Hơn bao giờ hết thấm thía hai chữ “chia sẻ”

Chia sẻ

Là một trong những nghệ sĩ năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ bà con vùng cách ly, khó khăn trong đại dịch đang diễn biến căng thẳng tại Tp Hồ Chí Minh, MC Nguyên Khang đã chia sẻ cùng Phụ nữ Thủ đô những câu chuyện đầy tính tích cực thời điểm này…

Những ngày này Sài Gòn đang căng mình chống dịch, Khang cũng như các nghệ sĩ đã nỗ lực để thực hiện các chương trình thiện nguyện hỗ trợ người dân. Cảm xúc của Khang ra sao khi cùng đồng nghiệp xuống phố giúp bà con?

- Gần 40 năm sống ở Sài Gòn, từ khi sinh ra và lớn lên, chưa bao giờ Khang thấy Sài Gòn lại “đau lòng” như thế khi phố xá vắng tanh, những hàng quán đóng cửa hơn tháng nay, số ca nhiễm tăng lên mỗi ngày, mỗi ngày người ta nói với nhau câu chuyện của F0, F1, rồi 14 hay 21 ngày. Hạnh phúc nhất của người Sài Gòn là mỗi sáng thức dậy thấy khu mình không bị giăng dây. Trước tình cảnh đó, Khang và các anh chị em nghệ sĩ muốn làm một điều gì đó trong khả năng của mình để giúp bà con: đi siêu thị giùm người dân, nấu những phần cơm từ thiện gửi đến những y bác sĩ, những chiến sĩ hay bà con ở khu cách ly. Cũng như mọi người, đây là công việc mà nhiều người khá sợ, vì phải tiếp xúc với nhiều người mà mình không biết họ có nhiễm bệnh hay không? Chúng tôi rất chú ý việc mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống giọt, găng tay khi thực hiện nhiệm vụ. Lúc đầu chúng tôi cũng sợ, nhưng nhìn bà con vui và hạnh phúc chúng tôi đã dạn dĩ hơn. Mà nếu ai cũng sợ, thì lấy ai giúp bà con, nên suy nghĩ thế chúng tôi lại lao ra đường. Khang rất vui và ấm lòng vì mình đã giúp đỡ rất nhiều người nhất là những hộ gia đình đã không thể đi chợ trong nhiều ngày liền.

Nguyên Khang tham gia chương trình đi chợ giúp người dân trong tâm dịchNguyên Khang tham gia chương trình đi chợ giúp người dân trong tâm dịch

Người ta nói, với truyền thống lá lành đùm lá rách, ở bất cứ đâu trên đất Việt khi gặp biến cố, người dân khắp nơi đều sẽ giúp nhau hết lòng. Những điều gì trong hai chữ “chia sẻ” khiến Khang cảm động những ngày này?

- Hơn bao giờ hết Khang thấm thía nhiều hơn với hai chữ “chia sẻ”. Khang cũng đọc nhiều câu chuyện về lòng tốt bị lợi dụng, hay chuyện người ta từ chối phát gạo cho những cụ bà đến xin, cá nhân mình thấy thương và thấy đau. Khang nghĩ đã làm việc thiện thì không cần phân biệt. Và thật vui vì sự chia sẻ ấy ngày càng được nhân rộng, được lan tỏa và được đón nhận rất nồng nhiệt. Khang đã nghẹn ngào khi thấy nhiều y bác sĩ đã nhiều tháng liền không được cắt tóc nhưng nụ cười đã nở dưới bàn tay của các tình nguyện viên. Các bạn tình nguyện viên càng làm càng say mê và nhiệt huyết. Và khi một bạn tình nguyện viên nào đó sáng thức dậy nhắn vào trong nhóm chung: “Khu em ở sáng nay bị giăng dây rồi, em không thể tiếp tục công việc được”, là lập tức sẽ có các bạn khác lại đảm nhiệm tiếp công việc của bạn mà chẳng nề hà. Và với Khang, chữ “chia sẻ” đó quý lắm, thật sự rất đáng quý, như người ta vẫn đúc kết: Trong hoạn nạn thấy chân tình.

Vừa rồi, Khang có tham gia chương trình đi chợ giúp bà con cô bác, và có chia sẻ về những chuyện cười ra nước mắt khi trúng những đơn đi chợ rất oái oăm, Khang có thể kể lại một chút những kỷ niệm hẳn rất khó quên đó?

- Có khá nhiều chuyện đi chợ cười ra nước mắt khi nhiều bạn trai trong nhóm “trúng” phải đơn hàng dành cho chị em phụ nữ, có người còn có cả đơn hàng combo “nước rửa” (cười). Khi chia sẻ trong nhóm, chúng tôi đã không thể nhịn cười. Chúng tôi đều là những chàng trai còn trẻ lắm, cũng chưa từng làm chuyện ấy bao giờ, nên không khỏi ngượng ngùng lúng túng. Nhưng may là chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của các bạn nữ trong nhóm. Rồi có những khi chúng tôi bị “bom” hàng, khi đi chợ mua gần hết thì sau đó khách hủy đơn vì thiếu một vài món. Một vài bạn trong nhóm mua đồ cho khách từ sớm, nhưng do quá trình vận chuyển bị chậm nên đến nơi đồ không tươi nữa, thế là bị trách. Tất nhiên, đó chỉ là thiểu số, vì đa phần chúng tôi nhận được lời khen của mọi người về tình cảm và sự giúp đỡ. Chúng tôi tin rằng, mình cứ làm việc tốt, cái gì không biết có thể học, quan trọng là không nản và không ngại khó, ngại khổ.

Hơn bao giờ hết thấm thía hai chữ “chia sẻ” - ảnh 2

Bên cạnh đó, thấy Khang và các nghệ sĩ cũng đã tham gia nhiều nhóm nấu cơm thiện nguyện cho bà con, Khang đánh giá ra sao về hiệu quả của chương trình?

- Sài Gòn hiện có khá nhiều bếp ăn thiện nguyện cho bà con, rất ấm lòng. Nhiều người như tôi nấu ăn không giỏi, nhưng đều hỗ trợ nhau hết sức để có phần ăn ngon lành gửi đến người dân. Nhận được những tin nhắn khen những phần ăn sạch sẽ, đóng gói cẩn thận, có cả trái cây tráng miệng và nước uống, thậm chí còn ngon hơn cơm hộp khiến cả ekip rất ấm lòng. Chúng tôi nghĩ, cái quan trọng nhất có thể lo lắng được cho nhau chính là bữa ăn, chỉ cần cái bụng no là ngày đó đã là ngày hạnh phúc. Chúng tôi hy vọng những gì chúng tôi làm sẽ lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người và góp phần giúp Sài Gòn có thể vượt qua cơn đại dịch này. Dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng, Khang mong mọi người cùng nhau nỗ lực vượt qua.

Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống, thị trường giải trí nghệ thuật gần như đóng băng. Bản thân Khang ngoài nghệ thuật còn làm kinh doanh với hệ thống nhà hàng chả cá lớn ở Sài Gòn, tức là bị ảnh hưởng nhiều mặt với riêng Khang. Khang “chèo chống” ra sao để cuộc sống của mình ổn định thời điểm này?

- Thật sự Khang cũng bị ảnh hưởng lớn lắm. Cả năm rồi không có sự kiện, cũng ít chương trình truyền hình để làm nên thu nhập từ nghề MC cũng không có là bao. Kinh doanh nhà hàng thì 4 cửa hàng đều đóng cửa 2 tháng nay nên Khang cũng chịu gánh nặng tiền mặt bằng khá “căng”. Hiện giờ Khang cũng đang dùng tiền để dành của mình để “ trụ lại” trong khoảng thời gian này. Cũng mong dịch bệnh sớm kết thúc để những nghệ sĩ được quay lại sân khấu, mọi người được đi làm và nhà hàng cũng được mở cửa trở lại. Cũng như mọi người dù hoàn cảnh nào thì Khang vẫn tập cho mình những suy nghĩ tích cực hơn, vì Khang nghĩ cuộc đời sẽ có những lúc thử thách lòng người, thử thách bản lĩnh và ý chí sinh tồn, và đây là lúc mà bản thân mình phải nỗ lực nhất để vượt qua nghịch cảnh.

NAM PHONG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.