Hoa tầm xuân

Lâm Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Tầm xuân hoa nở bên rào
Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều
Ngày đang khuất, mắt trông theo
Cánh chim bé tẻo tèo teo cuối trời

Ngây ngây chút nhớ xa vời
Giơ bàn tay, với ra ngoài không gian
Chạm vào một nhánh tầm xuân
Vẫn xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên
Lích cha lích chích vành khuyên
Mổ từng hạt nắng đọng nguyên sắc vàng

Thấy thương con nhện lang thang
Chăng tơ
     cứ tưởng thời gian mắc vào...

                                Bế Kiến Quốc

Hoa tầm xuân - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH:
Hoa tầm xuân là bài thơ ít được nhắc đến trong văn nghiệp của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc. Thường thì, người ta nhắc nhiều đến ông với những: Bài hát trồng cây; Hoa huệ; Bóc lịch; Đêm âm nhạc; Hoa loa kèn… nhưng với một thi sĩ có tài năng, phong cách như ông thì đôi khi ở một bài thơ nhỏ bé, nhẹ nhàng vẫn toát lên được sự tinh tế ấy. Tôi đọc Hoa tầm xuân và thấy từng câu thơ vẫn bí ẩn và mới mẻ như mùa xuân của hơn 30 năm trước:

Tầm xuân hoa nở bên rào
Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều
Ngày đang khuất, mắt trông theo
Cánh chim bé tẻo tèo teo cuối trời

Lục bát là thể thơ giàu cảm xúc nhất bởi vần điệu, tiết tấu rất hợp với cảnh sắc, điệu tâm hồn. Từng câu 6/8 lúc như khúc ngâm, lúc lại biến hóa. Chiều ấy, vẫn như mọi chiều nhưng có sự xuất hiện của những bông tầm xuân mà tạo nên cái “tông” chung cho cảnh sắc. Một cơn mưa “phơn phớt”, một cánh chim bé “bé tẻo tèo teo” cuối trời. Ngay cả cơn gió dẫu không có hình tướng, sắc màu, dáng dấp vậy mà vẫn hiện lên trong nét “xao xuyến”. Để rồi, bước vào khổ thơ thứ hai chúng ta bắt gặp: 

Ngây ngây chút nhớ xa vời
Giơ bàn tay, với ra ngoài không gian
Chạm vào một nhánh tầm xuân
Vẫn xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên
Lích cha lích chích vành khuyên
Mổ từng hạt nắng đọng nguyên sắc vàng.

Thế là, nhà thơ đã bắt đầu cuộc phiêu lưu với “cõi” tầm xuân ấy, như là cách tìm lại ký ức của mình: “Ngây ngây chút nhớ xa vời/ Giơ bàn tay, với ra ngoài không gian”. Tầm xuân chỉ cách một tầm với nhưng đâu có gần bởi hoa hiện về từ “chút nhớ xa vời” của ký ức. Quả đúng như thế, hoa vẫn từ năm nào biêng biếc:

Chạm vào một nhánh tầm xuân
Vẫn xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên

Ở đây có sự song hành giữa “xanh” và “quên” giữa sắc màu của thiên nhiên và ký ức, đã quên rồi mà vẫn còn xanh biếc tình đầu… Hoài niệm là thế, tiếc nuối là thế nhưng nhà thơ vẫn nhận ra bước đi của thời gian trong hai câu thơ kết:

Thấy thương con nhện lang thang
Chăng tơ
     cứ tưởng thời gian mắc vào...

Cái hay của thơ Bế Kiến Quốc thường nằm ở sự đơn giản nhưng tinh tế. Ông là nhà thơ của thời gian, khi viết về bước đi của các loài hoa, của mùa màng ông đều tìm ra nét tinh tế như thế, nào là:

Một mùa hoa sắp nói lời tạm biệt
Những làn hương đã bắt đầu lên đường...

                                          (Hoa loa kèn)
Hay:
Áp-thấp-muộn. Phố bắt đầu sớm đông.
Bất ngờ mưa. Tơi bời. Hoa sữa rụng.

                                            (Hoa sữa)
Và rồi:
Mặc kệ hết! Cái mầm xanh rất mới
Sẽ gọi bao chồi nõn thức trong vườn.
Mùa đông nhất định qua, nhất định mùa xuân tới.
Nhưng nhờ anh, mùa xuân tới mau hơn...

                                              (Đến sớm)

Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã sống một đời cao khiết để viết những câu thơ thanh khiết như thế. Đọc lại một lần nữa bài thơ Hoa tầm xuân, sao ta vẫn thấy mùa xuân như ngưng đọng, hoa loa kèn trong tầm tay với và những kỷ niệm xưa dường như chỉ mới hôm qua…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.