Khắc sâu trong tim giá trị ngày độc lập dân tộc

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thế hệ trẻ được sinh ra sau chiến tranh, không còn phải nhịn đói, đối mặt với bom đạn, với lằn ranh sinh tử, vậy họ yêu nước như thế nào, giữ gìn nền độc lập dân tộc ra sao?

Nhìn vào đâu để thấy giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc?

Được thành lập từ tháng 8/1944 tại số nhà 46 Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu với khoảng 60 thành viên thực hiện nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, chuyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trong công sở, trường học, trên tàu điện, rạp hát, rạp chiếu bóng. Trong 3 ngày, 17-18-19/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ và Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ phá bằng được cuộc mít tinh do Tổng Hội Viên chức tổ chức để ủng hộ Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và trở thành nòng cốt đấu tranh giành chính quyền. Chiến công này đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng 8/1945.

78 năm đã đi qua, nhưng những ký ức về ngày Quốc khánh đầu tiên vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ ông Nguyễn Tiến Hà, phó ban Liên lạc Cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Ông kể rằng, “khi đó, tôi đang học hệ Tú tài của Pháp, đọc được truyền đơn và báo bí mật của Đảng nên giác ngộ cách mạng sớm. Lúc đó còn trẻ nên được làm những việc phiêu lưu thì tôi thích thú, hào hứng lắm. Có những lần tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền đồng bào ủng hộ Việt Minh chớp nhoáng ở chợ Mơ, khi địch phát hiện vào lùng sục thì được những người bán hàng giúp đỡ, che chắn để quân mình trốn thoát”.

Nhớ về Quốc khánh đầu tiên của đất nước, Cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu kể rằng, cả tối 1/9, ông không sao ngủ được. Sớm hôm sau, ông dậy thật sớm, mặc trang phục chỉnh tề rồi cùng các thành viên khác của Đoàn Thanh niên hướng ra phía Quảng trường Ba Đình. Trong ngày đặc biệt đó, người dân đến tham gia buổi lễ không phải chỉ ở khu vực nội hay ngoại thành Hà Nội mà còn ở nhiều nơi khác như ở Hoài Đức, Gia Lâm, Bắc Ninh, Hà Nam... Tứ phía, người dân đổ về Hà Nội, số lượng lên đến hàng chục vạn người.

Chiều cùng ngày, lễ Tuyên ngôn Độc lập chính thức được bắt đầu. Bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được trang trọng cử hành tại buổi lễ. Phía trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu thành viên Chính phủ lâm thời bước ra cất tiếng hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ngay lập tức, biển người phía dưới đồng thanh đáp: “Có”. “Câu hỏi giản dị này đã nối liền khoảng cách giữa Hồ Chủ tịch với nhân dân, tạo thành 1 khối liên kết bền chặt giữa lãnh tụ và quần chúng, để đất nước ta bước vào 1 trang sử mới”, ông Hà bồi hồi chia sẻ.

Khắc sâu trong tim giá trị ngày độc lập dân tộc - ảnh 1
Tuổi trẻ Thủ đô đến thăm bác Lê Đức Vân và bác Nguyễn Tiến Hà (Ban Liên lạc Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu).

Sau những thời khắc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hầu hết Đoàn viên Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cho đến ngày thống nhất đất nước, trở về quê hương, các chiến sĩ cách mạng thành Hoàng Diệu đã tiếp tục hăng hái lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương. Những bài học về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị về tinh thần yêu nước, ý chí luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Lớn lên trong hòa bình, “khi đất nước không còn chia Bắc – Nam”, Thanh Xuân (sinh viên Học viện Chính sách và phát triển) có một sở thích đã duy trì được nhiều năm là tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử. “Vì khi đến đó, mình có cảm giác như đang được sống lại trong không khí hào hùng của từng giai đoạn lịch sử của đất nước”, Xuân chia sẻ.

Vào mỗi dịp trọng đại của đất nước như ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày giải phóng miền Nam, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Xuân đều đến thăm lăng Bác. “Vào mỗi dịp đó, Lăng Bác luôn có lượng khách đến thăm tăng rất cao. Nhưng mình cảm nhận được, bất cứ ai đứng trong đoàn người xếp hàng vào lăng viếng Bác, từ các em nhỏ tới các bạn đoàn viên thanh niên, cho đến các cụ già, đều đến đây với một lòng yêu nước, một lòng thành kính và lòng biết ơn vô vàn đối với Bác - vị lãnh tụ đã khai sinh ra nền độc lập dân tộc”.

Một trong những điểm đến lịch sử yêu thích khác của Xuân là di tích nhà tù Hỏa Lò. Với Xuân, đây là địa điểm có nhiều di vật lịch sử, khiến bạn luôn cảm thấy rất bồi hồi và niềm tự hào dân tộc sáng rõ hơn bao giờ hết. “Không chỉ vậy, nhà tù Hỏa Lò còn là di tích thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến để hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, vì các câu chuyện lịch sử được lồng ghép câu đố, lời bài hát, hình ảnh minh hoạ tạo nên những trải nghiệm mới. Website, các nền tảng mạng xã hội như facebook, Instagram, Spotify của di tích được tương tác nhiều…

Người trẻ được nắm bắt về lịch sử bằng những “công cụ” của người trẻ, cũng là cách rất hay để tinh thần dân tộc thấm đẫm một cách tự nhiên vào trái tim”.

Độc lập, tự do không có nghĩa là hưởng thụ

Đối với mỗi người dân đất Việt, ngày Tết Độc lập bao giờ cũng thiêng liêng. Bởi lẽ, biết bao mồ hồi, xương máu đã đổ xuống trong 30 năm đằng đẵng chiến tranh để giữ được nền độc lập non trẻ ấy. Nhưng cũng chính trong khó khăn, gian khổ đó, thế giới đã thấy được sự gan góc, lòng yêu nước nồng nàn của một dân tộc anh hùng.

Đất nước được yên bình để xây dựng và phát triển, đổi mới và hội nhập sâu rộng. Thế hệ trẻ được sinh ra sau chiến tranh, không còn phải nhịn đói, đối mặt với bom đạn, với lằn ranh sinh tử, vậy họ yêu nước như thế nào, giữ gìn nền độc lập dân tộc ra sao?

Khắc sâu trong tim giá trị ngày độc lập dân tộc - ảnh 2
 2 thành viên sáng lập của A little Vietnam là Võ Minh Tân và Đặng Đức Tuấn cùng các cộng sự đã đi qua đủ 63 tỉnh thành của đất nước, trồng hơn 500 cây con để bảo vệ môi trường.
 

Không khó để trả lời câu hỏi ấy, bởi người trẻ hôm nay vẫn đang ngày ngày cố gắng cống hiến bằng tất cả sức lực và trái tim mình. Đó là những bạn trẻ trồng cây khắp Việt Nam. Từ 2 chàng trai Võ Minh Tâm và Đặng Đức Tuấn cầm xẻng đi trồng cây khắp 63 tỉnh thành, đến nay, hành trình ấy đã được tiếp sức cùng rất nhiều bạn trẻ khác.

Trên trang facebook của nhóm mang tên A little Vietnam, các bạn chia sẻ: “Thật tuyệt khi chúng ta - những người xa lạ từ mọi miền đất nước, đã đi du lịch và trồng cây cùng nhau”. Bức tranh yêu nước của người trẻ nhiều màu sắc lắm, đó còn là các bạn trẻ của “Thư viện từ những bông hoa” - dự án bán hoa tươi gây quỹ làm thư viện cho học trò vùng cao đã hoàn thành 2 công trình đầu tiên tại Mù Cang Chải, Yên Bái. Chuyến đi đã mang đến cho các em nhỏ khó khăn vùng cao gần 5.000 đầu sách, 11 tủ sách cùng nhiều đồ dùng học tập, giày thể thao. Những cuốn sách mới sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện kỹ năng và mở ra cho thế hệ măng non những bầu trời đầy ước mơ, khao khát…

Đó còn là những người trẻ tiên phong làm giàu trên mảnh đất quê hương, là những bạn trẻ bỏ tiền túi lo cho người vô gia cư, những người hàng chục lần hiến máu tình nguyện, là những người không may khuyết tật nhưng vươn lên mạnh mẽ để sống có ích, là những người không quản hiểm nguy nhảy xuống dòng nước xiết cứu người, là những chiến sĩ trẻ luôn chắc tay súng… Thế hệ trẻ hôm nay, vẫn đang khát khao và cống hiến để thanh xuân không sống hoài, sống phí.

Vì vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dù thế hệ nào đi chăng nữa thì mỗi chúng ta vẫn mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết không hề đổi thay. Đất nước đang vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch, nhiều cơ hội và sứ mệnh mới mở ra cho thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, không chỉ cố gắng học tập, trau dồi bản thân, vươn mình ra quốc tế, mà một điều quan trọng hơn cả là không bao giờ được lãng quên lịch sử.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục