“Hôm nay bố trả tiền...”

Chia sẻ

Cu Bi mặc áo khoác, chạy theo bố ra ô tô, chị Hiền đứng đợi sẵn ở cửa, kéo tay con, rỉ tai: “Này, hôm nay đi siêu thị, bố trả tiền, nên con nhớ mua thật nhiều vào nhé”. Cu Bi hét lên: “Câu này mẹ nói tỷ lần rồi!”, và nó giật ra khỏi tay mẹ, lao lên ô tô bố đã nổ máy.

Chị Hiền đã quen với thái độ phản ứng “hơi có vẻ hỗn” của con trai, nhưng chả sao, “Mình vẫn phải nhắc con, nó phải biết mua nhiều đồ ăn nó khoái khẩu, như thịt bò Úc, phomai Bò cười, sữa tươi và các loại bánh cao cấp nhập khẩu. Nó thích ăn ngon từ bé, lại hay ăn vặt. Nó phải để bố nó chi tiền chứ! Có mỗi thằng con trai chứ nhiều nhặn gì”. Hiền nghĩ thế, và mỉm cười đắc thắng vì thấy mình “lắm mẹo”.

Chả biết các gia đình khác thì chi tiêu trong nhà như thế nào, Hiền cũng có lúc băn khoăn hỏi bạn bè. Cô A bảo: “Chồng tớ đưa lương hầu hết cho vợ chi tiêu, anh chỉ giữ lại một phần để tiêu vặt và ăn sáng. Nhưng hàng tháng tớ phải kiểm đếm chi tiêu, thông báo cho chồng và mẹ chồng biết hết hay dư bao nhiêu”. Cô B: “Thẻ lương chồng đưa tớ quản, hàng tháng tớ đưa chồng một ít tự tiêu vặt thôi, các khoản “khóc cười” gì thì vợ cũng chi hết rồi”. Cô Z thì bảo: “Nhà tớ mạnh ai nấy tiêu. Chồng chỉ đưa tớ khoản gì to to “gửi tiết kiệm đi”. Tớ chả biết chồng kiếm được bao nhiêu, ngược lại tớ làm ra bao nhiêu mỗi tháng chồng cũng chả biết”. Cô S than khổ: “Cái lão chồng tớ thì thảm hại! Lão chỉ đưa vợ 3 triệu/ 1 tháng, bảo ‘Anh đã ăn trưa ở công ty, chỉ ăn nhà có 1 bữa tối thôi! Tớ bảo “Anh có 2 thằng con giai, ăn như rồng cuốn, anh đưa 3 triệu bạc thì sao đủ ăn, chưa kể tiền học hành”. Chồng bảo “Thì em bỏ lương vào đó mà lo! Sao trút hết lên đầu anh được?”. Lương lão mới cao chứ lương tớ thấp lẹt đẹt, vì toàn nghỉ sinh với nghỉ chăm con ốm đau sài đẹn. Thành ra tớ lúc nào cũng “giật gấu vá vai”. Hu hu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mỗi gia đình có một kiểu quản trị chi tiêu khác nhau. Nhưng nhà Hiền chả giống ai trong số các “mẫu” trên. Hiền xinh đẹp, năng động, “kiếm tiền như chảo chớp”, việc gì phải lệ thuộc đồng lương của chồng. Mặt khác cô cũng không muốn quản mấy đồng eo hẹp chồng đưa, để khi chi tiêu lại phải “xin ý kiến” hoặc “báo cáo hết/còn”! Hiền có “mẹo” riêng. Cô chia 2 phần chi tiêu: chồng, chi tiền điện, tiền học chính học phụ của con; Vợ chi tiền chợ búa, nước và rác. Ngoài ra các tiền “khóc/ cười” thì bên nào bên nấy tự lo, tức là bên nhà chồng và công ty chồng thì anh tự lo, bên nhà vợ và công ty vợ thì vợ tự lo; Chi nhiều ít tùy quan hệ thân sơ. Hiền chia như vậy, chồng ok cái rụp. Bao năm qua cứ thế thực hiện. Ngay cả khi họp phụ huynh mà chồng bận, vợ đi hộ, ok, nhưng đóng góp quỹ lớp quỹ trường, học chính học thêm, học đội tuyển... bao nhiêu thì về Hiền đòi chồng thanh toán đầy đủ. Ngược lại, Hiền đi vắng mà chồng trả hộ tiền nước tiền rác, cô phải trả lại anh không thiếu 1 xu.

Cuộc sống sẽ đơn giản như thế, chả ai phải kiểm đếm của ai, nếu không phải vì cu Bi ngày mỗi lớn, nó lại chỉ biết ăn ngon, mặc diện. Quần áo, giày, balo hàng hiệu (chí ít cũng hàng “phếch” cao cấp, giống như hàng hiệu). Ăn thì đổi món từng bữa (chứ không phải từng ngày), mà phải đồ ăn... nhập khẩu. Thịt bò mẹ mua ở chợ nó kêu “dai nhanh nhách”, thịt heo chợ, tôm he chợ... nó sợ không an toàn thực phẩm. Cứ phải siêu thị nhập khẩu cho chắc ngon và an toàn. Thành ra cái ăn hàng ngày tưởng đơn giản nhưng với nhà Hiền lại thành phức tạp và quá tốn kém. Hiền than thở với chồng, anh bảo:

- Việc thằng cu Bi thích ăn ngon, mặc đẹp cũng do mẹ nó cả! Mua cái gì cho con ngay từ bé đã thích cho nó trưng diện hàng hiệu rồi đưa đi chơi đâu là khoe khoang ở đó. Món ăn cũng thế. Từ lúc nó bé tí, đã xúi con ăn bò Úc bò Mỹ nhập khẩu. Dạy con từ thủa còn thơ! Cô dạy nó ra vẻ con nhà giàu, “nhà không có gì khác ngoài có điều kiện”, thế nên khi càng lớn nó càng “phát huy”, cô phải chấp nhận thôi!

Nghe chồng nói, Hiền cay quá! Đổ hết lỗi cho cô. Vốn lẻo, nên cô nghĩ mẹo đối phó. Vì thế, cô nói con giai, muốn sắm gì cứ đòi bố. Bố kiểu gì chả chiều con giai, mà lại có mỗi đứa duy nhất! Thế là cứ 1 - 2 tháng, cu Bi lại “Bố! Mua cho con điện thoại mới, cái kia cũ quá; Mua giày thể thao mới; Mua áo phông mới; Mua đồ ăn...”. Thế là Chủ nhật bố được nghỉ thì đưa con đi siêu thị. Và lần nào cũng thế, bố con chuẩn bị đi là Hiền lại rỉ tai con “Hôm nay bố chi tiền, con mua nhiều vào. Tủ lạnh to tha hồ đắp cho con ăn dần”. Tháng trước, bố hứa cho Bi mua điện thoại mới, do dịch bệnh phải học online, cái iphon đời cũ không bắt nhịp nên phải mua cái mới. Bố Bi dự kiến mua cho con cái iphone 8, nhưng Hiền xúi con đòi bằng được iphone 12 mới ra đời, mà phải là 12 Pro Max, giá trên 30 triệu. Bố Bi thấy con ì xèo lèo nhèo quá, nên cũng đồng ý mua theo nguyện vọng, nhưng điều kiện là “chỉ để học và phải học giỏi, chứ không được chơi điện tử”. Nhưng anh biết, dọa con thế thôi, chứ trẻ con nó đã thích và mẹ nó đã chiều hư thế thì cũng khó mà quản. Mà nếu bố quản, hoặc mắng nó nhiều thì thành ra bố độc ác, ghê gớm, không thương con, chỉ có mẹ nó là nhất thôi.

Kết cục bố Bi lo lắng đã thành sự thực. Hôm nay khi nghe mẹ rỉ tai “Mua nhiều đồ vào vì bố trả tiền”, cu Bi đã rất coi thường mẹ, hoặc nó cũng chán cái trò lèo lá của mẹ nó, nên mới hét lên “Câu này mẹ nói tỷ lần rồi!”. Chủ nhật tuần trước, do giãn cách Covid-19 lâu quá, cả nhà chưa ghé về quê thăm ông bà ngoại, Hiền lên lịch “Mẹ lái xe chở 2 bố con về ngoại”. Hiền cũng mới học lái xe, nên đây cũng là dịp để rèn tay nghề. Không ngờ, cả nhà ngồi lên xe rồi, Hiền nổ máy, đạp ga hơi mạnh, xe rồ lên, quệt khẽ phải bức tường chắn, cô rên khẽ “Ối! Xước sơn, lại toi mấy triệu bạc!”. Chồng Hiền nói khẽ “Đạp ga khẽ thôi. Đi chậm, an toàn là trên hết”. Cu Bi quạu “Ai bảo tinh vi! Cho đáng đời!”. Thấy con trai mới tí tuổi đầu đã ăn nói láo toét, bố Bi mắng: “A, Bi hỗn quá! Bố cấm không được ăn nói với mẹ như vậy!”. Hiền cũng tức tối mắng con: “Thằng này hỗn thật. Ăn nói lếu láo”. Bi trợn mắt: “Thì nói đúng mà! Tinh vi cầm lái, không để bố lái cho. Vẫn nói thế bao năm có sao đâu! Thế mà cũng mắng?”. Thấy vợ im lặng, bố Bi không nói gì thêm, anh cũng không muốn căng thẳng vì cả nhà đang trên đường về thăm bên ngoại, nhưng trong lòng anh đã nghĩ “Cây non không uốn nên đã cong mất rồi. Cần phải có phương pháp gì đây?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quả thực cu Bi đang vào cái tuổi teen dở dở ương ương. Bao năm qua mẹ nó đã dạy nó theo kiểu coi thường bố chả làm gì ra nhiều tiền, lương ba cọc ba đồng thôi, chỉ có mẹ làm ra nhiều tiền, phải theo mẹ, nghe mẹ thì có tất cả. Bi cũng “lỏi” dần giống mẹ nó. Tuổi này nó lớn nhanh như thổi, quần áo vừa mua đã ngắn cộc, giày dép mới mua đã chật. Mua sắm quần áo, giày dép bây giờ nó cứ khăng khăng đòi hàng hiệu, chứ nhái nó không chịu nữa. Mà đã xài hàng hiệu thì tóc phải nhuộm line nhiều màu hoặc tẩy trắng như bạch kim, xịt gôm vuốt gel như “minh tinh màn bạc”. Bố nó nhiều khi than thở, chỉ lo ăn chơi như này thì học hành gì? Mẹ nó lại bênh “Con nhà mình đẹp giai, sành điệu thế, làm nghề gì chả được. Mà đại học bây giờ dễ ợt, không học trường công thì học trường tư! Như anh học đại học quốc gia, ra đời đi làm có thu nhập bằng 1 góc vợ chỉ học tại chức hay không?”. Nghe vợ nói thế, bố Bi thở dài thườn thượt, bỏ ra ngoài uống bia hơi vỉa hè, hít thở không khí khói xe xả ra lúc tắc đường còn trong lành bằng chán vạn ngồi nghe vợ chê bai đàn ông không biết kiếm tiền.

Nhưng cũng lạ, Hiền dài mỏ chê chồng không biết kiếm tiền, nhưng lại thường xuyên xúi con “móc túi bố” bằng mọi cách. Và từ lúc nào, câu rỉ tai con giai “Mua nhiều vào! Hôm nay bố trả tiền đấy!” đã trở thành câu “thành ngữ” của cô. Thế nhưng Hiền không biết rằng hậu họa từ câu chuyện “dạy con” kiểu khôn lỏi của cô đã thấy hậu quả. Sau khi đi siêu thị với bố, ôm một đống đồ ăn túi lớn túi bé về, vào bữa cơm tối, cu Bi nói như đúng rồi:

- Bố mẹ chuẩn bị chung cư, sang năm con vào đại học là ra ở riêng. Con thích ở một mình yên tĩnh, không bị quấy rầy. Thanh niên nước ngoài họ đều tách khỏi bố mẹ cả.

Hiền trợn tròn mắt:

- Ở riêng là thế nào? Ai lo cho con ăn? Cơm nước chợ búa thế nào? Mày ở với mẹ không sướng hơn à? Đi học về vứt balo là có cái ăn. Cơm không phải nấu, bát chả phải rửa!

- Ối dào! Quan trọng gì cái ăn. Ship một phát đến luôn! Muốn ăn món gì cứ alo là có! Việc gì phải chợ, phải đi siêu thị ôm một đống rồi tấp tủ lạnh không biết ăn bao nhiêu ngày. Mẹ thì tham! Ép mua nhiều quá, ăn mãi cũng chán ngấy! Mẹ không phải lo, con tự biết.

Bố Bi nghe 2 mẹ con đấu khẩu, anh nản lòng nghĩ: “Thế là mình mất con rồi. Có mỗi một đứa duy nhất, mình đã sai lầm để cho vợ thao túng, làm hỏng nó mất rồi. Bây giờ mình có nói gì, khuyên bảo gì nó cũng chỉ có cãi lại, càng đau lòng thêm”. Anh từ tốn bảo con:

- Được, con thích ở riêng, bố mẹ sẽ tạo điều kiện. Nhưng con phải đỗ đại học đã, và trước mắt con phải lo thi tốt nghiệp xem có đỗ hay không đã. Bố mẹ không có sẵn tiền, nên sẽ định hướng thế này: Sau khi con nhập trường, bố mẹ sẽ bán cái nhà đang ở này chia làm 3 phần, 1 phần mua cho con 1 cái chung cư, 2 phần sẽ mua một cái nhà nhỏ hơn để bố mẹ sống tiếp.

Hiền nghe chồng đưa ra giải pháp “nhẹ như lông hồng” thì há hốc mồm ra nghe. Cu Bi nghe bố nói thì cúi đầu im lặng. Có lẽ đây là lần đầu tiên, Hiền không “cãi chồng nhem nhẻm”, cũng không rỉ tai xúi con làm trái với lời bố dạy. Cô chợt nhận ra hình như mình đã sai.

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.