Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Bài và ảnh: Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Từ câu chuyện của những nhân chứng lịch sử

Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong những nữ nhân chứng lịch sử hào hùng ngày ấy.

AHLĐ Cù Thị Hậu cho biết: Những năm tháng khi tham gia phong trào “Ba đảm đang”, bà đang công tác tại Nhà máy dệt 8/3. Ngày ấy, bà cùng các chị em công nhân nhà máy vừa bám trụ sản xuất, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Có những ngày làm ca chiều bà phải đi bộ khoảng 35km từ nhà tới Nhà máy Dệt 8/3. Nhưng lúc ấy, bà không thấy mệt, mà luôn làm việc với tinh thần nhiệt huyết, hăng say. Bà đã đứng 24 máy dệt và dệt được gần 800m vải trong một ca làm việc. Vải thương hiệu “8/3” có mặt ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, đủ các loại: Phin hoa, xanh chéo, pôpơlin, láng, kaki… bày bán ở cửa hàng bách hoá… Đặc biệt, hồi đó nhà máy dệt 8/3 còn sản xuất dây thừng, dây chão cho “đoàn tàu không số”.

“Tôi thấy mình thật may mắn khi được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ về một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết và tự hào luôn in đậm trong tâm trí, theo tôi suốt cuộc đời”, AHLĐ Cù Thị Hậu nói.

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới - ảnh 1
Các nhân chứng lịch sử cùng nhau ôn lại ký ức về phong trào “Ba đảm đang”.

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 71 về thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, phục vụ công tác giao thông vận tải trên các tuyến đường trọng yếu. Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, là một trong những nữ cựu TNXP ngày ấy cho biết: Chỉ thị 71, chính là cơ hội cho những thế hệ trẻ của bà thời đó được cống hiến cho đất nước. Khi ấy, bà đã cùng với hàng vạn nam nữ thanh niên Thủ đô đã nô nức viết đơn xin gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, nhiều lá đơn còn được viết bằng máu. “Chỉ sau 20 ngày ban hành Chỉ thị, ngày 11/7/1965 dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội - Thành Đoàn Hà Nội đã thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô đi vào chiến trường. Đó là Đội TNXP N43 của chúng tôi. Hầu hết chúng tôi đều rất trẻ, bình quân tuổi đời khoảng 18, gồm đủ các thành phần, với hơn 50% là nữ; 30% thì vừa rời ghế nhà trường, có bạn mới 15 tuổi còn mang theo trong ba lô tấm khăn quàng đỏ… nhưng trước khí thế của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đã tình nguyện nhập ngũ. Những năm tháng sống và làm việc ở Trường Sơn đầy gian khổ, chiến tranh tàn khốc, hy sinh mất mát nhưng cũng là những năm tháng đẹp nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc đời, bởi những năm tháng đó chúng tôi đã sống hết mình cho Tổ quốc, chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, bà Dương Thị Vin nói

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, nỗi đau ập xuống gia đình bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Trong một lần máy bay địch đánh phá, mẹ bà đã nhường chỗ cho một đứa trẻ trong hầm trú ẩn và bị trúng bom. Anh trai bà đang chiến đấu ở chiến trường xa. Mẹ mất, em út của bà khi đó mới 4 tuổi. Nén đau thương, bà Viễn xung phong nộp đơn xin vào đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Vừa sản xuất, đội tự vệ của nhà máy vừa tham gia trực chiến. Đến tháng 12/1972, cuộc tập kích Hà Nội và miền Bắc của Mỹ bắt đầu với những chiếc pháo đài bay B-52 và nhiều loại máy bay hiện đại khác…“. Hồi đó, người tôi mảnh khảnh chỉ hơn 45kg, sức khỏe không được tốt vậy mà tôi vác quả đạn 100 ly nặng hơn 40kg trên vai cứ đi băng băng. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim những người con yêu nước, chúng tôi thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”, bà Phạm Thị Viễn xúc động nói.

Đến xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

 Phong trào “Ba đảm đang” không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước mà còn là minh chứng sống động cho ý chí, sức mạnh và sự kiên trì của phụ nữ Việt Nam.

Theo Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, kế thừa và phát huy thành quả phong trào “Ba đảm đang”, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, với bốn tiêu chí: Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Phong trào đã khơi dậy khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ và công sức của các lực lượng phụ nữ, từng bước xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới và đã được 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị hưởng ứng.

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới - ảnh 2
AHLĐ Cù Thị Hậu tham quan triển lãm có giới thiệu hình ảnh của bà tham gia 
phong trào “Ba đảm đang”.

Tinh thần “Ba đảm đang” ngày nay được thể hiện qua việc phụ nữ không ngừng học tập, làm chủ công nghệ, tham gia vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, thương mại điện tử và khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến và xây dựng cộng đồng số bền vững.

Tiếp nối tinh thần “Ba đảm đang”, Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, nuôi lợn nhựa tiết kiệm, biến rác thành tiền, sống xanh, biến các điểm rác tồn đọng thành vườn hoa, đường hoa phụ nữ tự quản. Hàng ngàn công trình, phần việc được các cấp Hội đăng ký và triển khai thực hiện có hiệu quả: Xây, sửa nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, hỗ trợ xây, sửa điểm trường, tôn tạo làm đẹp các điểm di tích, làm tốt công tác hậu phương quân đội, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sĩ, tặng học bổng nâng bước em đến trường…

Tại Hội thảo  “Phong trào phụ nữ Ba đảm đang - Giá trị lịch sử và thời đại” do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Huyện ủy Đan Phượng tổ chức trong tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, với trách nhiệm của một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam xác định rõ tâm thế và sứ mệnh của mình cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân chuẩn bị tốt nhất cho bước tiến quan trọng của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2025 là “Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Các cấp Hội sẽ tiếp tục triển khai, lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho các tầng lớp phụ nữ, ý thức được vai trò quan trọng của mình trong xã hội, kế thừa và phát huy tinh thần, ý chí quật cường của các thế hệ phụ nữ đi trước để không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia nền kinh tế số, kinh tế xanh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.
Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.