Huyền tích về miếu thờ nhị vị ca nương ở Thanh Oai

Chia sẻ

Miếu hai cô hay Nhà hai bà là tên nơi thờ nhị vị ca nương tại Quán Đồng, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Đây là ngôi miếu nhỏ, xinh xắn, được đặt cạnh đền thờ Quan Bắc Đẩu trong cùng khuôn viên Quán Đồng.

Ngôi miếu nhỏ cùng Quán Đồng đã có từ lâu đời, gắn với những trang sử hào hùng của làng và là niềm tự hào của người dân nơi đây khi được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chọn khu vực này để lập trại, tuyển quân, rèn luyện binh sĩ.

Theo các bà thường thay nhau ra trông coi, dọn dẹp, thắp hương tại Quán và miếu Hai cô thì ngôi miếu nhỏ không lưu lại ngày tháng bắt đầu thờ tự nhưng miếu đã có hàng mấy trăm năm. Ngôi miếu gắn với câu chuyện về nhị vị ca nương ở nơi khác bị đuối nước trong một trận lụt to trong vùng, bị dạt về đây, được bà con vớt lên, chôn cất rồi dựng miếu thờ.

Cảm kích tấm lòng của dân làng, nhị vị ca nương đã nhiều lần hiển linh để giúp đỡ người cần trợ giúp, đặc biệt, hai cô còn giáo huấn những người có tâm địa, có hành động không tốt. Có rất nhiều giai thoại về sự linh thiêng và bí ẩn trong sự hiển linh của nhị vị ca nương mà người dân nơi đây không thể dùng lẽ thường tình để giải thích nhưng sự thật là có những cá nhân và gia đình vẫn tới đây dâng lễ, thắp hương cảm tạ Quan Bắc Đẩu và nhị vị ca nương bởi nhờ tới đây lễ bái họ đã được phù hộ để ăn nên làm ra, hạnh phúc vẹn tròn.

Huyền tích về miếu thờ nhị vị ca nương ở Thanh Oai - ảnh 1

Chúng tôi tới Quán Đồng thắp hương nhân khi đi dạo, thăm thú những khu làng gần khu đô thị mới Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Khi ngang qua đây, thấy phong cảnh u tĩnh vừa trang nghiêm vừa nên thơ với cây cối xanh tươi, hoa cỏ thơm ngát đã dừng xe vào thăm viếng. Hôm đó là một ngày có những cơn mưa nhỏ. Từ xa, chúng tôi thấy một cụ ông đẹp lão được người con gái xinh đẹp trạc tứ tuần và người cháu trai chừng hơn 20 tuổi - tất cả ăn mặc sang trọng phong thái lịch lãm - dìu từ xe ô tô vào lễ tại đền thờ Quan Bắc Đẩu và miếu Hai cô. Chúng tôi không tiện tới hỏi chuyện nhưng hai bà trông đền cho biết: Đó là một trong những đệ tử trung thành của Quán Đồng, ông đã tới đây lễ từ khi còn trai trẻ bởi kinh doanh gần đây. Từ một gia đình nghèo khó, làm ăn vất vả ông đã trở thành một người khá giả, con cái trưởng thành giỏi giang. Để cảm tạ sự phù hộ của các vị thần linh, Quan Bắc Đẩu và nhị vị ca nương ông đã cúng tiến toàn bộ hệ thống đèn và đường dây điện thắp sáng trong khu Quán Đồng. Bây giờ ông đã già yếu nhưng khi nào muốn đi dạo, ông lại bảo con cháu đưa tới đây, dù không phải là ngày tuần tiết mùng Một hay hôm Rằm.

Miếu Hai Cô là nét đặc trưng rất riêng trong hệ thống thờ tự Việt Nam và có lẽ đây cũng là nét khác biệt về tâm linh mà chỉ nước ta mới có. Những ngôi miếu Hai cô thường thờ các vị nữ thánh nhân đã lập nhiều công trạng, góp phần cứu nước độ dân như đền Đôi Cô ở Tuyên Quang, thờ Cô Đôi Thượng Ngàn và Cô Bơ Thoải Cung, hai cô nổi tiếng trong Hệ thống thờ Mẫu nước ta; miếu Hai Cô ở gò Tiên, làng Thượng Yên, Phú Yên, Phú Xuyên, từng là nơi dừng chân của nhị vị Vương Cô Trần triều khi đón Đức Hưng Đạo Đại Vương thắng trận trở về được nhân dân đặt miếu thờ phụng và lòng thành lễ bái; Đền Đôi Cô Cửa Chương, Hòa Bình thờ hai cô hầu cận của Chúa Bà Thác Bờ Đinh Thị Vân, con gái vua Lang Mường đã có công giúp vua Lê Lợi đánh giặc ngoại xâm… Những ngôi miếu, ngôi đền Đôi Cô hay Hai Cô trên đã thể hiện sự trân trọng, luôn “uống nước nhớ nguồn” của những người con đất Việt đối với các thế hệ phụ nữ đã dành trọn cuộc đời cho sự hưng thịnh của non sông.

Bên cạnh đó, còn có những ngôi miếu Hai Cô ở Hà Nội như ngôi miếu nhỏ ở Quán Đồng, miếu Hai Cô trước đây ở cạnh Quốc tử Giám, miếu Hai Cô ở bãi giữa Sông Hồng hay miếu Hai Cô Cam Đường - Lào Cai (giờ trở thành đền)… là những ngôi miếu nổi tiếng linh ứng, gắn với các câu chuyện truyền miệng khiến báo giới phải vào cuộc lại là nơi thờ những người phụ nữ bị tử nạn vì sông nước hay xe đò, được bà con nhân dân rủ lòng thương an táng, lập miếu hương nhang… Những ngôi miếu này cho thấy sự nhân hậu, giàu lòng thương người của nhân dân ta đối với thân phận con người ngay cả khi chỉ còn là cái xác bị tử nạn. Mặc khác, sự linh ứng của những ngôi miếu nhỏ cho thấy trách nhiệm, tình thương yêu của những người phụ nữ Việt Nam cả khi đã thuộc về “thế giới bên kia” đối với dân tộc mình.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.