Hưởng trợ cấp thôi việc khi bị tai nạn phải nghỉ việc ra sao?

Chia sẻ

Tôi là công nhân may tại một công ty cổ phần may xuất khẩu. Tôi có ký hợp đồng lao động với công ty thời hạn là 2 năm. Khi làm việc được 18 tháng thì tôi không may bị tai nạn giao thông và đã phải điều trị mấy tháng nay trong bệnh viện.

Câu hỏi

Tôi là công nhân may tại một công ty cổ phần may xuất khẩu. Tôi có ký hợp đồng lao động với công ty thời hạn là 2 năm. Khi làm việc được 18 tháng thì tôi không may bị tai nạn giao thông và đã phải điều trị mấy tháng nay trong bệnh viện. Xin báo Phụ nữ Thủ đô cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng lao động không? Nếu có thì tôi có được trợ cấp thôi việc hay không? Mức hưởng trợ cấp thôi việc cụ thể là bao nhiêu?

Hà Thị Hiên (quận Ba Đình)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời:

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực là mấu chốt của việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song song với việc phát triển của nền kinh tế, thì những quy định về pháp lý nhằm bảo vệ người lao động cũng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và chú trọng; Vì vậy Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng mối quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động liên quan đến vấn đề việc làm và an sinh xã hội. Một trong những sửa đổi đáng kể trong bộ Luật Lao động điều chỉnh những mối quan hệ giữa quyền và lợi ích của người SDLĐ và người lao động là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất bởi nó sẽ chi phối toàn bộ động lực phát triển xã hội, trung tâm là người lao động.

Trường hợp bạn hỏi về việc bạn có thể bị chấm dứt Hợp đồng lao động hay không, xin được giải đáp như sau:

Theo quy định của Bộ luật Lao động ngày 20/11/2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, tại Điều 36:

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Như vậy, khi bạn phải nghỉ liên tục đến 6 tháng thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn, thì bạn có thể tham khảo quy định trong bộ Luật Lao động về trợ cấp thôi việc, cụ thể:

Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo đúng quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động (người lao động bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc trở lên).

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Bạn không nói rõ thời gian điều trị của bạn đến thời điểm hiện tại là mấy tháng? Nếu bạn đã nghỉ việc để điều trị liên tục 6 tháng thì thuộc trường hợp người SDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu bạn nghỉ điều trị dưới 6 tháng thì người SDLĐ không có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đối với trường hợp của bạn. Trong trường hợp người SDLĐ đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận bạn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết (trong trường hợp sức khỏe bạn đã hồi phục hoàn toàn); Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. (Xin lưu ý người SDLĐ chỉ phải chi trả những khoản tiền trên nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, chứ không phải ngày bạn nghỉ để điều trị do tai nạn).

Mời bạn tham khảo những quy định người SDLĐ chỉ được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 36 bộ Luật Lao động có hiệu lực từ 01/01/2021. Vào thời điểm bạn có những thắc mắc cần giải đáp, kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, thì hợp đồng lao động đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với qui định của Bộ luật số 45/2019/QH14 được tiếp tục thực hiện trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp và để áp dụng quy định của Bộ luật Lao động mới này.

Luật sư: TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.