Hồi sinh

Linh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cái tin ông Chiến trở về khiến làng xóm xôn xao bàn tán. Căn nhà ngói ven đê của mẹ con bà Thơm lúc nào cũng tấp nập người đến thăm. Họ đến chia vui với gia đình, nhưng có lẽ cũng vì tò mò.

 Người lính già mất trí nhớ cứ ngơ ngác trước những ánh nhìn hiếu kì dò xét. Họ ngắm ông thật kĩ để xem có nét gì tương đồng gần gũi với anh Thắng hay không. Những người già khơi lại câu chuyện của mấy chục năm về trước. Chiến tranh đã lùi xa nhưng bi kịch dường như vẫn âm ỉ đau trong trái tim của mẹ con bà Thơm…

***

Cuối năm 1972, Hà Nội tan hoang. Chỉ sau một đêm, cô nữ sinh Sư phạm  Hoàng Thị Thơm bỗng hóa mồ côi. Cô tản cư về Hưng Yên và bén duyên với Chiến. Cưới nhau được nửa tháng, Chiến lại theo đơn vị Nam tiến. Những ngày chồng vợ ngắn ngủi chẳng đủ để tình yêu tạc nên hình hài. Nhiều lá thư gửi đi, có lá thất lạc, có lá quay về với Thơm, chất đầy thêm nỗi đợi chờ mỏi mòn trong cô. Và chỉ chín tháng sau ngày cưới, khi chưa nhận được một lá thư hồi âm nào thì cô nhận được giấy báo tử của Chiến. Cô thành đàn bà góa khi mới bước sang tuổi hai mươi tư. Nước mắt của cô như cạn khô sau lễ truy điệu đơn giản với cái mộ gió nép mình tận cuối nghĩa trang.

Bà mẹ chồng thương con mà hóa lẩn thẩn, nhớ nhớ quên quên. Lúc tỉnh thì bà khóc, thương cô con dâu ngoan hiền đã mồ côi lại sớm chịu cảnh góa bụa giống bà. Lúc mê, bà trách Thơm mơn mởn thế mà chẳng kịp lưu lại giọt máu của Chiến cho bà lấy làm an ủi.

Thơm cứ sống như một cái bóng trong nỗi tủi sầu vô vọng. Cô không nỡ bỏ lại bà mẹ chồng khi tỉnh khi mê ở lại đơn độc. Mà đúng ra là cô cũng chẳng biết đi đâu. Cha mẹ mất cả. Họ hàng cũng tan tác mỗi người một nơi. Cô vùi đầu vào công việc mà chẳng thể nguôi ngoai nỗi mất mát đớn đau.

Hồi sinh - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Một đêm trăng muộn, Thơm rón rén quảy đôi thùng ra giếng nước đầu làng. Việc gánh nước đêm chẳng phải xa lạ gì với đám đàn bà con gái xóm đê nghèo. Với Thơm, mỗi gánh nước như vợi bớt nỗi khát khao khi nghĩ về những ngày chồng vợ ngắn ngủi đã qua và cả nỗi đau mà cô đang phải chịu đựng. Ánh trăng cuối tháng lờ nhờ lạnh lẽo. Hai thùng nước bên đầy bên vơi, sóng sánh, chòng chành. Cô như đi trong cơn mê sảng, mụ mị. Nhìn lên trời, thấy mấy vệt sao nhấp nháy, cô lại tưởng tượng ra cảnh máy bay B52 gầm rú trên bầu trời Hà Nội đêm nào.

Trong nhà, bà mẹ chồng khe khẽ trở mình. Bà dậy thắp hương lên ban thờ. Nhìn khung ảnh nhỏ của Chiến đặt lệch sang một bên, bà lại gọi con. Bà chợt lắng tai nghe. Trong tiếng gió lạt xạt nghe như có tiếng sụt sịt khóc, tiếng thì thầm. Bà toan mở tấm cửa liếp để đi ra sân, nghĩ thế nào lại quay vào, lên giường nằm mà tưởng tượng ra đủ tình huống. Hay là hồn ma thằng Chiến hiện về? Hay là con Thơm nó tằng tịu với ai?

Bà nhớ có lần, bà Thoa ở xóm trên đánh tiếng xin cưới Thơm cho cháu trai là thương binh vừa về phục viên. Rồi ông Tài Khoán góa vợ ở xóm dưới, chưa có con trai cũng muốn hỏi Thơm làm vợ. Bà cứ nằm im nghe ngóng. Rồi trong vô thức, bà lại rỉ rả bao nhiêu chuyện lẫn lộn không đầu không cuối…

Làng xóm bắt đầu xì xầm bàn tán khi thấy bụng cô giáo Thơm ngày một đội lên sau lớp áo phin trắng. Người cảm thông với hoàn cảnh của mẹ con cô thì tặc lưỡi ngậm ngùi: Thôi thì kiếm đứa con làm vui. Kẻ bạc miệng thì sỗ sàng nói cô là đồ trắc nết. Ban giám hiệu của ngôi trường cấp một nơi cô công tác thì họp lên họp xuống và đưa ra quyết định kỷ luật buộc cô thôi việc.

... Cô Thơm trở dạ sinh con vào đúng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bà cụ già bế thằng cu con vào lòng mà khóc rưng rức. Thằng bé có một mụn thịt trước vành tai phải. Cứ nhìn thằng bé, bà lại tưởng tượng ra khuôn mặt vuông vức của con trai mình. Thơm đặt tên con là Thắng. Giấy khai sinh của Thắng khuyết phần họ tên cha. Bà chăm thằng bé lắm, coi nó là niềm vui tuổi già của mình.

Cuộc sống của mấy mẹ con bà cháu cứ lặng lẽ trôi đi. Làng quê hồi sinh dần sau chiến tranh. Chẳng mấy ai nhắc lại chuyện cũ nữa. Thì một ngày cuối năm 1982, cô Thơm lại nhận được giấy báo tử lần thứ hai của chồng. “Liệt sĩ Lê Xuân Chiến hy sinh trong chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1979”. Lần này, lễ truy điệu được diễn ra trọng thể. Liệt sĩ Chiến được trở về với đất mẹ. Ngôi mộ gió nay đã là mộ thật và nỗi đau cũng hiện hữu rõ hơn trên tấm lưng còng rạp của bà mẹ già và đôi mắt buồn hằn vết chân chim của cô Thơm.

Bà cụ già cầm tờ giấy khai sinh của Thắng ra Ủy ban xã xin điền tên con trai mình vào phần bị khuyết. Cái dáng nhỏ thó của bà như một dấu hỏi trên con đê chênh vênh. Rồi bà đi về phía nghĩa trang liệt sĩ, lò dò bước đến ngôi mộ nép mình bên bức tường khô cạch. Bà run run lập cập mãi mới châm được ba nén nhang. Bà chìa tờ giấy khai sinh vừa xin được ra phía trước mộ và lại lầm rầm nói chuyện với con trai mình. Đám cỏ tranh bên mộ lơ phơ. Bà đưa tay ra bứt. Lá cỏ sắc lẹm. Máu rỉ ra từ bàn tay gầy guộc nứt nẻ, thấm cả vào tờ giấy khai sinh. Đêm ấy, bà ra đi nhẹ nhàng như một làn gió, khuôn miệng móm mém khẽ mỉm cười.

Hồi sinh - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Ông Tâm, người đồng đội từng một thời vào sinh ra tử với ông Chiến, đặt lên bàn chiếc ba lô cũ sờn. Khuôn mặt ngơ ngác và đôi mắt vô hồn của người lính già bỗng rưng rưng. Rồi ông Tâm quay lại phía bà Thơm, đặt vào bàn tay nhăn nheo chiếc kẹp tóc ba lá có khắc nguệch ngoạc hai chữ C-T. Giọng ông trầm và ấm:

- Đêm ấy, chúng em về qua Thanh Trì. Anh Chiến là cán bộ tình báo nên phải tuân thủ mọi quy định để đảm bảo bí mật. Em biết nhà anh chị cách đơn vị chỉ mười cây số, mà rạng sáng tất cả lại phải lên tàu vào Nam. Em thì thầm vào tai anh ấy... Anh khẽ gắt lên: “Như vậy là đào ngũ rồi”. Em cố thuyết phục anh. Cuộc “đào ngũ” ấy chỉ có em và anh ấy biết. Em đứng ngoài cổng canh cho anh ấy vào gặp chị đúng ba mươi phút. Lúc lên tàu, anh ấy ôm em và khóc. Tàu đến ga Diêu Trì, em trở về đơn vị cũ, còn anh ấy tiếp tục đi, anh đã đưa cho em chiếc kẹp tóc này…

Nước mắt bà Thơm giàn giụa. Cái đêm trăng muộn ấy lại hiện về trong tâm trí bà như một thước phim quay chậm… Suốt bao năm nay, bà Thơm chôn vùi cái bí mật của đêm trăng ấy. Cuộc gặp gỡ vội vã đã kịp để tình yêu kết trái. Là sự an ủi hay trêu ngươi của tạo hóa? Bà cắn răng chịu đựng mọi lời gièm pha với tiếng oan để đời về một cô giáo mắc tội hủ hóa, để người chiến sĩ tình báo ấy không mang tiếng đào ngũ.

Giờ đây, người đàn ông ấy đã trở về với bà. Vẫn vầng trán vuông vức, sống mũi thẳng và cái mụn thịt nhỏ quen thuộc trước vành tai phải. Chỉ có những câu nói ngô nghê và ánh mắt vô hồn xa lạ như của người khác. Ông Chiến cứ ôm khư khư cái ba lô cũ, nghe ông Tâm nhắc đến tên mình, cặp mắt mới ánh lên một chút ấm áp yêu thương…

- Lần thứ nhất chị nhận giấy báo tử của anh Chiến là dịp anh đi biệt phái. Khi đất nước thống nhất, những cán bộ tình báo vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Anh ấy mất tích trong một trận chiến cam go với quân Pôn-pốt giáp biên giới. Hơn ba năm sau, trong một chiều đưa quân đi làm nhiệm vụ, em đã tìm thấy chiếc ba lô cũ này của anh lăn lóc bên sườn núi, một bộ xương gần như nguyên vẹn dưới khe đá gần đó. Đơn vị một lần nữa phải gửi giấy báo tử về gia đình chị. Nhưng người nằm dưới ngôi mộ kia lại là một liệt sĩ vô danh.

Còn anh Chiến bị thương nặng đến mất trí nhớ và lưu lạc trên đất Campuchia suốt từ đó đến giờ. Bao nhiêu năm qua, mấy lần về thăm gia đình mình, em định trả lại cho chị những kỉ vật này. Nhưng không hiểu sao em vẫn linh cảm rằng anh Chiến còn sống. Và như là ý trời, em đã tìm được anh ấy khi đến thăm khu điều dưỡng thương bệnh binh trên đất bạn. Anh ấy đã nhận ra em khi nhìn thấy chiếc kẹp tóc này…

Mắt bà Thơm lại nhòa đi… Chiếc kẹp tóc từng nhói rát lòng tay bà trong đêm trăng muộn ấy đã đánh thức phần kí ức bấy lâu bị vùi quên của chồng bà. Sự trở về của ông dẫu không nguyên vẹn nhưng chắc hẳn nỗi oan của mẹ con bà bao năm qua sẽ được hóa giải.

                ***       

Hai tuần sau, Sở Lao động Thương binh Xã hội cùng các ban ngành đoàn thể trong xã đến thăm và tặng quà gia đình bà Thơm nhân dịp chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Phó Giám đốc trao tận tay người lính già tập hồ sơ thương binh vừa mới hoàn tất. Ông Chiến bắt tay từng người rất trịnh trọng nhưng chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Cảm ơn cậu, Tâm nhé!”.

Từ mảnh đất lầy lội lau sậy um tùm, sự sống đã được hồi sinh qua bàn tay lao động cần mẫn và nghị lực phi thường của Thắng. Anh dẫn đoàn cán bộ ra thăm khu vườn rợp bóng cây bên hồ cá rộng gần hai mẫu và dãy chuồng lợn dài tăm tắp. Đây là mô hình V.A.C đầu tiên trong xã được xây dựng theo tiêu chuẩn chăn nuôi sạch của VietGAP, là mồ hôi công sức và tâm huyết của anh suốt những năm qua.

 Trên trụ cổng đơm đầy hoa giấy ngũ sắc, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới reo vui trong gió. Niềm vui cũng lan tỏa lấp lánh trong ánh mắt mọi người…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.