Hoa và ngày 20-11
(PNTĐ) -
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy
Còn rung rinh sắc thắm tươi
20-11 ngày năm ấy
Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi
Cô tôi mặc áo dài trắng
Tóc xanh cài một nụ hồng
Ngỡ mùa xuân sang quá
Học trò ngơ ngẩn chờ trông...
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...
Xuân sang, thầy đã bốn mươi
Mái tóc chuyển màu bụi phấn
Nhành hoa cô có còn cài?
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...
Tà áo dài trắng nơi nao,
Thầy cô - những mùa quả ngọt
Em bỗng thành hoa lúc nào.
Phan Thị Thanh Nhàn
LỜI BÌNH
Vào những ngày tháng 11 này, hoa tươi đang tràn ngập phố phường chờ bàn tay những người học trò dâng tặng các thầy cô. Dù đang cắp sách đến trường hay tóc đã pha sương thì khi đứng trước các thầy cô ta thấy mình lại được thơ bé như ngày nào. Và thật bất ngờ, trong kho tàng thi ca Việt Nam lại có một bài thơ dành cho thầy cô trong ngày kỷ niệm truyền thống nghề giáo với tên gọi Hoa và ngày 20-11 của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Chúng ta biết đến nữ thi sĩ của Hà Thành với nhiều thi phẩm như: Làm anh; Nàng tiên ốc; Hương thầm; Con đường; Trời và đất… mỗi bài thơ mang một dấu ấn khác nhau và đến thi phẩm này ta bắt gặp một cảm xúc thật khác. Bắt đầu bằng những câu thơ rất giản dị:
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy
Còn rung rinh sắc thắm tươi
20-11 ngày năm ấy
Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi
Trong niềm hoài niệm, nhà thơ như thấy hoa còn thắm (sắc thắm tươi), người thầy còn trẻ trung (Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi) như thuở nào. Bởi, đó là sự “phục dựng” bằng một tình cảm đầy kính trọng và yêu mến của các thế hệ học trò. Đến khổ thơ thứ hai là hình ảnh cô giáo như nàng tiên trong tâm hồn học trò:
Cô tôi mặc áo dài trắng
Tóc xanh cài một nụ hồng
Ngỡ mùa xuân sang quá
Học trò ngơ ngẩn chờ trông...
Câu thơ: “Ngỡ mùa xuân sang quá” cho thấy sự sáng tạo của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Người viết tránh được sự trau truốt, gọt rũa để viết lên câu thơ như vừa thốt lên một phát hiện đầy thuyết phục: “Học trò ngơ ngẩn chờ trông...”. Hóa ra, thời gian không đợi một ai, khi thầy cô mải miết với sự nghiệp trồng người, khi các thế hệ học trò lớn lên, thời gian đã lấy đi tất cả:
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...
Xuân sang, thầy đã bốn mươi
Mái tóc chuyển màu bụi phấn
Nhành hoa cô có còn cài?
Đến đây ta có thể nhận ra nữ thi sĩ có triển khai sự song hành hai mạch thơ mà không khiến câu chữ bị rời rạc. Giữa hình ảnh thầy và cô; giữa hoa và người vừa có sự đối sánh vừa có sự gắn kết trong niềm suy cảm. Khi mái tóc thầy “chuyển màu bụi phấn” là lúc “Nhành hoa cô có còn cài?”. Tuổi tác, sự lo toan trong cuộc sống đã lấy đi tất cả. Để rồi khi chúng ta chợt nhận ra thì đã thấy:
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...
Tà áo dài trắng nơi nao,
Thầy cô - những mùa quả ngọt
Em bỗng thành hoa lúc nào.
Bài thơ viết về chủ đề tri ân, ơn đức thầy cô quen thuộc nhưng lại được thể hiện tinh tế qua cái duyên thơ của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Cả bài thơ như một chớp thoáng, chấm phá đơn giản mà sự gợi mở đọng lại sâu sắc. Thử hỏi, mấy ai trong chúng ta còn nhớ cái thuở: “Tóc xanh cài một nụ hồng”, rồi thì: “Mái tóc chuyển màu bụi phấn” và cuối cùng là sự bất ngờ, thảng thốt: “Em bỗng thành hoa lúc nào”.
Cuộc đời là thế, mọi thứ đều vụt qua, vận động và bất biến. Mỗi người trong chúng ta đều có sự bận bịu riêng tư và quên lãng thầy, cô đã già yếu và dần khuất bóng. Bài thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa như một bông hoa dâng tặng thầy cô, vừa nhắc chúng ta về những điều như thế…