Hướng tới 35% nữ đại biểu dân cử khoá 2021-2026 là có khả thi!

Chia sẻ

Chỉ còn ít ngày nữa, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH), đại biểu HĐND, tỷ lệ nữ ứng cử viên phải đảm bảo tối thiểu 35%.

Để đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu QH và HĐND các cấp cao hơn nhiệm kỳ trước, đặc biệt là tối thiểu 35% như mong muốn là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao. 

Để mang đến cho độc giả cái nhìn khách quan, tổng quát về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và sự tham gia của phụ nữ trong công tác chính trị, Đời sống Gia đình đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội về vấn đề này.

PGS. TS Bùi Thị AnPGS. TS Bùi Thị An

- Thưa PGS.TS Bùi Thị An, trước thềm bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp, vấn đề bình đẳng giới lại được đưa lên “bàn cân”. Theo bà, công tác bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính của Đảng và Nhà nước ta hiện nay như thế nào?

- Bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu thiên niên kỷ xuyên suốt cả quá trình phát triển của đất nước mà còn là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội, một đất nước, vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia. Quyền phụ nữ, quyền bình đẳng giới là nội dung cơ bản của quyền con người, thể hiện giá trị nhân văn cao cả, đồng thời là những giá trị chính trị, pháp quyền đáng trân trọng.

Những năm gần đây, kết quả thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam đã có những bước tiến dài, tạo ra được sự bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và trong gia đình. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị ngày càng tăng lên. Xã hội ngày càng tôn trọng phụ nữ, bất bình đẳng trong gia đình dù vẫn còn tồn tại nhưng không lớn. Phụ nữ được tạo cơ hội để học tập, đào tạo và cống hiến cho sự nghiệp của bản thân…

Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động trong tất cả các lĩnh vực hiện nay vẫn còn ít hơn nam giới, trừ lĩnh vực y tế, giáo dục thông thường. Phụ nữ tham gia ở lĩnh vực lao động giản đơn nhiều, nhưng trong đội ngũ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, ở những vị trí ra quyết định… lại chưa cao. Nguyên nhân là do quan niệm phong kiến tạo ra hệ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ nói chung. Phụ nữ hiện nay đang phải tham gia vào lao động sản xuất nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng mức, bạo lực gia đình còn tồn tại, phụ nữ với thiên chức và làm công việc nội trợ trong gia đình vẫn chưa được xã hội tính công, tuổi nghỉ hưu vẫn chưa bình đẳng…

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ ở các vị trí lãnh đạo không cao do yêu cầu phải trẻ hơn nam giới 5 tuổi, trong khi họ đã mất 5-10 năm để chăm sóc và nuôi dạy con. Vì thời gian nghỉ hưu sớm hơn nên người có trình độ, có đức, có khả năng cống hiến, khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu muốn tiếp tục công tác tại cơ quan, họ phải có đơn chứng minh điều kiện, sức khoẻ, năng lực… và cũng chỉ được làm chuyên môn chứ không được giữ vị trí quản lý. Điều này vô cùng thiệt thòi cho phụ nữ và cả sự phát triển của xã hội.

- Theo PGS.TS Bùi Thị An, năm nay, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đai biểu QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như thế nào so với các năm trước?

- Nhiệm kỳ 2021-2026, tổng số đại biểu QH là 500 người, được phân bổ số lượng đại biểu và tỷ lệ tương ứng cho các cơ quan, tổ chức, đợn vị ở trung ương và địa phương. Về cơ cấu, dự kiến đại biểu là phụ nữ phải bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH.

Phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có ý nghĩa quan trọng. Họ đại diện tiếng nói bình đẳng của phụ nữ trong cơ quan quyền lực của nhân dân sẽ bảo đảm các chính sách mang tính toàn diện, bao trùm và việc thực thi chính sách sẽ đáp ứng nhu cầu và lợi ích công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên, để phụ nữ từ đại diện trở thành một lực lượng có ảnh hưởng nhất định đến quá trình lập pháp/chính sách và trong các diễn đàn của nghị trường QH thì đại diện nữ trong cơ quan dân cử tối thiểu là 30% (mức giới hạn). Tuy nhiên cho tới nhiệm kỳ hiện tại, Việt Nam chưa đạt được mức 30% đại diện nữ trong QH và HĐND các cấp.

Về cơ quan dân cử, trong quá trình chuẩn bị bầu cử HĐND các cấp đã chú ý, đã nhấn mạnh việc bình đẳng giới, trong đó yêu cầu rất rõ tỷ lệ nữ ứng cử trên 35%. Hiện nay, cả nước đã đạt được trên 45% nữ ứng cử viên. Tuy nhiên, ở đây, chưa thể đánh giá được tỷ lệ nữ sẽ đạt được bao nhiêu sau bầu cử. Tôi e rằng, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ, sắp xếp tốt thì số trúng cử của nữ ứng viên ở các địa phương sẽ không cao như mong muốn. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ càng như hiện nay thì số lượng các nữ ứng viên trúng cử tham gia vào cơ quan dân cử sẽ cao hơn nhiệm kỳ vừa rồi.

Một buổi hội thảo bồi dưỡng chương trình, kỹ năng hành động, trình bày chương trình hành động cho nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.Một buổi hội thảo bồi dưỡng chương trình, kỹ năng hành động, trình bày chương trình hành động cho nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.

- Vậy làm thế nào để nữ ứng cử viên tham gia vào đại biểu QH và HĐND các cấp sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra, thưa PGS.TS Bùi Thị An?

- Chúng ta đã lựa chọn những người xuất sắc để tham gia vào quá trình bầu cử, thì chắc chắn, họ sẽ không gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động bầu cử. Tuy nhiên, để công tác bầu cử đạt được kết quả như mong muốn, tỷ lệ nữ giới tham chính đạt mục tiêu về bình đẳng giới, thì trong khâu tổ chức thực hiện cần sự vào cuộc của cả hệ thống.

Thứ nhất, cần có định hướng mục tiêu giới trong khóa bầu cử 2021-2026. Đây là cơ sở để các cấp nỗ lực thực hiện đạt được mục tiêu, hoăc chí ít cũng thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử.

Thứ hai, trong hiệp thương giới thiệu người ứng cử, cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tốt việc giới thiêu người ứng cử đảm bảo về chất lượng và cân bằng giới về số lượng. Trong lập danh sách người ứng cử ở các đơn vị bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp xem xét kỹ lưỡng sắp xếp nam, nữ tương đồng trình độ, vị trí chức danh.

Về giám sát bầu cử, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan (nòng cốt là Mặt trận tổ quốc và Hội LHPN các cấp) thực hiện giám sát toàn diện các khâu của quy trình bầu cử, sẽ thúc đẩy quy trình bầu cử được thực hiện theo tinh thần “Dân chủ, bình đẳng và công bằng”. Hội LHPN các cấp cần phát hiện những người xứng đáng và kiên quyết bảo vệ họ đến cùng, cần đi sâu đi sát vào quá trình làm việc của từng địa phương để đảm bảo danh sách ứng cử đủ số lượng, cung cấp cho các nữ ứng cử viên kiến thức cần thiết về chức năng của cơ quan dân cử, kỹ năng vận động bầu cử, tạo hình ảnh cá nhân…

Thứ tư, chú trọng nâng cao năng lực vận động bầu cử của nữ ứng cử viên, nhất là nữ ứng cử lần đầu. Hoạt động này cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện để Hội Phụ nữ và các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới phối hợp tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử viên về kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp nữ ứng cử viên tự tin và thành công trong vận động bầu cử.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bầu cử, giúp cử tri hiểu về quyền bầu cử, ứng cử và nguyên tắc bầu cử, bình đẳng giới trong bầu cử; truyên truyền cho ứng cử viên (nam và nữ); tạo điều kiện để cử tri, tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên và tiếp xúc với người ứng cử. Vận động cử tri đi bầu cử, mỗi người một lá phiếu.

Sự quyết tâm và trách nhiệm cao của các tổ chức bầu cử và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, sự nỗ lực của các ứng cử viên và quan trọng là sự ủng hộ của cử tri và hỗ trợ của các tổ chức cộng đồng trong tổ chức thực hiện sẽ là yếu tố thúc đẩy đạt được mục tiêu giới trong bầu cử.

- Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Thị An!

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.