghe tiếng trong game thật sướng tai, vừa không phải nghe bố mẹ la mắng hay van xin.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi cưới Dung về, biết là vớ được cục vàng ròng, mẹ Tiến thực sự yêu thương con dâu, bà cứ hy vọng là nhờ có vợ thì Tiến sẽ thay đổi. Ít nhất thì ông bà cũng có cháu nội để bế ẵm, và Tiến sẽ dần cai game mà lo cho vợ con. Nhưng bà không ngờ rằng, Tiến vẫn cứ bám chặt cái phòng đặt máy chơi game, chả quan tâm gì đến phòng tân hôn có cô vợ mới cưới cả. Đêm tân hôn cũng chả có, vì Tiến phải tham gia đón dâu, đi lòng vòng quanh Bờ Hồ với Nhà hát lớn để chụp ảnh, rồi cỗ bàn, rồi uống mấy ly rượu, về đến nhà, trút bỏ bộ comple ra là Tiến lao thẳng vào phòng chơi game cho đỡ “nhớ”. Anh ta ngồi thâu đêm, gần sáng mệt quá ngủ gục luôn trên phím máy tính. Dung cũng quá mệt sau mấy ngày cưới xin cỗ bàn, nên cũng lăn ra ngủ mê mệt. Khi tỉnh dậy không thấy chồng ngủ cùng, cô cũng ngại nhà chồng nên không dám đi tìm và cũng chả dám hỏi ai. Sáng ra Dung xuống bếp, thấy mẹ chồng đang chuẩn bị bữa sáng, cô xúm vào cùng làm. Bữa sáng bày ra, mẹ Tiến vào tận phòng game gọi nhưng Tiến vẫn ngủ không chịu ra ăn. Bố Tiến ngao ngán bảo: “Thôi, cả nhà ăn đi, kệ nó”. Mẹ có vẻ ngại với Dung, bảo: “Tiến nó ngủ bù, con ăn đi, cho nó ngủ, lát nó ăn sau”. Dung chỉ biết vâng, không dám hỏi lại, dù trong lòng cô không hiểu tại sao chú rể mới cưới mà không về phòng tân hôn ngủ, mà lại ngủ ở phòng khác. Sau khi bố mẹ chồng ăn xong về phòng nghỉ ngơi, Dung rửa dọng bát đĩa xong thì lén vào cái phòng mà ông chồng mới cưới đang ngủ xem tại sao Tiến lại ngủ ở đó, cô kinh ngạc thấy Tiến ngủ gục trên bàn phím, máy tính vẫn đang bật, trên màn hình vẫn hiện trò chơi điện tử. Bây giờ thì cô đã hiểu, anh ta mê game hơn cả yêu đương và lấy vợ.

Mẹ chồng sau đó đã nói cho Dung mọi chuyện và mong cô sẽ giúp ông bà già “cai game” cho Tiến. Dung đồng ý với mẹ chồng, bởi cô cũng hy vọng Tiến cai được game thì cũng là tương lai tươi sáng của cô và cô còn có trách nhiệm đẻ con để ông bà nội ngoại có cháu bế nữa.

Thế nhưng bất chấp những nỗ lực của Dung cùng với mẹ chồng, nấu món ngon bổ dưỡng cho Tiến ăn, thêm các vị thuốc Đông Nam dược cho Tiến ăn được ngủ được, nhằm phục hồi sức khỏe và kích thích tinh lực, thì Tiến vẫn chỉ bám vào bàn chơi game. Nhiều lần Dung buộc phải chủ động lôi kéo chồng vào phòng ngủ, nhưng Tiến mụ mẫm đầu óc với game, anh ta chả làm nên trò trống gì… Cay đắng tràn ly, khi đêm qua, mẹ chồng cứ cố nài ép Dung “bẫy” chồng cho bằng được, biết đâu cô có thai và cũng dẫn dụ được Tiến xa dần game, nhưng mặc cho vợ nài nỉ, lôi kéo, Tiến cứ khất lần: “Em ngủ trước đi, anh nốt ván này sẽ lên ngủ cùng”. Dung nằm chờ chán chê, chát chít điện thoại chán rồi, cô khóc. Cô đã chảy nước mắt nhiều đêm như vậy khi cảm thấy mình là một người vợ bị bỏ rơi. Nhưng nghĩ thương bố mẹ đẻ rồi nay thương cả bố mẹ chồng, cô không nỡ phá bỏ cuộc hôn nhân tồi tệ này. Nhưng đêm nay thì Tiến khất lần quá nhiều, Dung nằm khóc và ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, cô ra phòng game tìm thì thấy chồng mình lại ngủ gục trên bàn phím như tất cả các đêm khác. Dung òa khóc. Cô xách túi phóng xe về nhà đẻ. Cô đã quyết định: Ly hôn!

Bà Nga nghe con gái vừa khóc vừa kể, bà cũng khóc theo. Thật không ngờ chỉ vì sốt ruột lo con gái tuổi cao chưa lập gia đình, bà đã vội vã ép con mà không tìm hiểu kỹ càng. Thôi thì cái số nó khổ, nó như “hoa nhài cắm phải bãi phân trâu”, còn tệ hơn cả “hạt mưa sa phải vũng lầy”. Bà ôm Dung vào lòng: “Thôi, con về ở với bố mẹ. Vài tháng nữa hết Covid thì giúp mẹ chuẩn bị cưới con dâu. Thế có khi nhà mình lại đông vui, con ạ!”.

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.