Hoa sữa

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Hoa sữa trinh bạch thơm trong đêm

Đêm mùa thu mênh mang

Không cầm lòng được nữa

Ta bỗng nhớ

Hà Nội và tuổi thơ của ta

Hà Nội để tình yêu đi xa

Hà Nội để một hồn thơ ngơ ngác

Hà Nội để một đời yên lặng

Ngắm tình yêu ô cửa sổ đêm đêm

Hoa sữa mùa thu

 Cô liêu hiên thềm

Cô liêu tiếng chuông chùa tịch mịch

Cô liêu chiếc lá thu tiền kiếp

Cô liêu đời em

Đời anh...

Hoa sữa mùa thu ta không cầm lòng được nữa

Thứ hương thơm day dứt một đời người

Hoa sữa mùa thu ta không cầm lòng được nữa...

                                                      Thái Thăng Long

Hoa sữa  - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Hoa sữa của Thái Thăng Long là một bài thơ rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ cả bài được chia làm hai khổ với số lượng câu thơ khác nhau, tạo thành hai mảng khối về mặt hình thức. Và, giờ chúng ta hãy cùng đọc biết đâu lại phát hiện ra điều gì thú vị trong kết cấu ấy chăng?

Đọc khổ thơ đầu tiên, người ta thấy mệt đứt hơi bởi cái mạch thơ tha thiết, quyết liệt của thi sĩ. Đó là cách để anh “sô lô”, tự tạo ra không khí mùa thu riêng cho mình mà nhân vật trung tâm lại là… hoa sữa:

Hoa sữa trinh bạch thơm trong đêm

Đêm mùa thu mênh mang

Không cầm lòng được nữa

Ta bỗng nhớ

Mọi sự vật tựa như đang đuổi theo nhau trong một cuộc kiếm tìm, đuổi bắt chính cảm xúc của mình. Ban đầu là tín hiệu của sự nguyên sơ đến sự phẳng lặng mà trống vắng của đêm thu (Đêm mùa thu mênh mang) và tâm điểm là con người (Ta bỗng nhớ). Nhưng đâu chỉ có nhớ, sức ma mị của hoa sữa đã khiến người ta vượt qua chính sự rụt rè, ái ngại của tuổi trẻ mà liều lĩnh, quả quyết: “Không cầm lòng được nữa”. Và khi ấy, cả một thế giới mở ra bởi: “Ta bỗng nhớ”. Điệp khúc Hà Nội trong ký ức như một cao trào được cấu tứ bởi hoa sữa:

Hà Nội và tuổi thơ của ta

Hà Nội để tình yêu đi xa

Hà Nội để một hồn thơ ngơ ngác

Hà Nội để một đời yên lặng

Vẫn là chuyện lỡ làng, dang dở mà sao chỉ Hà Nội mới có? Vâng, thực tế phũ phàng, nghiệt ngã đó được cất kĩ lắm, dưới đáy tất cả những bộn bề nhưng vì hoa sữa màu nhiệm, sâu sắc biết gọi ra những nỗi niềm vốn chỉ của một người (tình yêu đi xa, hồn thơ ngơ ngác) để ám ảnh cả không gian, thời gian (một đời yên lặng). Bởi thế, khi anh “Ngắm tình yêu ô cửa sổ đêm đêm” là lúc anh đã vĩnh viễn chìm sâu vào hoài niệm, vào một “cõi”, một “miền” hoa sữa khác mất rồi. Và, đối ảnh với những điệp khúc Hà Nội là một thế giới như thế:

Cô liêu hiên thềm

Cô liêu tiếng chuông chùa tịch mịch

Cô liêu chiếc lá thu tiền kiếp

Cô liêu đời em

Chắc ngoài Thái Thăng Long, chẳng có thi sĩ nào  phác họa về Hà Nội bằng nhiều “cô liêu” như thế. Đẹp và buồn, vắng lặng trong sự ngưng đọng như một phép màu. Anh là thi sĩ của những ám ảnh kiểu như: “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm/ Có một Hà Nội ngây ngất nắng/ Có một Hà Nội run run heo may” (Yêu Hà Nội); hay: “Run run rét về trong mắt/ Mê hồn những sắc những hoa" (Ba mươi sáu phố phường)…

Như bao bài thơ khác, sự dâng trào cảm xúc là điều đặc biệt ở thơ Thái Thăng Long, một nhà thơ mang trong mình tình yêu Hà Nội, tình yêu Hà Nội và tìm thấy nguồn cảm xúc bất tận ở nơi đây nhất là mỗi độ thu về: “ta không cầm lòng được nữa...”. Cứ thế, những câu thơ được lặp lại mà không nghèo nàn, nhà thơ cứ kể mãi, kể mãi một chuyện tình mùa thu trong hương hoa sữa không bao giờ cũ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.