Học cách sống an toàn trong dịch Covid-19

Chia sẻ

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và rất khó lường, lựa chọn cuộc sống an toàn cho mỗi chúng ta cần được coi là trước hết và trên hết. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần được xã hội bảo vệ và chính họ cũng phải mạnh mẽ vươn lên, tự tạo dựng cuộc sống an toàn cho mình và mọi người.

Sống an toàn là nhu cầu của con người

Theo GS Abraham Maslow người Mỹ (1908-1970), nhu cầu của con người tạo thành hình tháp Ai Cập gồm 5 tầng, tính từ dưới lên, bao gồm: nhu cầu thiết yếu-an toàn-xã hội-tôn trọng và tự khẳng định mình. Có thể thấy, nhu cầu về sự an toàn ở vị trí tầng thứ 2, quan trọng không kém các nhu cầu thiết yếu khác để con người sinh tồn. Nếu chỉ có ăn no, mặc đẹp mà môi trường sống lúc nào cũng đầy rẫy hiểm nguy thì vẫn là chưa đủ.

Trước tiên, con người có nhu cầu an toàn về thể xác vì đó là tài sản riêng, không thể bị mất mát hay xâm phạm. Tuy nhiên, đáng buồn là phụ nữ và trẻ em gái lại là mục tiêu bị xâm phạm thân thể, tấn công tình dục, bạo hành ở bất kỳ lúc nào và ở mọi nơi. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em còn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất cả về vật chất lẫn tinh thần trong các vụ việc gia đình bất hòa, chia ly. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu quan trọng, thiết yếu là được an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Muốn thay đổi, chúng ta phải xây dựng, gìn giữ tổ ấm để phụ nữ và trẻ em an cư. Phải giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có sức khỏe tốt để có sức lực vươn lên, thực hiện các ước muốn. Phải tạo ra cơ chế để bảo vệ phụ nữ trẻ em tránh bị xâm hại, lạm dụng, bóc lột...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, để có được cuộc sống an toàn cho bản thân và gia đình, mỗi chúng ta, trong đó có người phụ nữ còn phải biết tự thích ứng để hội nhập và hòa đồng, để ổn định và phát triển. Mỗi người cần phải tự thay đổi quan niệm, tư duy, từ đó chủ động tạo môi trường sống an toàn cho mình thay vì bị động trông đợi sự an toàn chỉ do khách quan mang lại.

Biến cố đại dịch Covid-19 là một biến cố toàn cầu, ai có thể biết rằng có thể lại gặp phải biến cố nguy hiểm nữa, tương tự trong tương lai? Chúng ta không còn cách nào ngoài việc thích nghi với mọi nghịch cảnh. Phải chấp nhận, chịu đựng những thiếu thốn của nhu cầu tối thiểu của con người như thức ăn, nguồn nước, thực phẩm. Nhịn một tí, không đi chơi, không đi ăn, thiếu tiện nghi... vẫn sống tốt, không chết ai. Theo truyền thống, phụ nữ vẫn là trụ cột của hậu phương, đảm nhận nữ công gia chánh trong gia đình. Trẻ em gái nhỏ tuổi hay lớn tuổi luôn hỗ trợ bà, mẹ có được bữa “cơm ngon, canh ngọt” trong khu cách ly, phong tỏa. Đó là sự thích ứng đáng khen trong hoàn cảnh phi truyền thống của những người nội trợ.

Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta sẽ phải học cách ở gần nhau nhiều hơn trong một thời gian dài vì giãn cách xã hội. Nếu không may gia đình có người nhiễm bệnh hay là F1, F2… mọi sinh hoạt sẽ đảo lộn. Những người vợ, người mẹ sẽ phải học cách tự chữa bệnh cho bản thân và người thân khi bệnh viện đã quá tải, phải nỗ lực gấp nhiều lần để lo chợ búa, cơm nước cho gia đình. Sự vất vả, khó khăn, hiểm nguy của chị em sẽ nhiều hơn lên. Hiểu điều đó để chúng ta thấy thương yêu và quý trọng những người mẹ, người vợ tần tảo chịu thương chịu khó của mình.

Chúng ta sẽ phải sống thích ứng trong tình hình mới hoặc bình thường mới. Sẽ không thể có cuộc sống giống như thế giới của chúng ta trước tháng 12 năm 2019. Dịch bệnh đã gây ra sự mệt mỏi, nhưng chịu sự mệt mỏi dài lâu vẫn là phụ nữ và các trẻ em gái. Vì vậy, chúng ta cần sẻ chia khó khăn với họ, để họ không cảm thấy bị bỏ lại phía sau, được cảm thấy mình an toàn, an tâm ngay trong dịch bệnh.

Sống an toàn là sống bình yên và hạnh phúc

Sống bình yên là được sống bình thường trong một thế giới mới, thế giới luôn có dịch và dường như loài người phải sống chung với dịch, sống bình thường như các bệnh dịch khác. Vì thế, chúng ta sẽ phải chấp nhận công thức sống bình yên là: “vắc-xin + 5K + công nghệ”. Chúng ta dùng vắc-xin để loại trừ, phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay đây vẫn là phương thức hữu hiệu nhất để chống lại dịch bệnh. Thực hiện “5K” phải trở thành thói quen để nếu có một người bị F0 thì khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh rất hạn chế. Gặp nhau không bắt tay mà bằng cùi trỏ, đá chân với nhau là những hình thức mới trong giao tiếp. Sử dụng công nghệ, kỹ thuật số là phương pháp thuận tiện, nhanh, chính xác nhất và cho số đông người nhất trong việc truy vết, khoanh vùng và lập bản đồ dịch tễ. Mỗi người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em hãy tự học và tự trang bị cho mình “công thức bình yên ấy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sống hạnh phúc là sự lựa chọn của mỗi người, là hành trình dài không có kết thúc. An toàn - Bình an - Hạnh phúc chính là cấu trúc của cuộc sống. Đối với người phụ nữ sống hạnh phúc có khi thật đơn giản, không phải là xe hơi nhà lầu, tiền bạc đầy nhà. Hạnh phúc của người phụ nữ sao giản dị đến thế: Một tổ ấm bình yên với người chồng tử tế để nương tựa; một người chồng biết yêu thương và thấu hiểu vợ; họ sợ nhất người đàn ông vô tâm không biết được những cảm xúc dù nhỏ nhoi của người vợ. Họ chỉ muốn được nhìn thấy gia đình mình an toàn, bình an trong đại dịch. Trẻ em gái mong được bình đẳng với các bạn trai, được học hành và được đối xử công bằng giữa các bạn nam và các bạn nữ, là ước muốn của các em.

Sống hạnh phúc là lấy tư duy tích cực làm lẽ sống. Lấy suy nghĩ tích cực làm sự bắt đầu cho tư duy tích cực và mỗi người sẽ nhận được hạnh phúc từ chính những cảm xúc tích cực do mình tạo ra và mình tự hưởng. Phụ nữ rất hay cả nghĩ, thường nặng trĩu quá khứ trên đôi vai. Hãy buông bỏ quá khứ, dù nó có thể gây cho ta tổn thương, mất mát. Lúc ấy lòng ta sẽ thanh thản hạnh phúc. Tư duy tích cực không thể trực tiếp chữa được bệnh hay đẩy lùi Covid-19 và rộng ra không thể đưa thế giới ra khỏi khó khăn chung. Nhưng tư duy tích cực sẽ làm cho trí tuệ con người ta sáng suốt hơn để tìm ra vắc-xin, thuốc trị bệnh, giúp bác sĩ và người bệnh có nghị lực mạnh mẽ hơn để cùng nhau cứu người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Tư duy tích cực không đưa ta ra khỏi thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nó giúp mỗi người sống trong thế giới này một cách vui vẻ, khỏe mạnh và thành công hơn. Đó cũng chính là cuộc sống an toàn của nhân loại và của mỗi phụ nữ, trẻ em gái.

ĐẶNG TỰ ÂN
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục phát triển Việt Nam, Bộ GD-ĐT

Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XI năm 2021 với chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/12/2021. Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ email: moitruongantoan2021@gmail.com hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Kính mời bạn đọc tham gia.

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.