Học cách buông bỏ

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dù chẳng nói ra nhưng My cũng thầm hiểu lý do vì sao chị Khanh đến bây giờ vẫn lẻ bóng. Vì vậy, My đang cố gắng để giúp chị thay đổi...

Chị Khanh là chị chồng của My, năm nay 36 tuổi, làm nhân viên văn phòng. My chưa từng gặp người phụ nữ nào kỹ tính, sạch sẽ đến mức độ như chị Khanh. Hội bạn thân của My cũng không khỏi nể phục vì cô có thể sống hòa thuận với bà chị chồng tính tình khó chịu đến như vậy.

Trước đây, Minh - chồng của My sống cùng chị Khanh trong một căn hộ rộng gần 100m2, có 3 phòng ngủ do bố mẹ mua cho hai chị em. Nhà chồng My dù ở quê nhưng kinh tế rất khá giả vì bố mẹ làm chủ siêu thị mini lớn nhất nhì trị trấn. Khi My về làm dâu, chị Khanh muốn ra ở riêng, nhưng mẹ chồng không chấp nhận, vì căn hộ khá rộng rãi, đang thừa phòng ngủ. Hơn nữa bà cũng không muốn con gái sống một mình, vừa buồn tẻ lại ăn uống thất thường.

Những ngày đầu khi sống chung, My có phần hơi “sốc” vì tính cách của chị Khanh, cho dù cô cũng là người khá gọn gàng và ngăn nắp. Dường như dù My cố gắng đến đâu, những nỗ lực của cô vẫn chưa đủ để thỏa mãn ánh mắt sắc sảo của chị. Mỗi lần My dọn dẹp, cô đều đảm bảo sạch sẽ mọi ngóc ngách, mọi thứ được sắp xếp ngay ngắn, đúng vị trí. Thế nhưng, chẳng hiểu bằng cách nào, chị Khanh vẫn có thể tìm thấy những vệt bụi còn sót lại bên trong kệ khiến chị không thể ngồi yên mà phải tự mình dọn dẹp lại từ đầu.

Học cách buông bỏ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Có lần chị Khanh đi du lịch với nhóm bạn vào hai ngày cuối tuần. Vợ chồng My ở nhà vô cùng thoải mái vì được ăn món yêu thích rồi thảnh thơi nằm xem tivi, lướt điện thoại. Tuy nhiên, vì một lý do bất ngờ nào đó đã khiến chị Khanh quyết định về nhà sớm hơn dự định. 5h sáng, khi trời còn đang mờ mờ hơi sương, tiếng động từ phòng khách vọng vào làm My giật mình thức giấc. Cô bước ra ngoài phòng khách, bất ngờ khi thấy chị Khanh đang đeo khẩu trang, tay chổi, tay khăn lau… dọn nhà.

- Chị Khanh, sao chị lại về giờ này?

- Lịch trình hôm nay là đi chụp ảnh sống ảo, mà chị thì không thích. Ở lại ăn uống cũng không hợp nên chị về nhà trước cho khỏe.

- Đi tàu xe mệt chị không nghỉ ngơi chút xíu, lại dọn dẹp luôn vậy? Nhà cửa cũng sạch sẽ, gọn gàng mà chị?

- Chị đi 2 ngày thì làm sao mà sạch cho được. Em nhìn xem, chị mới lau qua thôi mà cái chậu nước như thế này rồi đấy!

Nói rồi, chị Khanh kéo tay My vào bếp rồi càu nhàu: “Em nhìn cái bếp đây này. Tại sao bát đĩa lại xếp lộn xộn không theo thứ tự gì cả. Các lọ gia vị phải quay hết cái nhãn mác ra thì mới biết đâu là lọ muối, đâu là lọ bột canh hay lọ đường chứ. Rồi thức ăn trong tủ lạnh từ bao giờ mà không bỏ đi, để đấy cho có mùi ra à?”.

My uể oải lắc đầu, cuối cùng thì kế hoạch ngủ nướng và đi ăn món bánh canh yêu thích của hai vợ chồng bị phá sản hoàn toàn. Bởi vì chị Khanh đã ở nhà là không bao giờ có chuyện đi ăn ở bên ngoài, dù chỉ là mua xôi ăn sáng. Chị bảo tự nấu ăn mới tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, muốn ăn gì cứ báo với chị. Thế nên, từ ngày lấy chồng, My ăn uống khoa học hẳn lên, hơn nửa năm trời đều ăn sáng ở nhà, trưa thì ăn cơm nấu ở nhà mang đi. Chỉ có vài ba lần My đi ăn bên ngoài cùng với đồng nghiệp và bạn bè vào những dịp liên hoan, sinh nhật.

Không chỉ có chuyện nhà cửa và ăn uống, đến phong cách ăn mặc của chị Khanh cũng thật cứng nhắc. Tủ quần áo đi làm của chị toàn là sơ mi kín cổ, quần âu tối màu, bộ đồ ở nhà cũng đều là quần dài, áo ngắn tay. Những buổi tối, thay vì xem phim, lướt mạng, chị lại ngồi đọc những cuốn sách triết lý về cuộc đời, đúng 10h tắt đèn đi ngủ. Chị Khanh sinh hoạt điều độ, nguyên tắc đúng như cái máy đã lập trình sẵn, không sai lệch một chi tiết nào.

Nhưng rồi bất ngờ, My không nghĩ lại đến một ngày chị Khanh dần thay đổi. Chị bắt đầu đi chơi cùng bạn bè, mặc những chiếc váy nhẹ nhàng, điệu đà và tươi cười nhiều hơn. Vợ chồng My ban đầu cảm thấy ngỡ ngàng, sau đó là niềm vui xen lẫn hạnh phúc khi chứng kiến sự biến đổi tích cực của chị.

Thì ra, chị Khanh đã bắt đầu một mối quan hệ với một người đàn ông vừa trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ và có cô con gái riêng 7 tuổi. Người đàn ông ấy mang lại cho chị cảm giác yêu thương và hạnh phúc mà bấy lâu nay chị chưa từng trải qua. Chị Khanh vốn là người chu đáo, thích chăm sóc người khác nên chị hay đến nhà người đàn ông kia để dọn dẹp, nấu nướng. Chị không ngần ngại mở lòng, giới thiệu người bạn trai của mình với vợ chồng My, mong muốn có được sự chấp nhận và chúc phúc từ gia đình.

Học cách buông bỏ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không lâu sau, trong đêm mưa rả rích, chị Khanh bước về nhà với bộ dạng thê thảm, mái tóc ướt nhẹp, nước mưa làm mờ đi đôi mắt đẫm lệ. Chị lặng lẽ bước vào phòng, khép chặt cánh cửa, lẻ loi giữa bốn bức tường vốn dĩ là chốn bình yên, nay lại chứa chan bao nỗi buồn man mác. Người đàn ông mà chị tin tưởng, yêu thương giờ đây đã lựa chọn rời xa. Anh ta không thể chịu đựng được sự kỹ tính, nguyên tắc đến mức cực đoan của chị.

Dù đau lòng, nhưng chị Khanh vẫn cố gắng giữ vẻ ngoài mạnh mẽ, không muốn người khác thấy mình yếu đuối. Nhưng vào một đêm trăng thanh, khi mọi thứ đều chìm vào yên lặng, My bỗng nhiên thức giấc và thấy chị Khanh đang đứng lặng lẽ ngoài ban công. My bước lại gần, nắm lấy bàn tay chị, nhẹ nhàng an ủi: “Từ ngày về làm dâu, em luôn yêu quý và coi chị như chị gái của mình. Và em mong rằng chị cũng như vậy. Cuộc sống vốn nhiều áp lực, mệt mỏi, nếu có chuyện gì buồn, chị hãy tâm sự cùng em nhé. Như vậy nỗi buồn sẽ vơi bớt đi và khiến tâm trạng thoải mái hơn. Em biết chị rất buồn sau khi chia tay, nhưng vì chị cố tỏ ra mạnh mẽ, nên em cũng không biết phải an ủi chị thế nào”.

- Em biết vì sao người ta bỏ chị không? Vì ở bên cạnh chị lúc nào cũng thấy áp lực. Chị kỹ tính, cứng nhắc, nguyên tắc khiến người ta ăn gì, uống gì hay làm gì cũng bị chị ngăn cản, chấn chỉnh. Chị cũng biết đây là khuyết điểm của mình, chị cũng muốn sửa đổi lắm nhưng mà không được. Chị thấy rất khó chịu, chị khổ tâm thật sự.

- Em hiểu chị mà. Nhưng chị cứ cố gắng sống thoải mái hơn, tìm những niềm vui mới thay vì chỉ quan tâm tới việc sắp xếp đồ đạc, hay là để ý xem xung quanh mình đã đủ sạch sẽ, ngăn nắp chưa. Khi tìm thấy niềm vui rồi thì chị sẽ không để ý đến những thứ lặt vặt không vừa mắt chị nữa. Cuối tuần, chị em mình sẽ đi mua sắm, ăn uống bên ngoài cho thay đổi không khí. Chị yên tâm, em sẽ luôn bên cạnh để chị tập làm quen với những điều mới mẻ.

Nhờ sự động viên của My, chị Khanh bắt đầu nhìn nhận lại bản thân và cuộc sống xung quanh. Chị quyết định thay đổi, không chỉ cho mình một cơ hội mới mà còn cho những người xung quanh có cơ hội được hiểu và yêu thương chị thật lòng. Chị Khanh học cách buông bỏ những quy tắc không cần thiết, đón nhận cuộc sống với nụ cười rạng rỡ và trái tim ấm áp hơn. Chị hy vọng, một ngày nào đó không xa, chị sẽ tìm thấy hạnh phúc thực sự.

Và My cũng mong những điều tốt đẹp sẽ đến với chị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gắn kết gia đình từ những chiếc bánh

Gắn kết gia đình từ những chiếc bánh

(PNTĐ) - Hôm vừa rồi, tiệm bánh của chị Hòa có cô bé đến mua bánh. Thấy chị đeo tạp dề, gắp bánh, xếp vào hộp cứ thoăn thoắt, bánh lại đẹp mê li, cô bé xuýt xoa, “em cũng muốn có tiệm bánh giống chị”. Mẹ chị Hòa đang phụ con gái mới quay qua bảo: “Ngày xưa, nó thấy bố mẹ không bao giờ mua bánh cho, nên bây giờ bỏ cả cái bằng thạc sỹ để làm bánh đấy cháu ạ!”.
Bệnh thiếu máu, thiếu sắt

Bệnh thiếu máu, thiếu sắt

(PNTĐ) - Theo thống kê, thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,62 tỷ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển và ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai.
Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

(PNTĐ) - Truyền thống yêu nước nồng nàn, trí thông minh, sáng tạo, lòng nhân ái và đức hy sinh cao cả chính là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng. Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí lao động, công tác nào, cũng đều không khó để bắt gặp được những người phụ nữ luôn phát huy cao giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó.
Trẻ em gái cần được yêu thương, chăm sóc

Trẻ em gái cần được yêu thương, chăm sóc

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em gái để tạo dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, giúp các em phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, tự tin khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Có được kết quả đó, cùng với các chính sách của Thành phố, còn phải kể tới việc nâng cao nhận thức của người dân ngay từ trong gia đình