Khép lại quá khứ đau buồn

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những cú sốc tâm lý, những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn, mất niềm tin vào cuộc sống… tưởng chừng như khiến họ gục ngã. Nhưng rồi, bằng nghị lực, với sự giúp đỡ của những người xung quanh, họ tự chữa lành nỗi đau của mình, vượt lên để có cuộc sống tốt hơn, đón nhận hạnh phúc mới. Tết này, họ đã tự tin đón chào xuân mới.

Vượt lên số phận

Tháng 11/2015, một biến cố xảy ra khiến đôi chân của anh Dương Đình Bảo (Giám đốc Công ty TNHH SX TM & DV Quảng cáo B-ONE) không thể di chuyển. Vụ tai nạn khiến anh hụt hẫng vô cùng. Anh Bảo là lao động chính trong gia đình, vì thế việc mất đi đôi chân ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình và phần nào khiến anh cảm thấy tự ti với mọi người xung quanh.

Anh cố gắng đi xin việc nhưng gặp rất nhiều khó khăn. “Vượt qua khó khăn về cả thể chất lẫn tinh thần cùng với sự giúp đỡ động viên của vợ và niềm hạnh phúc từ đứa con trai bé bỏng, tôi đã vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và hoà nhập tốt với cộng đồng” - anh Bảo nói.

Đến năm 2019, anh Bảo tự thành lập công ty thiết kế đồ hoạ, tự chủ phát triển kinh tế và còn đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh. Đến nay, công ty đang tạo công ăn việc làm cho hơn 20 công nhân và hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số Đắk Lắk có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại công ty với mức lương trung bình là 7 triệu/tháng.

Bên cạnh đó, anh Bảo còn sở hữu một kênh Youtube mang tên B-ONE Multimedia nhằm dạy thiết kế đồ hoạ online miễn phí cho những bạn trẻ có quan tâm tới lĩnh vực quảng cáo.  Bên cạnh đó, anh Bảo còn tích cực tham gia những hành trình thiện nguyện mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Tháng 6 năm 2023, anh Bảo đồng hành cùng các đồng nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo tham gia “Hành trình Caravan kết hợp thiện nguyện “Gắn kết và sẻ chia” do Hiệp hội Quảng cáo Đà Nẵng tổ chức đi qua các điểm Đà Nẵng - Lệ Thuỷ - Phong Nha - Đồng Hới.

Trong hành trình đó, đoàn thiện nguyện đã tặng 20 chiếc xe đạp và các phần quà cho các trẻ em vùng sâu tại miền biên giới huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình; trao tặng 60.000.000 VNĐ cho Hội Khuyến học TP Đồng Hới nhằm đồng viên tinh thần các em có hoàn cảnh khó khăn, vương lên để đạt thành tích cao trong học tập.

Khép lại quá khứ đau buồn - ảnh 1
Đoàn Ngọc Chiến và bạn gái

Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, năm 21 tuổi, khi đang là sinh viên năm 2 trường ĐH Vinh, anh Đoàn Ngọc Chiến không may gặp tai nạn do cây đổ vào người, dẫn tới bị chấn thương tuỷ sống, liệt hoàn toàn hai chân và phải sử dụng xe lăn. Cuộc sống của anh hoàn toàn bị đảo lộn.

Trong suốt 3 năm, anh không dám đối mặt với sự thật rằng mình không thể đi lại như trước. Hầu như cuộc sống của anh thu lại chỉ trong căn phòng của mình. Từ một người hoạt bát, năng nổ với mọi người, anh trở nên cọc cằn hơn, không muốn tiếp xúc với ai. Nhưng khi nhìn thấy giọt nước mắt của mẹ và sự chăm sóc tận tình của các thành viên trong gia đình, anh đã tự nhủ cần phải cố gắng để tiếp tục sống.

Khi tinh thần dần ổn định, năm 2014, anh quyết tâm xin gia đình được ra Hà Nội để học lớp Công nghệ Thông tin. Sau đó, dưới sự giúp đỡ của mọi người và nỗ lực của bản thân, anh hoàn thành xuất sắc khoá học, được một công ty về máy móc nông nghiệp nhận vào làm việc với vị trí Marketing Online. Trong thời gian làm việc tại công ty, anh tham gia rất nhiều khóa học SEO chuyên sâu. 3 năm sau, anh tiếp tục đạt được nhiều thành công trong công việc.

Ngoài công việc, anh cũng tích cực tham gia các hoạt động tại các hội nhóm về người khuyết tật, đặc biệt là tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam cùng Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát Vọng. “Tại đây, chúng tôi chia sẻ với nhau về cuộc sống, công việc, động viên nhau cùng cố gắng, học tập để phát triển bản thân, tìm kiếm cho mình các công việc phù hợp.

Cùng nhau tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật, các cuộc thi về thể thao, văn nghệ, cùng nhau đi du lịch... Cũng từ đây, tôi đã có nhiều mối quan hệ hơn, quen biết nhiều hơn với những anh chị có cùng hoàn cảnh như mình và những thầy cô khác trong trung tâm. Đây cũng là bước đệm khá vững chắc cho những quyết định sau này của tôi” - anh cho biết.

Niềm vui lớn nữa của anh Chiến là đã tìm được người mình yêu thương. Cả hai quen nhau trong quá trình làm việc với nhau ở công ty. “Ban đầu tôi cảm thấy khá tự ti vì bản thân mình là người khuyết tật, sợ sẽ khiến người yêu bị người khác soi xét và vất vả nhưng bằng tình yêu và sự quan tâm của bạn gái, tôi dần mở lòng hơn” - anh nói.

Khép lại quá khứ đau buồn - ảnh 2
Gia đình hạnh phúc của anh Dương Đình Bảo. 

Dám bước qua định kiến

B là một người con của núi cao. Cô lớn lên mang sẵn nỗi cam chịu ngàn đời của những người phụ nữ dân tộc Mông về nạn bạo hành trong gia đình. Cứ là phụ nữ thì phải chịu thiệt thòi, dù có bị chồng đánh hay nhà chồng vùi dập đến thế nào thì họ cũng không dám lên tiếng, không dám ly hôn. Ly hôn là từ khóa tránh né nhất đối với những người phụ nữ quê hương cô. Nếu không chịu đựng được sự cơ cực, người phụ nữ chọn cách tự tử hoặc là bỏ chồng bỏ con sang Trung Quốc.

Nhưng B thì khác. Cô luôn nghĩ nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh đó thì cô sẽ bỏ đi hoặc là làm thế nào để không bị chồng đánh. Học hết cấp 3, B về “làm vợ người ta” dù thâm tâm cô vẫn chưa muốn lấy chồng. Nhưng cuộc hôn nhân của B không hề được suôn sẻ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, bị chồng bạo hành khiến B rơi vào trầm cảm. B buồn bã, lo âu và mất niềm tin vào chồng. Thậm chí, B phát hiện chồng ngoại tình, có những từ ngữ bạo lực tinh thần với cô. Nuôi hai con, gánh vác nhiều việc cô cảm thấy rất mệt mỏi. Đôi khi cô thấy mình bất lực và chỉ biết khóc. Cô từng nghĩ sẽ ly hôn nhưng nỗi sợ không được nuôi hai con, sợ mất cơ hội học tập để sau này kiếm việc làm tốt, sợ ánh mắt ghẻ lạnh của hàng xóm, sợ hủ tục của người Mông… khiến cô cam chịu, chấp nhận...

Sau một lần bị bạo lực, B gửi con, rồi xuống Hà Nội để tìm một lối đi riêng. Cô tìm đến Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO (gọi tắt là KOTO) để xin được hỗ trợ việc làm rồi được giới thiệu đến Ngôi nhà Bình yên. Nhận được hỗ trợ về tinh thần, vật chất và pháp lý, B quyết định ly hôn chồng. “Tôi không dám kể với bố mẹ về câu chuyện của mình, không dám gặp bố mẹ vì sợ bị hỏi chuyện. Người quê tôi, thà chết đi còn được tha thứ hơn là hành động ly hôn”, B buồn bã nói.

B từng nhiều lần nói đến ước mơ mở một homestay. Cô mơ ước có thể giúp đỡ được những phụ nữ cùng cảnh ngộ như mình có một nơi mưu sinh. Hiện tại, chưa đủ điều kiện để biến ước mơ thành hiện thực, B tạm bằng lòng với một tiệm bán bánh và trà sữa nho nhỏ. “Chắc là tôi sẽ cố gắng có cuộc sống tốt hơn để mọi người nhìn vào mình và tự phấn đấu thôi”, B chia sẻ chân thành.

Hiện tại, B đã có một người chồng mới - người đã có một quan niệm cởi mở về hôn nhân gia đình, sẵn sàng giang tay yêu thương che chở cô. “Trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn và gặp được nhiều điều suôn sẻ, sẽ có những lúc bạn cảm thấy thật khó khăn, cô đơn thậm chí là đớn đau. Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì tôi tin rằng nếu chúng ta cố gắng, nỗ lực, sống hết mình thì kết quả chúng ta nhận được sẽ hơn những gì chúng ta mong đợi” - B nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.