Hương cốm Hà Thành

Chia sẻ

Trong văn hóa ẩm thực Hà Nội, cốm là một nét gì đó rất riêng, rất đặc trưng mà chỉ nơi này mới có. Chẳng thế mà biết bao người con xa Thủ đô, khi nhớ về nơi mình sinh ra vẫn nói rằng, Hà Nội có 5 mùa: mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông và mùa Cốm.

Mùa Cốm ấy nằm chính giữa mùa Hè và mùa Thu, thường bắt đầu từ Rằm tháng 7. Khi hương hoa sữa dần len lỏi khắp các ngõ ngách của Hà Nội và lúa bắt đầu tròn hạt... cũng là lúc làng Vòng rục rịch làm cốm. Người ta xát vỏ, đãi trấu, giã cốm thình thịch rộn rã cả một vùng. Ngày nay, dù Hà Nội đã khoác lên mình diện mạo, dáng vóc mới khang trang, hiện đại hơn, nhưng về làng Vòng, về Mễ Trì của Hà Nội, tiếng chày giã cốm trong đêm vẫn còn đó, nhịp nhàng mà thao thức lòng người.

Hương cốm Hà Thành - ảnh 1

Từng nghe các bậc cao niên kể lại, nghề làm cốm ở làng Vòng, Mễ Trì bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa sữa bắt đầu đọng hình, cây lúa uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn. Đê vỡ, nước sông lênh láng khắp vùng, đến ruộng lúa cao nhất cũng chìm nghỉm trong nước sâu. Mất mùa, đói kém, người dân không nỡ để công sức vất vả bao tháng ngày của mình trôi sông trôi bể, liền ra các ruộng lúa đã ngã rạp, mò cắt những bông còn non đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ai ngờ, sản phẩm chừng như “bất đắc dĩ” ấy lại có hương vị riêng, hấp dẫn, thơm ngọt thanh tao lạ lùng.

Cũng từ đó, mỗi độ mùa Cốm, người làng Vòng, Mễ Trì lại cắt lúa non, làm cốm ăn chơi. Cốm được chọn làm bằng giống nếp hoa vàng, thứ nữa là nếp nâu, nếp chấm đầu, đón lúa non vào sữa vừa đúng thì. Tiếng chày đêm hòa quyện với hương lúa non thơm mùi sữa của thiên nhiên, đồng ruộng thật là ngây ngất. Dần dà, cốm đã trở thành một hương vị ẩm thực độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương. Những người yêu cốm còn gọi thức này là ngọc - nó thơm và ánh lên màu xanh, là kết tinh hương vị đất trời và sương sớm. Rồi cứ mỗi lần làm là một lần người thợ rút kinh nghiệm, sáng tạo để hạt cốm cũng ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm.

Đã có biết bao câu chuyện kể về cốm, người làng cốm và ký ức nơi đây. Nhưng đâu đó trong những câu chuyện ấy, một nhà văn từng viết rằng: “Nước ta có nhiều nơi làm cốm ngon lắm, mà cậu vẫn thích những sáng sớm mai se sẽ lạnh, ăn cốm Vòng người thấy ấm chân tay. Ngồi ngay hồ Tây, nhìn ra thấy sương bàng bạc, xa xa kia là đồng ruộng, ai đó dậy sớm giã cốm giúp mẹ. Ngồi ăn cốm uống trà, nói chuyện, đêm qua lúc nào không hay”. Ấy quả là cái nhã thanh tao mà đượm tình của người dân Hà Nội. Chẳng thế mà dân gian vẫn truyền nhau câu ví rằng: “Gắng công kén hộ cốm Vòng/ Kén hồng Bạch Hạc cho lòng em vui”.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Xưa, người ta thường chỉ có thể thưởng thức cốm khi vào đúng vụ lúa. Có người yêu thích cốm đầu vụ, khi ấy cốm non, hương sữa lúa rõ rệt lắm. Lại có người thích cốm cuối vụ vì hạt mẩy, mình dày lại có vị bùi bùi bởi lúa đã chín đôi phần. Nhưng nay, công nghệ phát triển, lúa non có thể bảo quản lâu hơn nên người yêu cốm có cơ hội thưởng món này quanh năm mà hương vị không hề thay đổi. Những gói cốm thơm đượm được bọc trong 2 lớp lá, một lớp lá ráy tươi đảm bảo cốm không bị khô, rồi bọc bên ngoài bằng lớp lá sen già thoảng hương thơm ngát, như muốn gói ghém vào trong đó cả hương đồng, gió nội cho thật thấm.

Người sành ăn còn có thể thưởng thức cốm Vòng với những quả hồng trứng đỏ mọng, quả chuối tiêu trứng cuốc, như nhà văn Thạch Lam đã từng viết trong Hà Nội 36 phố phường: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”. Đặc biệt, ăn cốm là phải thong thả, nhấm nháp chút một, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, tận hưởng cái hương vị tuyệt mĩ của đất trời đem cho. Cốm là quà trang nhã, thanh lịch, không chấp nhận sự thô bạo, vội vàng.

Tháng 7, Hà Nội đỏng đảnh với những cơn mưa chợt đến, chợt đi. Ngồi nhẩn nha bên ấm trà mạn, nhâm nhi từng hạt cốm xanh… chậm lại một chút như vậy thôi cũng đủ khiến con người ta thấy Hà Nội hối hả, tấp nập, ồn ã thường ngày bỗng yên bình đến lạ. Giữa lòng đô thị phồn hoa, nhà cao tầng san sát, dường như đâu đó vẫn thoang thoảng hương thơm đồng nội, xao xuyến tới mát lòng.

PHÙNG THU

Tin cùng chuyên mục

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.
Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.